Cô giáo cả đời cống hiến cho giáo dục
35 năm gắn bó với Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa), cô Lương Thị Hồng Yến đã cống hiến gần như toàn bộ thời gian, tâm sức của mình cho công việc giảng dạy. Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Yến còn có nhiều sáng kiến, sáng tạo và đạt được nhiều giải thưởng.
Cô Yến là một trong 12 nhà giáo của Đồng Nai có tên trong danh sách Nhà giáo ưu tú được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng hồi cuối tháng 12-2023.
Nối nghiệp của mẹ
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề y và nghề giáo, cô Yến ban đầu dự định theo nghề y để nối nghiệp ông ngoại và cậu. Nhưng đến cuối năm học lớp 12, cô lại quyết định theo học sư phạm để nối gót mẹ làm giáo viên.
Tính đến nay, cô Yến đã có hơn 35 năm gắn bó với Trường THCS Trần Hưng Đạo. Giỏi chuyên môn, nhiệt huyết với nghề, có trách nhiệm trong công việc, tận tình với đồng nghiệp nên từ nhiều năm nay, cô Yến được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng tổ bộ môn Toán. Ở vị trí công việc nào, nữ giáo viên này cũng làm tròn vai với tất cả tâm huyết và trí tuệ của mình.
Theo cô LƯƠNG THỊ HỒNG YẾN, các cuộc thi sẽ tạo động lực để giáo viên làm được nhiều sản phẩm phục vụ giảng dạy, nâng cao nghiệp vụ, phát huy tích hợp liên môn. Đồng thời là cơ hội để giáo viên giao lưu, tham khảo thêm những sản phẩm, giải pháp từ đồng nghiệp.
Cô Yến đạt được nhiều thành tích đáng nể: 12 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 2 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 2 lần đoạt giải B cuộc thi đồ dùng dạy học tự làm cấp thành phố, 8 lần dự thi và đoạt giải Chương trình phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập (trong đó có 3 giải nhất, 4 giải nhì, 1 giải ba), 22 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu khác.
Cô Yến khiêm tốn chia sẻ về những thành tích đã đạt được: “Tôi quan niệm rất đơn giản, đó là cố gắng làm tốt công việc được giao bằng tất cả khả năng của mình. Công việc nào cũng có áp lực, nghề giáo viên cũng vậy. Nhưng khi tôi cống hiến hết sức mình cho các thế hệ học trò, sau này lớn lên các em thành tài thì đó là niềm vui của tôi”.
“Quả ngọt” của cô giáo này không chỉ là các thế hệ học trò đã nên người, thành tài mà mới đây nhất, cô còn được công nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đây là vinh dự mà không phải nhà giáo nào cũng có được.
Cô Yến tâm sự: “Tôi không lập gia đình riêng nên trong nhà chỉ có 2 mẹ con. Mẹ tôi năm nay đã hơn 80 tuổi. Ngày đón nhận tin này, mẹ tôi rất vui. Bản thân tôi cũng rất vui và tự hào. Tôi có hứa với mẹ là khi nào được đi nhận phong tặng thì sẽ đưa mẹ đi cùng”.
Không ngừng sáng tạo
Để có được “quả ngọt” trong sự nghiệp giáo dục, bản thân cô giáo dạy Toán này đã phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là không ngừng tự học để theo kịp với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) và đổi mới giáo dục.
Bắt đầu sự nghiệp dạy học từ năm 1988, khi đó, CNTT còn là khái niệm xa vời. 10 năm sau, cô Yến phải mày mò đi học tin học ứng dụng. Đây là nền tảng quan trọng để cô ứng dụng CNTT trong dạy học. Hiện nay, tuy việc ứng dụng CNTT trong dạy học của cô Yến còn hạn chế so với các giáo viên trẻ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu dạy học. Cô cũng liên tục cập nhật, học hỏi thêm để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Cô Yến được biết đến là “cây sáng tạo” của Trường THCS Trần Hưng Đạo. Từ năm 2013 đến nay, cô đã có 8 lần dự thi và đoạt giải Chương trình phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập. Những giải pháp này đều là các dụng cụ, thiết bị dạy học môn Toán và được giáo viên trong trường sử dụng có hiệu quả trong thực tế.
Cô Yến cho hay: “Từ yêu cầu thực tế trong quá trình dạy học, tôi làm thiết bị để học sinh được quan sát, học tập một cách trực quan. Khi áp dụng vào thực tế, tôi mới xác định được ưu điểm, hạn chế để khắc phục, hoàn thiện sản phẩm rồi mới đem đi dự thi”.
Nhờ cách làm đó, không có giải pháp dự thi nào của cô Hồng Yến bị “cất ngăn bàn” sau khi đoạt giải. Thậm chí, có thiết bị dạy học làm từ 10 năm trước đến nay vẫn còn được ứng dụng. Điểm đặc biệt là cả 8 giải pháp dự thi, đoạt giải của cô Yến đều có sự góp sức, hợp tác của cô Tô Kim Yến (giáo viên môn Toán, Trường THCS Trần Hưng Đạo).
Cô Tô Kim Yến nhận xét: “Đối với tôi, cô Hồng Yến là “sư phụ”. Cô giỏi chuyên môn, sẵn sàng chỉ dẫn đàn em một cách cặn kẽ, hỗ trợ đồng nghiệp tối đa. Cô làm việc miệt mài, không kể ngày đêm. Với tính cách tỉ mỉ và chỉn chu nên khi làm việc gì cô Hồng Yến cũng đặt ra yêu cầu cao, từng lỗi nhỏ cũng phải sửa cho hoàn thiện. Khi nghe cô đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú, tôi rất mừng, vui như chính danh hiệu đó là của bản thân vậy”.