Cô giáo cắm bản nơi nhiều 'không'
Tận tâm, giỏi nghề, mến trẻ, trách nhiệm và gương mẫu là những ấn tượng của phụ huynh học sinh và bạn bè đồng nghiệp nói về cô giáo Vi Thị Hương, sinh năm 1993, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Mỹ Lý 2, xã Mỹ Lý, huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Cô Vi Thị Hương sinh ra và lớn lên ở bản Xằng Trên, xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Năm 2014, cô tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, về nhận công tác tại Trường Mầm non Mỹ Lý 2, xã Mỹ Lý.
Hành trình gắn bó với công tác “gieo chữ” của cô Hương đã sang năm thứ 10 trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa nhất huyện và là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Thái và Mông. Trường đóng tại bản Xằng Trên, xã Mỹ Lý, gồm có 6 điểm trường gồm các bản Xằng Trên, Yên Hòa, Piêng Pèn, Nhọt Lợt, Xốp Dương, Cha Nga.
Là xã tiếp giáp với nước bạn Lào nên điều kiện kinh tế của bà con đồng bào dân tộc Thái và Mông nơi đây vô cùng khó khăn, chủ yếu là làm nương rẫy, trình độ dân trí chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo bình quân là 75-80%, giao thông đi lại giữa các bản phải vượt qua những con dốc một bên là núi cao, một bên là vực sâu, chạy xuyên rừng và vượt sông bằng đò tạm. Tất cả 6 điểm bản chưa có điện lưới quốc gia, 4/6 điểm bản không có sóng điện thoại, 2 điểm bản lớp học còn tạm bợ, đồ dùng dạy học còn thiếu rất nhiều. Trường có 8 lớp/118 học sinh, trong đó, 6 lớp ghép từ 3-5 tuổi và 2 lớp trẻ từ 24-36 tháng tuổi.
Là người con đồng bào dân tộc Thái, thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi của các em, cô Hương đã không ngừng nỗ lực vươn lên từng ngày, miệt mài đem con chữ đến với các em học sinh. Cô cho biết, 10 năm trong nghề, cô đã gắn bó với 4 điểm trường, trong đó, có điểm trường bản Cha Nga là khó khăn nhất, cách điểm trường chính 30km, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường sông. Trên hành trình ấy, cô phải vượt qua hàng chục con thác lớn nhỏ, trong đó, Cành Cạp và Cành Lẹt là 2 con thác hung dữ nhất trên dòng Nậm Nơn.
Cô nhớ lại: Vào đầu năm học 2017-2018, khoảng 4 giờ chiều, tôi và 4 đồng nghiệp Trường Tiểu học Mỹ Lý 2 thuê thuyền từ điểm chính ngược dòng Nậm Nơn lên điểm trường Cha Nga nhận nhiệm vụ. Hôm đó mưa lớn, nước sông dâng cao, sóng lớn làm chiếc thuyền lật úp, tất cả đồ dùng trang bị dạy học đều bị cuốn trôi, may mắn, chúng tôi từ nhỏ đã được bố mẹ dạy bơi nên đã thoát chết. Sau đó, chúng tôi cùng nhau nắm tay nhau men theo đường mòn đi bộ ngược dòng sông để đến điểm trường khi đã 10 giờ đêm.
Và một kỷ niệm khác, vào năm học 2019-2020, tôi được phân công giảng dạy tại bản Xốp Dương cách điểm chính 15km đường đất, hàng tuần, tôi phải dậy sớm từ 5 giờ sáng, đi bộ từ nhà đến điểm lẻ để giảng dạy. Ở đó, dân thưa thớt, dân trí thấp, từ đầu năm, tôi nhận lớp có 15 cháu. Trước Tết Nguyên đán, có 8 phụ huynh đi làm ăn ở các tỉnh phía Nam xin phép ra Tết sẽ đưa các cháu đi cùng, đồng nghĩa với đó là các cháu sẽ không được tiếp tục đi học. Trước thực trạng đó, tôi đã đến từng nhà, vận động từng người, ngày nào cũng phải đón các cháu đến trường và đưa các cháu về nhà... Sau một thời gian ngắn, các phụ huynh đã nhất trí để các cháu ở lại quê được tiếp tục học tập.
Những kỷ niệm trên con đường "cõng chữ lên non" của cô Hương cũng là kỷ niệm của hàng ngàn giáo viên đã và đang vượt qua khó khăn, gian khổ và cả sự hy sinh vì sự nghiệp “trồng người” trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Dù vất vả, gian nan đến mấy, tất cả giáo viên nơi đây đều có một điểm chung duy nhất - đó là lòng yêu nghề, mến trẻ, tất cả vì học sinh thân yêu.
“Không chỉ là cô giáo bám bản đầy nhiệt huyết mà từ năm 2019 đến nay, cô Hương còn là Chủ tịch công đoàn đầy trách nhiệm và gương mẫu. Bằng tình cảm và trách nhiệm với hoạt động công đoàn, cô Hương luôn cần mẫn, năng nổ trong công tác, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của mọi người. Trong quá trình công tác, cô Hương luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, sáng tạo, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, phối hợp với thủ trưởng cơ quan làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên bằng những việc làm thiết thực như: Thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ những đoàn viên trong công đoàn có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức cho đoàn viên đi tham quan, học tập thực tế; tích cực hướng dẫn và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao..., tạo không khí thi đua sôi nổi, đoàn kết, môi trường sinh hoạt lành mạnh cho các đoàn viên trong công đoàn. Bên cạnh đó, công đoàn đã phối hợp tích cực khai hoang tăng gia sản xuất, bình quân mỗi điểm trường là 50m2 đất trồng rau các loại, nuôi 15 con gà đẻ lấy trứng, nhờ đó, bữa ăn của các cô giáo và 100 học sinh bán trú nơi đây đã được cải thiện rất nhiều” - cô Lô Thị Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
10 năm trong nghề, cô Hương liên tục đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường; nhiều năm được Tổ chuyên môn xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm học 2019-2020 và 2021-2022, cô đạt thành tích là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm học 2020-2021, cô Hương đạt sáng kiến kinh nghiệm bậc 3, được Chủ tịch UBND huyện tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nhiều năm liền, cô được Liên đoàn Lao động huyện tặng Giấy khen.
Một năm học mới đang đến gần, hành trình "cõng chữ lên non" của cô giáo Vi Thị Hương nơi bản làng xa xôi của xứ Nghệ vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng khi được hỏi về ước mơ và nguyện vọng của bản thân, cô tâm sự: “Hạnh phúc, niềm vui lớn nhất của tôi là thấy các cháu được đến lớp, được nở nụ cười, được biết con chữ. Bởi vậy, tôi ước các điểm trường có được cơ sở vật chất tốt hơn, để các cháu có chỗ học hành, để quên đi bao khó khăn của cuộc sống, để lớp học luôn rộn ràng tiếng cười của trẻ thơ”.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-giao-cam-ban-noi-nhieu-khong-post466261.html