Có gì trong Thông điệp quốc gia của Tổng thống Philippines Duterte?
Covid-19, kinh tế, ổn định xã hội và Philippines giữa 'làn đạn' Mỹ-Trung là điểm nhấn trong Thông điệp quốc gia của Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 27/7.
Tổng thống Rodrigo Duterte trình bày Thông điệp Quốc gia trước lưỡng viện ngày 27/7.
Chiều ngày 27/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đọc Thông điệp quốc gia thường niên. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, số lượng thính giả đã được giới hạn còn 50 quan chức Nội các và Thượng viện. Tuy nhiên, thực tế này chẳng làm người đứng đầu Manila buồn lòng, khi ông đã dành hơn hai tiếng trình bày Thông điệp quốc gia dài nhất kể từ năm 2017, đề cập 21 dự thảo ưu tiên trong phần còn lại của nhiệm kỳ với bốn điểm chính.
Thứ nhất là đại dịch Covid-19. Tổng thống Rodrigo Duterte nhận định: “Chúng ta đang sống trong thời khắc khó khăn. Giấc mơ về sự thịnh vượng của đất nước bị đe dọa bởi loại virus lây lan nhanh chóng và dữ dội. Không quốc gia nào tránh khỏi. Con người, giàu hay nghèo, đều chẳng thể thoát khỏi mối đe dọa từ dịch bệnh chết chóc ấy”.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng thừa nhận khó khăn trong việc tăng cường năng lực xét nghiệm, dù đã 6 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo ông, đại dịch Covid-19 là thử thách cho Philippines, song với tinh thần đùm bọc lẫn nhau, với những người nơi tuyến đầu ngày đêm quên mình chống dịch, cùng tiến triển nhanh trong quá trình nghiên cứu vaccine trên thế giới, Manila sẽ vượt qua.
Thứ hai là câu chuyện kinh tế. Tổng thống Rodrigo Duterte đã đề cập thành tựu phát triển, nhận định rằng Philippines “đang ở một vị trí tốt hơn để kiểm soát khủng hoảng gây ra bởi đại dịch Covid-19 toàn cầu”, với hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt thông qua chương trình “Xây Xây Xây” (BBB), qua đó nâng cao đời sống và mang đến cơ hội việc làm cho nhiều người dân.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng đề xuất nhiều dự thảo và kêu gọi Quốc hội thông qua chương trình cho vay vốn Bayanihan, đạo luật giảm thuế doanh nghiệp; kéo dài thời hạn trả nợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, khai hoang và phát triển các vùng đất ở nông thôn, thúc đẩy du lịch nội địa.
Về lĩnh vực xã hội, ông cam kết sẽ cải thiện cơ sở vật chất nhằm phổ biến các lớp học trực tuyến trong đại dịch, tăng cường số nhân viên trạm y tế địa phương, đồng thời thiết lập Cơ quan Quản lý và Phòng chống Đại dịch Quốc gia nhằm phản ứng với các dịch bệnh trong tương lai.
Thứ ba, Tổng thống Duterte khẳng định sẽ tiếp tục “mạnh tay” để duy trì ổn định xã hội khi mở rộng quyền hạn cho các lực lượng chấp pháp, tuyên bố quyết tâm đập tan các băng đảng ma túy, điều động Quân đội nhằm trấn áp lực lượng nổi dậy. Thậm chí, ông còn kêu gọi Quốc hội đưa hình phạt tử hình quay trở lại nhằm tăng cường tính răn đe với tội phạm.
Đáng chú ý, ông Duterte cũng dành nhiều thời gian chỉ trích “những kẻ đầu sỏ chính trị”, cụ thể là gia tộc tỷ phú Lopez, với đài truyền hình ABS-CBN đã triển một chiến dịch nhằm hạ uy tín ông.
Thứ tư, Tổng thống Duterte “không quên” đề cập lập trường quốc gia trong câu chuyện Mỹ - Trung. Người đứng đầu Manila khẳng định đã thảo luận với Bắc Kinh nhằm có quyền ưu tiên tiếp cận vaccine một khi được sản xuất. Đáng chú ý, ông thừa nhận Philippines không đủ năng lực quân sự giải quyết tranh chấp Biển Đông và phương án duy nhất là thông qua nỗ lực ngoại giao. Song trước đó hai tuần, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. lại khẳng định nước này sẽ luôn thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về Biển Đông và không thỏa hiệp.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng kiên quyết sẽ không cho Mỹ đặt căn cứ hải quân, lo ngại rằng Manila có thể gánh hệ quả một khi chiến tranh hạt nhân nổ ra giữa Bắc Kinh và Washington.
Xuyên suốt những câu chuyện ấy là vai trò, trách nhiệm ngày một lớn của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte nhằm tìm kiếm sự ổn định, đưa đất nước tiếp tục vững bước về phía trước.