Cô giáo Hà Ánh Phượng: Tôi luôn đề cao chỉ số hạnh phúc trong trường học
Cô giáo Hà Ánh Phượng (Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) vừa đạt giải Nhất vòng chung kết quốc gia diễn đàn đổi mới sáng tạo giáo dục trên nền tảng Công nghệ thông tin 2022 - 2023 với Dự án 'Phòng chống bạo lực trên không gian mạng'. Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Hà Ánh Phượng tâm huyết với những vấn đề nóng của giáo dục. Trong vai trò nhà giáo, cô luôn nỗ lực tạo ra môi trường học đường hạnh phúc.
PV: Kỳ họp Quốc hội vừa rồi, nhiều vấn đề của ngành giáo dục được đem ra bàn thảo, trong đó có câu chuyện sách giáo khoa. Bên cạnh câu chuyện “giá sàn, giá trần”, chuyện lãng phí sách giáo khoa tiếp tục gây sự chú ý của dư luận. Là giáo viên tại một xã vùng cao của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ còn nhiều gia đình học sinh khó khăn, cô giáo Hà Ánh Phượng có đồng tình với ý kiến nên dùng 1 bộ sách như trước đây, bởi dùng sách 1 lần như bây giờ quá lãng phí tài nguyên và tiền bạc của người dân?
Cô giáo HÀ ÁNH PHƯỢNG: Tôi đã từng có suy nghĩ là nên chỉ có một bộ sách để tránh lãng phí, tạo tính đồng bộ trong chương trình học và kiểm tra đánh giá. Nhưng từ thực tế, tôi nhận thấy việc đa dạng hóa nhiều bộ sách giáo khoa là một điều cần thiết, tuy rằng nó cũng sẽ có những điểm hạn chế đi kèm. Tôi cho rằng đó là một chủ trương đúng đắn, hợp lý, theo kịp sự tiến bộ của thế giới, phá vỡ độc quyền, giáo viên, phụ huynh và học sinh có nhiều tài liệu tham khảo trong quá trình dạy và học.
Theo cô, việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa có lợi cho học sinh?
- Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa giúp học sinh tiếp cận đa chiều thông tin và ý kiến khác nhau về cùng một chủ đề. Các em được khuyến khích suy nghĩ, so sánh, phân tích và đưa ra quan điểm riêng dựa trên các nguồn thông tin khác nhau. Điều này giúp học sinh phát triển khả năng tư duy phản biện, phân tích sự đa dạng và đánh giá thông tin một cách khách quan. Bên cạnh đó, việc đa dạng sách giáo khoa sẽ phù hợp với các vùng miền, địa phương hơn. Ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Phần Lan theo tôi được biết cũng không tồn tại “đồng phục sách giáo khoa”. Vậy nên, ý nghĩa của việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đó chính là việc lấy chương trình làm gốc, chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa và các học liệu khác là tài liệu tham khảo.
Được biết, cô vừa nhận được giải Nhất quốc gia về dự án “Phòng chống bạo lực trên không gian mạng” (cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Microsoft tổ chức). Cô có thể chia sẻ về mục tiêu của dự án?
- Xuất phát từ thực trạng báo động về bắt nạt trực tuyến và nhận thức an ninh mạng của giới trẻ, nhất là trong và sau giai đoạn Covid-19, mục tiêu dự án của cô trò chúng tôi đề ra là nâng cao nhận thức an ninh mạng và phòng chống bắt nạt trực tuyến cho học sinh THPT, qua đó các em có thể vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong đó bao gồm cả giáo dục cảm xúc xã hội (SEL), nâng cao năng lực tiếng Anh và kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng hợp tác làm việc nhóm, quản lý thời gian, rèn luyện các phẩm chất là kỹ năng cần thiết của học sinh trong thế kỷ 21 qua các buổi kết nối và quá trình làm dự án với nhiều trường học đến từ 22 quốc gia trên thế giới, qua đó cẩm nang và video, bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành về an toàn sử dụng mạng cũng được hình thành bởi các thành viên Câu lạc bộ tiếng Anh. Dự án cũng đã hỗ trợ hơn 1.200 trường hợp gặp sự cố về an ninh mạng từ khi hệ thống xử lý tin nhắn AI Chatbot ra đời tới thời điểm hiện tại; tổ chức thành công nhiều buổi chia sẻ, tiêu biểu như hội thảo quốc tế trực tuyến về nâng cao nhận thức an ninh mạng cho học sinh THPT đã thu hút hơn 22.000 người bao gồm giáo viên, học sinh, phụ huynh trong và ngoài nước tham gia. Trong tương lai, dự án sẽ tiếp tục cải thiện hệ thống xử lý tin nhắn tự động AI Chatbot thông minh và thân thiện hơn, để tiếp tục hỗ trợ học sinh nâng cao nhận thức an ninh mạng, xử lý các sự cố và tiếp tục lan tỏa các sản phẩm đã có của dự án góp phần xây dựng cộng đồng mạng văn minh và hạnh phúc.
Như vậy, dự án còn được xem như là một phương pháp dạy học kiểu mới và giúp học sinh học thêm các kỹ năng sống ở thời đại số?
- Đây không phải là phương pháp dạy học kiểu mới vì phương pháp này đã có từ rất lâu rồi, nhưng dạy học dự án được coi là phương pháp dạy học tích cực, qua đó có thể giúp học sinh phát triển toàn diện các năng lực và phẩm chất cần thiết của học sinh trong thế kỷ 21. Tôi tin rằng qua dự án này các em đã học được nhiều kỹ năng sống trong thời đại số và chính các em là những người đem lại những giá trị tích cực cho cộng đồng và xã hội trong dự án này.
Đó là chuyện trên không gian mạng, còn trong môi trường học đường hiện nay, bạo lực cũng đang nhức nhối và nó đã để lại nhiều hậu quả đáng tiếc trong thời gian qua. Theo cô, để xây trường học an toàn, trường học chất lượng, trường học hạnh phúc, chúng ta cần phải làm gì?
- Tôi nghĩ rằng cần tách bạch các khái niệm này ra với nhau bởi nó không hoàn toàn giống nhau nhưng đều có điểm chung là nếu muốn xây dựng trường học an toàn, chất lượng, hạnh phúc thì đều cần sự chung tay của gia đình- nhà trường - xã hội và các em học sinh sẽ là trung tâm của cái kiềng 3 chân ấy…
Theo dõi trên mạng xã hội Facebook, luôn thấy cô giáo Hà Ánh Phượng nỗ lực hiện thực hóa trường học hạnh phúc. Cô đã làm gì để tạo môi trường giáo dục hạnh phúc cho học sinh trong bối cảnh đổi mới giáo dục?
- Tôi luôn đề cao chỉ số hạnh phúc trong trường học. Là một giáo viên đứng trên bục giảng, bản thân tôi trước hết cũng phải cố gắng trở thành “giáo viên hạnh phúc” thì mới lan tỏa tinh thần ấy cho các em học sinh. Nhưng để hạnh phúc, cá nhân tôi đã từng phải thay đổi rất nhiều. Tôi luôn nỗ lực làm việc hiệu quả, tiết kiệm thời gian cho mình dưới sự hỗ trợ của công nghệ. Về chuyên môn, tôi tìm những cách dạy học tiếng Anh hiệu quả nhưng vẫn tạo ra không khí vui tươi, không căng thẳng với sự hỗ trợ của công nghệ. Ngay cả lúc kỳ thi THPT diễn ra, tôi vẫn luyện đề cho học sinh qua cách chơi game trực tuyến để các bạn có thêm động lực học tập cũng như việc thực hiện nhiều dự án quốc tế. Nghe có vẻ không liên quan gì đến ngôn ngữ nhưng thực chất là việc để học sinh được làm việc và sử dụng tiếng Anh ở các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ dự án chúng tôi vừa đạt giải Nhất quốc gia cũng là việc làm cụ thể để xây dựng trường học hạnh phúc mà do chính các em tạo ra.
Tôi không đặt nặng thành tích mà hướng tới việc học sinh có thể sử dụng tiếng Anh trong thực tế. Ngay cả việc kiểm tra đánh giá, tôi thiên về ghi nhận sự tiến bộ của học sinh và đánh giá quá trình. Thay vì cố định một đầu điểm của học sinh trong lần duy nhất, tôi thường đánh giá bằng nhiều lần kiểm tra và chia ra trung bình cộng tính là một đầu điểm để các em cố gắng. Trong khi dạy, tôi cố gắng “truyền cảm hứng” để các em có thể hiểu vai trò của việc học tiếng Anh là cần thiết trong xã hội hiện đại chứ không phải chỉ phục vụ mục đích thi cử, từ đó tạo môi trường học tập tiếng Anh qua nhiều hình thức học tập khác nhau.
Ngoài giờ học hay các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh trực tuyến và trực tiếp, tôi cũng luôn dành nhiều thời gian để lắng nghe những câu chuyện của các em, động viên, khen ngợi các em để hiểu về các em hơn. Tôi nghĩ đó là những hành động cụ thể để xây dựng môi trường học tập hạnh phúc.
Trân trọng cảm ơn cô!
Vừa rồi trên diễn đàn Quốc hội, tôi có đề xuất một sự hỗ trợ cho trẻ em mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn. Cụ thể hiện nay đối với trẻ mẫu giáo 3-6 tuổi ở các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đang được hỗ trợ ăn trưa theo quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP và được miễn học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ở khu vực này vẫn phải đóng 100% học phí và không được hỗ trợ ăn trưa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tôi đã đề nghị Chính phủ xem xét, có chính sách miễn học phí và hỗ trợ tiền ăn trưa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi mầm non ở các xã đặc biệt khó khăn. Tôi hy vọng chính sách này sớm thành hiện thực để cha mẹ các em yên tâm công tác, tham gia sản xuất, ổn định đời sống.