Cô giáo Dung kháng cáo toàn bộ bản án, phủ nhận chiếm đoạt 45 triệu

Bị cáo Lê Thị Dung cho rằng việc cáo buộc chiếm đoạt 45 triệu đồng là chưa chính xác do những khoản chi này nằm trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Ngày 12/6, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan bà Lê Thị Dung - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và đồng phạm.

Cô giáo Dung kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Lê Thị Dung trình bày, thời điểm làm đơn kháng cáo, bị cáo chưa nhận được bản án sơ thẩm nên nay bổ sung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Hưng Nguyên.

Bị cáo Lê Thị Dung kêu oan và cho rằng, quy chế chi tiêu nội bộ được đơn vị xây dựng công khai, dân chủ, được gửi cho cấp trên giám sát và có hiệu lực thi hành, không vi phạm pháp luật. Bị cáo cho biết, tất cả việc chi cho bản thân cũng như cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trung tâm là theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ.

 Hình ảnh phiên phúc thẩm.

Hình ảnh phiên phúc thẩm.

"Tất cả việc chi của bị cáo cho bản thân và tất cả giáo viên trong đơn vị đều hưởng như bị cáo nên không thể xem đó là hành vi “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Khi chưa chứng minh được bị cáo vi phạm quy chế chi tiêu nội bộ, các văn bản tài chính kế toán liên quan thì không thể kết tội cho bị cáo", bị cáo Dung trình bày.

Bị cáo Lê Thị Dung cũng cho rằng, trình tự và thủ tục tố tụng chưa được công tâm, có dấu hiệu oan sai. Bị cáo cho rằng, thủ tục tiếp nhận đơn báo tội phạm có sai sót nhưng cấp sơ thẩm cho rằng, không ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Theo bị cáo Dung, việc này ảnh hưởng rất lớn, bởi đây có thể là dựng hồ sơ vụ án. Bị cáo cho biết, ngày 4/10/2021, bị cáo Nguyễn Thị Hương, kế toán của Trung tâm GDTX từ năm 2012-2017 đến tự thú nhưng không thu giữ tài liệu hồ sơ, không bắt giam. Biên bản tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú chưa đồng nhất.

"Tôi cho rằng, việc thu giữ tài liệu không khách quan. Kế toán trung tâm là bà Hương sử dụng hồ sơ, tài sản của Nhà nước với tư cách cá nhân để đưa cho cơ quan cảnh sát điều tra, tôi cho đó là đánh cắp tài liệu, không đúng quy định pháp luật. Về căn cứ buộc tội tôi là không đúng”, bị cáo Dung nói và trình bày, tại phiên sơ thẩm, 2 luật sư bào chữa cho bị cáo bị cho là không tuân thủ theo các quy định ở phiên tòa và bị đưa ra khỏi phòng xử án là hết sức vô lý.

Cô giáo Dung phủ nhận chiếm đoạt 45 triệu đồng

Chiều ngày 12/6, HĐXX tiến hành xét hỏi bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nội dung xét hỏi xoay quanh việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, chế độ dành cho lãnh đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên; ác nội dung xoay quanh Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông…

Bên cạnh đó, HĐXX và luật sư cũng đã hỏi bị cáo Lê Thị Dung và những người liên quan về việc chi trùng giữa tiền trách nhiệm Bí thư Chi bộ và dạy thêm giờ, tập huấn, tiền công; quy chế chi tiêu nội bộ có phải gửi cho Sở GD&ĐT hay không, Trung tâm Giáo dục thường xuyên có phải là đối tượng điều chỉnh của Thông tư 28 hay không…

Tại phiên xử chiều 12/6, bị cáo Lê Thị Dung cho rằng việc cáo buộc chiếm đoạt 45 triệu đồng là chưa chính xác do những khoản chi này nằm trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Bị cáo khẳng định làm đúng quy định. Theo bị cáo Dung, năm 2012-2017, nội dung về chế độ tiền lương, tiền công, hỗ trợ bí thư chi bộ, làm thêm giờ, đi học, tập huấn, kiểm tra, trực hè...của quy chế có được đưa ra lấy ý kiến chung, bàn bạc toàn cơ quan.

Bị cáo cho rằng, cấp sơ thẩm căn cứ thông tư 28/2009 của Bộ GD&ĐT về chế độ làm việc cho giáo viên phổ thông để buộc tội bị cáo là chưa đúng. Bởi thông tư 28 không áp dụng với trung tâm giáo dục thường xuyên. Bị cáo vận dụng, tham khảo để ban hành quy chế chi tiêu nội bộ bởi mình cũng là giáo viên.

Theo bị cáo Lê Thị Dung, bản thân bị cáo là người giữ trọng trách giám đốc trung tâm nhưng trên thực tế vẫn là giáo viên, có quyền được hưởng tiền thừa giờ. Thời điểm bị cáo được cử đi học, các tiết trong quá trình đi học cũng phải được tính như số giờ tại thực tế nên việc chi trả tiền thừa giờ là không sai, quy đổi để tính ngày đi làm. Nếu bị cáo sai thì Phòng Tài chính kế hoạch huyện Hưng Nguyên, người phê duyệt kế hoạch thu chi đầu năm, người giám sát thu chi phải liên đới và chịu trách nhiệm.

"Tôi không chấp nhận việc HĐXX dùng từ chiếm đoạt. Suốt nhiều năm ban hành quy chế, Sở GD&ĐT Nghệ An đều kết luận không sai, tại sao nói là chiếm đoạt. Số tiền 45 triệu đồng không phải là gây thiệt hại, mà đó là công sức của giám đốc nói riêng và toàn bộ giáo viên nói chung", bị cáo Dung nói.

HĐXX nhận định, việc bị cáo đi học đã có học phí, công tác phí do ngân sách nhà nước cấp nên quy đổi giờ đi học thành tiền thừa giờ là không đúng quy định. Nếu như muốn đưa vào quy chế nội bộ của Trung tâm phải có được sự đồng ý của Sở GD&ĐT, trên thực tế Sở chưa có ý kiến về khía cạnh này. Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết sẽ tiếp thu ý kiến và xin ý kiến cấp trên để phản hồi sau.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hương, nguyên kế toán trung tâm trình bày, bị cáo nhận thức được việc làm sai, rất ăn năn hối cải nên đã làm đơn tố cáo. Bản thân có trách nhiệm chính ở vai trò kế toán. Bị cáo Hương cho biết, trong quá trình tham mưu thanh toán, không báo cáo bằng văn bản nhưng có nói với bị cáo Lê Thị Dung là nội dung thanh toán này không đúng.

Khi được hỏi ý kiến, ông Hoàng Nghĩa Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (người tiền nhiệm của bị cáo Lê Thị Dung) cũng đã thông tin, vào thời điểm 2011 - 2012 quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên không có mục chi phụ cấp công tác Đảng cho Bí thư chi bộ.

Theo ông Tuấn, quy chế chi tiêu nội bộ do tập thể xây dựng, theo quy chế không có chi cho lãnh đạo số tiền dạy 3 tiết/1 tuần. “Khi chúng tôi làm quy chế rất chặt chẽ, đầy đủ. Cô Dung có đề xuất áp dụng 3 tiết/tuần để thanh toán nhưng tôi không đồng ý chi nội dung này. Sau đó, cô Dung gặp và nói rằng mong thầy hiểu lại để làm cho đúng. Tôi trả lời, văn bản Nhà nước không phải ai cũng hiểu liền và hiểu như nhau. Tôi chi sai tôi chịu trách nhiệm. Do đó, cô cứ tìm hiểu và cơ quan cấp trên đồng ý duyệt thì tôi sẽ chi trả ngay”, ông Tuấn nói.

HĐXX cũng đề nghị giám định viên của Sở Tài chính làm rõ các quy định và những sai phạm mà cơ quan điều tra đã kết luận đối với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên và bị cáo Lê Thị Dung.

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Dung dành nhiều câu hỏi cho bị cáo Lê Thị Dung, và người tham gia tố tụng, tập trung vào các nội dung làm rõ về cơ quan chủ quản cấp trên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên về mặt chuyên môn và tài chính; căn cứ pháp lý của việc xây dựng, ban hành quy chế chi tiêu nội bộ.

Bên cạnh đó, các luật sư cũng đặt ra nhiều câu hỏi, đề nghị Hội đồng xét xử thông qua điều tra viên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên làm rõ trình tự, thủ tục tố tụng áp dụng đối với bị cáo Lê Thị Dung.

Mời độc giả xem thêm video Khởi tố vụ án, khởi tố bị can vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/co-giao-dung-khang-cao-toan-bo-ban-an-phu-nhan-chiem-doat-45-trieu-1865667.html