Cô giáo đưa tiếng hát vào lớp xóa mù chữ ở Quảng Ninh
Cô giáo Phan Thị Hiền (30 tuổi) cho các học viên hát karaoke sau giờ học để tập đánh vần, tạo không khí vui vẻ.
Sáng tạo trong dạy học
Lớp xóa mù chữ do cô Hiền giảng dạy được tổ chức tại nhà văn hóa thôn Bản Pạt, xã Lục Hồn, huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh).
Được khai giảng từ tháng 4/2023, đến nay lớp đã thực hiện chương trình được gần 8 tháng với 21 học viên, học đều đặn theo khung giờ 19h30 đến 21h30, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Lớp có 16 học viên nam, 5 học viên nữ với độ tuổi từ 40 đến 46, hầu hết là người Tày. Có những học viên 2 đến 3 tháng sau khai giảng mới vào học nên trình độ tiếp nhận trong cùng một lớp không tương đồng.
Với kinh nghiệm 4 năm giảng dạy các lớp xóa mù chữ, để học viên có cơ hội tiếp xúc, làm quen nhiều hơn, cô Hiền tìm tòi, vận dụng các phương pháp dạy học gợi mở, hỏi - đáp, đặc biệt là chia nhóm đọc bài theo từng mức độ.
Lớp học được chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 mới học, chưa làm quen với chữ bao giờ sẽ dạy từ chữ cái đầu tiên. Nhóm 2 là những học viên đã nhận biết được mặt chữ sẽ cho luyện đọc, viết theo chương trình xóa mù chữ mức độ 2.
Người dân ở đây đi rừng, lao động chân tay là chính, ít có điều kiện giao lưu tiếp xúc nơi đông người nên mới đầu rất rụt rè.
Do đó trong quá trình dạy, cô Hiền đã chú ý đến rèn sự tự tin cho học viên. Được cô Hiền thường xuyên gọi lên bảng đọc bài, đọc cá nhân, đọc nhóm nhiều nên học viên ai cũng tự tin.
Cô Hiền cho biết, học chữ và toán bình thường sẽ khá khô khan, nhất là với những người lớn tuổi tiếp thu chậm, vì thế cô luôn nghĩ ra các hình thức học, tạo hứng thú cho học viên như đọc phân vai, đưa văn hóa văn nghệ vào tiết học.
Tận dụng ti vi của nhà văn hóa xã, kết nối dây loa với điện thoại để các học viên hát karaoke sau giờ học để vừa hát vừa đánh vần chữ.
“Khi dạy lớp xóa mù chữ, tôi không xác định lương được bao nhiêu, chỉ cần được đi dạy cho bà con thôn bản là vui rồi. Có những tối tôi dạy quên thời gian, đi xe máy về nhà giữa đêm trời mưa rét, nhưng sự tiến bộ và niềm vui của học viên chính là nguồn động lực để tôi cố gắng”, cô Hiền nói.
Các học viên đã tự ký tên và đọc báo
Lớp học xóa mù chữ do cô Phan Thị Hiền giảng dạy có kết quả duy trì sĩ số tốt nhất tại huyện Bình Liêu. Đăng ký đầu khóa sĩ số 24, đến thời điểm hiện tại chỉ giảm 2-3 học viên.
Học viên chủ yếu là lao động chính trong gia đình, công việc lao động chân tay vất vả, bận rộn nhưng đi học rất chăm chỉ, tiến bộ từng ngày.
Đến nay, lớp đang học đến chương trình lớp 5, đa số học viên đã đọc thông, viết thạo, tính toán ổn trong phạm vi 4 chữ số.
Học viên La Thị Mai (43 tuổi) cho biết, đây là lần đầu tiên được tham gia lớp học xóa mù chữ, giờ đã có thể tự đến xã làm giấy tờ, ký tên mà không sợ sai, đọc tin nhắn zalo, facebook, tra cứu thông tin qua mạng.
Ngoài việc động viên học viên trong các tiết học, cô Hiền thường xuyên hỏi thăm, trò chuyện cùng để hiểu thêm hoàn cảnh, công việc hàng ngày của họ, từ đó có phương pháp giữ học viên ở lại với lớp.
Với anh Mạ Thành Hoàng (41 tuổi), đến lớp là kết quả của quá trình động viên kiên trì của cô giáo. Là học viên vào sau 3 tháng mở lớp và chưa nhận biết được chữ cái, mắt kém chỉ nhìn ở khoảng cách rất gần nhưng vẫn chăm chỉ đến lớp học.
“Lúc đầu cũng băn khoăn vì mắt kém sợ không theo được, sau nhiều lần cô Hiền cùng cán bộ xã vận động, tôi liền đăng ký học. Có hôm sáng đi rừng bị ong đốt sưng một bên mặt nhưng tối tôi vẫn cố đến lớp vì sợ không đi học lại quên chữ”, anh Hoàng nói.
Anh Mạ Văn Diêm (46 tuổi) học viên lớn tuổi nhất cho biết, hồi nhỏ phải đi chăn trâu chưa bao giờ nghĩ đến việc học.
“Bây giờ đi đường thấy biển chỉ dẫn không biết đọc, mua thuốc về không biết xem cách sử dụng nên tôi quyết tâm đăng ký lớp học xóa mù chữ. Giờ tôi đã biết viết tên mình, biết đọc báo và không sợ uống nhầm thuốc nữa”, anh Diêm nói.
Bà Hà Thị Hải Yến, Bí thư xã Lục Hồn nhận xét, cô Phan Thị Hiền là giáo viên trẻ, nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy xóa mù chữ. Sự kiên trì, nhiệt tình của cô Hiền giúp chính quyền địa phương rất nhiều trong việc vận động duy trì sĩ số lớp.