Cô giáo đánh học sinh lớp 3 bầm tím đùi có thể bị xử lý như thế nào?
Theo ý kiến các chuyên gia, luật sư, hành vi của cô giáo nhẫn tâm, phản giáo dục. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiêm túc xem xét để có hình thức xử lý phù hợp.
Sáng 13/10, ông Quang Văn Tuy – Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, công an xã đã xác minh và đang xem xét xử lý vụ việc một học sinh tiểu học bị giáo viên đánh bầm tím đùi.
Được biết, sự việc nói trên xảy ra tại trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột). Nữ học sinh bị cô giáo đánh đập đến bầm tím đùi là cháu T.B.T.Đ (lớp 3B, trường Tiểu học Nguyễn Du, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột).
Như Người Đưa Tin Pháp luật đã phản ảnh, trước đó, vào chiều cùng ngày, một chủ tài khoản facebook bất ngờ đăng tải hình ảnh một học sinh bị giáo viên đánh bầm tím ở vùng đùi với nội dung: “Bạo lực học học đường. Đây là cháu T.B.T.Đ (lớp 3B, trường Tiểu học Nguyễn Du, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột) cô A.T.T chủ nhiệm. Chỉ vì cháu quên mang bảng con nên cô giáo gọi lên bảng làm bài, cháu làm bài sơ sài nên cô dùng thước gỗ đánh cháu 15 thước vào đùi làm cho cháu phải lết từ trên bảng về chỗ ngồi. Không chỉ riêng cháu bị đánh như vậy mà thường ném vở và tát các học sinh trong lớp, nhiều cháu bị đánh vào lưng…”.
Trao đổi với PV Người đưa tin Pháp luật, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi nhẫn tâm này.
“Theo quan điểm của tôi, cô giáo đánh học vì bất cứ lý do nào cũng không thể chấp nhận được. Cần tiến hành làm rõ và xem xét các biện pháp cần thiết theo quy trình để xử lý nghiêm minh. Ở đây đã có dấu hiệu hành vi phạm tội hành hạ người khác trong khi đối tượng là trẻ em cần được pháp luật bảo vệ”, luật sư chia sẻ.
Theo luật sư, gia đình có thể đưa cháu đi giám định thương tật, nếu tỷ lệ thương tật dưới 11% vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích điều 134 bộ luật hình sự năm 2015. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần xem xét và có hình thức xử lý phù hợp.
Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc) cũng nhận định: "Người ta luôn nghĩ về cô giáo với hình ảnh dịu dàng, mẫu mực như người mẹ hiền, thế mà cô giáo này lại nhẫn tâm "ra tay" thô bạo với một bé gái mới 8 tuổi chỉ vì lỗi "làm bài sơ sài". Xét về cả trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức của cô giáo này đều không phù hợp".
Theo bà, lý do cô giáo trên đưa ra là "muốn học sinh tiến bộ hơn" là không chấp nhận được. Nếu dùng hình phạt hành hạ, nhục hình lên cơ thể non nớt của một cô bé 8 tuổi để đổi lấy thành tích, điểm số thì hành vi này càng đáng lên án.
Chuyên gia tâm lý cũng cho biết, những vết thương trên cơ thể rồi sẽ lành, nhưng những tổn thương về tinh thần mà các em phải hứng chịu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của các em.
Không những thế, hành động bạo lực của cô giáo còn gây ám ảnh, thậm chí sang chấn tâm lý đối với những đứa trẻ khác khi chứng kiến và dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Từ đó, trẻ em rất dễ phát triển lệch lạc về nhân cách và có nguy cơ sử dụng bạo lực.