Có gì trong tâm Trái Đất
Sách 'Theo dòng lịch sử khoa học' đưa người đọc du hành vào tâm Trái Đất, khám phá cấu trúc địa cầu.
Chúng ta có thể du hành vào tâm Trái Đất được không?
Hiện nay, những mũi khoan mới chỉ xuyên vào lớp vỏ Trái Đất chừng 10 km. Chúng ta có thể biết rõ về tâm Trái Đất thông qua nghiên cứu về sự lan truyền của sóng địa chấn, từ đó “bóc tách” các lớp cấu thành Trái Đất: sóng địa chấn lan truyền theo tốc độ khác nhau tùy theo độ đậm đặc và chất liệu của môi trường nó truyền qua.
Trái Đất đến từ đâu?
Nơi chúng ta đang sống được tạo thành từ sự kết tụ của các vật chất quay xung quanh Mặt Trời, bản thân chúng tạo thành từ các đám mây bụi và khí phun ra khi một ngôi sao phát nổ.
Do các va đập và sự kết tụ của vật chất, Trái Đất lúc sơ khai nóng đến 4.700 độ C. Khối vật chất nóng chảy này nguội dần, các nguyên tố nặng tích tụ lại ở tâm để tạo thành nhân Trái Đất, các nguyên tố nhẹ nổi lên bề mặt.
Công thức tạo nên một hành tinh
90% thành phần Trái Đất được tạo thành từ 8 nguyên tố: sắt (32,1%), oxy (30,1%), silic (15,1%), lưu huỳnh (2,9%), niken (1,8%), magie (13,9%), canxi (1,5%), nhôm (1,4%). 84 nguyên tố hóa học tự nhiên khác chỉ chiếm 1,5% thành phần Trái Đất.
Tâm Trái Đất
Tâm Trái Đất là lõi, tạo thành chủ yếu từ sắt và niken. Nằm trong cùng là lõi trong (dạng rắn), bao quanh là lõi ngoài (dạng lỏng). Áp lực do khối lượng Trái Đất tác động vào là nguyên nhân khiến cho lõi trong vẫn tồn tại ở thể rắn dù nhiệt độ tại đây đạt đến hơn 6.000 độ C.
Lớp phủ
Lớp phủ nằm giữa nhân và vỏ Trái Đất, trải rộng đến độ sâu 2.900 km. Lớp phủ chiếm 80% thể tích và 65% khối lượng Trái Đất.
Lớp phủ có hai lớp là lớp phủ dưới, bắt đầu từ độ sâu 700 km, lớp phủ trên dẻo hơn. Những vận động của lớp phủ (dù rất chậm) là nguyên nhân gây ra động đất và núi lửa phun. Mắc-ma được hình thành từ sự nóng chảy một phần ở một vài điểm của lớp phủ, đặc biệt là vị trí giáp với nhân.
Bề mặt đang trôi
Lớp vỏ và phần bề mặt của lớp phủ trên (sâu khoảng 100 km) tạo thành thạch quyển, được chia thành các mảng kiến tạo. Ở thể rắn và dễ gãy, các mảng kiến tạo “trôi” trên quyển mềm dẻo hơn. Đây là lý do các lục địa trôi đi.
Trái Đất có phải hình tròn?
Trái Đất không tròn tuyệt đối. Isaac Newton, trong cuốn Principia mathematica (1687) và Christiaan Huygens năm 1690 đã đưa ra giả thuyết rằng Trái Đất dẹt ở hai cực do lực ly tâm sinh ra từ sự quay. Những tính toán trắc địa về kích thước Trái Đất, cùng quan sát từ vệ tinh, đã khẳng định giả thiết đó là đúng.
Độ sâu vi khuẩn có thể xâm nhập
Hành tinh của chúng ta đã ở độ tuổi 4,7 tỷ năm. Độ sâu vẫn còn phát hiện thấy vi khuẩn là 2,8 km. Chúng sống sót bằng cách dùng phóng xạ uranium để biến nước thành nhiệt năng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-gi-trong-tam-trai-dat-post1357512.html