Cô giáo của bản

PTĐT -Mọi người ơi, nhanh lên, cùng nhau đến thăm cô giáo Hiền thôi! Cô giáo vừa mới lên bản đấy.

PTĐT -Mọi người ơi, nhanh lên, cùng nhau đến thăm cô giáo Hiền thôi! Cô giáo vừa mới lên bản đấy.
Trưởng bản Chánh tay chống gậy, miệng ngậm tẩu thuốc, men theo từng con đường nhỏ rẽ lối hết nhà này lại đến nhà khác. Đến đâu, ông cũng vui vẻ thông báo với mọi người rằng cô giáo Hiền đã trở lại với bản. Ai nấy đều phấn khởi, niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt. - Thế mà… Người lên tiếng trách kẻ tung tin đồn thất thiệt, người tự trách mình đã có lúc buông lời trách cô giáo Hiền. Rồi họ rủ nhau cùng đi. Người mang theo quả bí, người đem mớ rau xanh, người lại xách theo túi gạo nếp,… Họ cùng với trưởng bản Chánh đến gặp cô giáo Hiền, cảm ơn cô đã trở lại bản dạy học.- Ơ kìa! Cô giáo Hiền… cô Hiền! Cô ơi! Cô bị sao vậy…! Trưởng bản Chánh cùng người dân trong bản và cả mấy đứa trẻ, ai nấy đều không thể tin vào mắt mình khi đứng trước cô giáo Hiền. Ống tay áo bên trái của cô buông thõng, dúm dó, phất phơ để lộ cánh tay đã bị cụt đến khuỷu. Không để mọi người phải ngạc nhiên, tò mò, Hiền nở nụ cười rạng rỡ, tay phải giơ lên mời mọi người cùng ngồi xuống chiếc chiếu trải xuống nền phòng. Hiền đem quà dưới xuôi ra mời mọi người cùng ăn. Ai cũng lo lắng và không hiểu chuyện gì đã xảy ra với cô suốt mấy tháng hè qua. Họ cùng ngồi im thin thít, vẻ như chờ đợi một câu trả lời. Hiền kể với dân bản về tai nạn mình gặp phải trong lần nghỉ hè về xuôi vừa rồi. Hôm ấy, trời mưa to. Qua đoạn đường nhỏ hẹp, cô bị ngã xe khi gặp phải chiếc xe tải đi ngược chiều. Bánh xe tải cán qua cánh tay trái của cô, buộc phải cưa bỏ từ bàn tay đến khuỷu…Hiền kể bằng giọng ngập ngừng, đôi khi đứt quãng nhưng rồi cô lại nhìn mọi người mỉm cười như không có chuyện gì. Trưởng bản Chánh bùi ngùi. Mấy phụ huynh ngồi quanh nhìn Hiền cũng động lòng thương cảm. Còn đám trẻ, trong đó có thằng Hun, thằng Phình, con bé Hen, con Vả hết nhìn cánh tay cô giáo lại nhìn nhau rơm rớm nước mắt. Sau khi thay mặt người dân bản chia sẻ nỗi buồn với cô Hiền, trưởng bản không quên cảm ơn cô vì đã trở lại với bản, với đám trẻ nghèo. Thằng bé Hun nhìn Hiền, giọng nó đầy quan tâm, lo lắng:- Chắc cô đau lắm phải không? Cô giáo về nghỉ hè bị tai nạn. Thế mà chúng em lại cứ tưởng cô không lên bản nữa. Chúng em… xin lỗi cô! Còn Vả thì lại hớn hở:- Giờ cô lên với chúng em rồi. Chúng em vui lắm! Hiền nhìn mọi người rồi nói với giọng vui tươi:- Cô giáo Hiền gắn bó với bản gần 10 năm. Cô xem bản là ngôi nhà thứ hai của mình. Vậy nên, dù có thế nào, cô cũng sẽ không bỏ bản đâu. - Đúng rồi! Cô giáo Hiền nói đúng lắm. Người dân bản nghèo ai cũng biết tình cảm của cô giáo dành cho bản là như thế mà. Người dân bản sẽ không phụ tấm lòng của cô đâu. Nói rồi, trưởng bản Chánh quay lại nhìn những người dân bản đứng bên, hỏi bằng giọng dõng dạc, dứt khoát:- Có đúng vậy không, mọi người?- Đúng rồi. Đúng rồi! - Mọi người đồng thanh.Thấm thoát đã tròn 10 năm Hiền gắn bó với học trò làng bản. Càng gắn bó, càng dạy học và gần gũi với các em học trò nơi đây, Hiền càng cảm thấy lựa chọn ban đầu của mình là đúng. Hiền thích cảm giác mỗi khi được đứng trước không gian mênh mông, thoáng đãng của núi rừng; điều đó khác xa với sự ồn ào, bụi bặm nơi phố xá nơi cô sống. Hiền khẽ đọc câu thơ của Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” rồi cô mỉm cười, lòng dịu mát một cảm giác bình yên rất lạ. Sinh ra trong một gia đình nghèo, từ khi còn bé, Hiền đã mơ ước trở thành cô giáo. Ước mơ ấy cứ lớn dần theo năm tháng qua những tấm gương người thầy, người cô Hiền đã được học; ước mơ ấy càng cháy bỏng hơn khi Hiền được nghe kể, được gặp những tấm gương người thầy người cô hết lòng vì học trò. Và rồi sau ba năm học cao đẳng Sư phạm, Hiền hạnh phúc vô cùng khi được cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi. Khác với bạn bè, họ chờ đợi, tìm kiếm việc làm ở phố, ở nơi trung tâm thuận lợi, Hiền đã tự nguyện nộp hồ sơ xin lên bản dạy học. Đoạn đường từ nhà lên nơi dạy dài gần cả trăm cây số. Ba mẹ Hiền ban đầu khuyên ngăn con vì nghĩ rằng thân gái dặm trường, một mình trên vùng núi cao hẻo lánh biết khi nào mới được về lại dưới xuôi, khi nào mới có tấm chồng. Điều làm ba mẹ Hiền thay đổi, suy nghĩ lại chính là quan niệm đúng đắn của cô:- Con biết ba mẹ lo cho con. Nhưng con đã chọn nghề dạy học thì phải theo nghề. Nghề mà cả xã hội mình vẫn coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Nghề lắm nhọc nhằn, đầy trách nhiệm, tỷ mẩn kiên trì nhưng đổi lại có rất nhiều niềm vui. Dù dạy học ở đâu, dù học trò có như thế nào, con nghĩ nếu như thầy cô có thể làm được một điều gì đó giúp học trò thay đổi trở nên tốt đẹp hơn thì đó mới chính là ý nghĩa thực sự của nghề giáo… Hiền còn kể cho ba mẹ nghe câu chuyện cảm động mà cô đã gặp trong thời gian đi thực tập. Đó là câu chuyện về bài kiểm tra Hiền ra cho học sinh lớp 3, rằng: “Em hãy vẽ một món quà được tặng mà em cảm thấy yêu thích nhất”. Trong số những món quà các cô cậu học sinh vẽ, Hiền ấn tượng nhất là bức vẽ của cô bé tên An. Dáng người nhỏ thó, khuôn mặt lấm lem nhưng An lại có tấm lòng trong sáng và đôi tay vô cùng khéo léo. Cô bé ấy không vẽ giống như các bạn, về một chiếc váy hồng xinh xắn, về một cuốn truyện ý nghĩa, về một bữa ăn thịnh soạn hay một món quà đặc biệt nào đó. Món quà An vẽ trên trang giấy trắng chính là đôi bàn tay của Hiền.- Sao em lại vẽ đôi tay của cô mà không phải là đôi tay của một ai khác? Hiền tò mò hỏi An.- Mẹ em mất lâu rồi. Mỗi khi được cô cầm tay, mỗi khi cô chỉ em học bài, đôi bàn tay của cô lại làm em nhớ đến đôi tay của mẹ. Câu nói của bé An bỗng nhiên khiến mắt Hiền cay xè. Cũng chính An đã khiến Hiền càng nung nấu quyết tâm trở thành cô giáo, trở thành người gieo mầm hy vọng, thắp sáng tương lai cho học trò, đặc biệt là những em học trò có hoàn cảnh khó khăn. Hiền đã trăn trở rất nhiều sau tai nạn mất đi cánh tay trái. Liệu một giáo viên đứng lớp khuyết đi một cánh tay như Hiền có còn phù hợp để dạy học? Liệu Hiền còn đủ tự tin để tiếp tục đứng trên bục giảng khi nhận dưới lớp ánh mắt của học trò cứ chằm chằm nhìn vào cánh tay đã bị cụt đến khuỷu của mình? Nhưng nếu không dạy học, Hiền sẽ làm gì? Nếu không dạy học, không trở lại bản thì những cô cậu học trò của Hiền sẽ lại phải bỏ học, sẽ phải lên nương lên rẫy, sẽ phải vào rừng hái măng. Có em có khi còn phải lập gia đình sớm... Hiền nghĩ cho học trò của mình nhiều hơn là nghĩ cho bản thân. Hiền nhớ tới ước mơ của những cô bé, cậu bé lớp tiểu học mình đang dạy.- Em ước sau này sẽ trở thành cô giáo như cô!- Em ước sau này sẽ trở thành kỹ sư xây lắp điện để mang điện, mang ánh sáng về cho bản nghèo.- Em ước mình học thật giỏi để sau này được xuống phố, được một lần ra thủ đô thăm lăng Bác Hồ!- Em ước…Sau khi bị tai nạn, ba mẹ, người thân, bạn bè, nhiều người cho Hiền những lời khuyên. Người bảo Hiền hãy bỏ nghề dạy học, kiếm nghề nào ở dưới phố. Nhưng cuối cùng, Hiền vẫn làm theo quyết định của mình đó là trở lại bản dạy học. Khi trái tim còn đập trong lồng ngực, khi bàn tay vẫn có thể cầm phấn, cầm bút thì tình yêu nghề, tình yêu với những đứa trẻ bản nghèo hãy còn nguyên vẹn trong Hiền. Hiền nghĩ và tự nhủ với lòng mình như vậy.Trời bắt đầu chuyển mùa. Những cung đường ngoằn ngoèo lại phủ lên mình lớp áo sương trắng mờ. Gió hiu hắt. Mưa cũng bắt đầu dầm dề. Lòng Hiền lại càng trăn trở, lo lắng khi thấy những cô cậu học trò của mình chân đất, đầu trần, trên mình chỉ phong phanh bộ quần áo mỏng tang khi đến lớp. Mùa mưa về trên bản nghèo khi lớp học chỉ mới được lợp tạm bằng tranh tre, bàn ghế đóng lại bằng mấy tấm gỗ sơ sài. Hiền nghĩ đến học trò của mình. Những đứa trẻ tội nghiệp, thiệt thòi đủ đường. Những đứa trẻ mà sự khát chữ, thèm chữ đã vượt lên trên tất cả sự nghèo khổ, khốn khó. Bữa ăn chỉ có cơm trắng với măng rừng, muối vừng, mỳ gói vậy mà trên gương mặt các em luôn nở nụ cười ngây thơ, trong sáng và lạc quan đến vô cùng. Càng nghĩ lại càng thương…Đã thành thói quen, suốt mấy năm nay, sáng nào Hiền cũng ra đứng ở đầu dốc để đón các em học trò. Hôm nay cũng vậy. Từ xa, tiếng xe đạp lạch cạch, tiếng cười nói rôm rả của học trò vọng lại ngày một gần. Vẫn là những gương mặt cũ, vẫn những nụ cười cũ, tiếng nói cũ, vậy mà trái tim Hiền luôn rộn ràng, xuyến xang mỗi khi nhìn thấy các em cùng nhau đến lớp.

Truyện ngắn: Lê Thị Xuyên

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/201911/co-giaocua-ban-167666