Cô giáo Hà Nội chỉ cách để thí sinh không mất điểm oan 3 môn khi thi vào lớp 10

Những hướng dẫn dưới đây của các giáo viên giàu kinh nghiệm tại Hà Nội có thể giúp các thí sinh đạt điểm tối đa theo khả năng khi bắt tay vào làm bài thi lớp 10, đỗ vào trường THPT theo nguyện vọng.

Với môn Ngoại ngữ

Cô Lê Thị Thu Hà - Tổ trưởng chuyên môn Ngoại ngữ (Trường THCS Dịch Vọng Hậu, Hà Nội) hướng dẫn:

- Khi nhận đề thi và phiếu trả lời trắc nghiệm, học sinh nên xem kỹ đề và phiếu trả lời để chắc chắn đề và phiếu không nhàu nát, in mờ hay có lỗi in ấn, gây ảnh hưởng đến việc làm bài thi. Cần cẩn thận khi điền thông tin vào phiếu trả lời trắc nghiệm: số báo danh, họ và tên, mã đề thi…

- Sử dụng bút chì 2B để tô đáp án. Cần tô kín ô tròn, tránh tô hở, tô mờ, tô nhiều hơn một đáp án và tẩy xóa lem nhem dẫn tới mất điểm do máy chấm thi không nhận dạng được đáp án. Nên chuẩn bị trước bút chì và tẩy có chất lượng tốt và thử tô, tẩy trước ở nhà để đảm bảo chất lượng dụng cụ dùng khi thi.

- Học sinh nên đọc lướt toàn bộ đề thi, xác định các dạng bài trong đề, độ dài ngắn của đề thi để phân bổ thời gian làm bài hợp lý. Câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau. Câu nào còn phân vân thì ghi số câu ra nháp để làm sau. Không nên dừng lại quá lâu ở một dạng bài, một câu khó, làm ảnh hưởng đến các câu còn lại.

- Trong quá trình làm bài, các em phải khớp số câu trên đề thi và số câu trong phiếu trả lời trắc nghiệm tránh để tình trạng tô lệch câu, tô nhầm đáp án. Nên tô tất cả các câu để có cơ hội ghi điểm, không bỏ trống câu nào.

- Dành 3-5 phút cuối giờ để rà soát lại tất cả các thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm, kiểm tra đáp án tô trong phiếu phải khớp với đáp án chọn trong đề, câu nào tô còn mờ thì tô lại cho rõ ràng, không câu nào bị bỏ quên và không tô quá một đáp án cho mỗi câu.

Thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 những năm trước. Ảnh: Hoàng Hà

Thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 những năm trước. Ảnh: Hoàng Hà

Với môn Toán

Cô giáo Trần Hồng Điệp và Lê Hải Yến - Giáo viên dạy Toán Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) chia sẻ một số lưu ý:
- Khi đọc đề, với những câu hỏi không quen thuộc, học sinh cần đọc kỹ, gạch chân những từ quan trọng để suy luận được đề bài yêu cầu gì. Đặc biệt, không viết sai đề, cần dành một phút kiểm tra đề mình viết vào giấy thi đã chính xác chưa.

Khi sửa, học sinh nên gạch chéo phần bị sai, rồi viết số hoặc chữ mới bên cạnh; không sửa bằng cách viết chồng lên phần đã sai.

- Về phân bổ thời gian: Đọc qua toàn bộ đề, bài dễ làm trước, khó làm sau. Bài chưa làm được nên đánh dấu để khi làm xong các câu dễ sẽ quay lại làm tiếp, tránh quên. Khi làm đến mức điểm tối đa sức mình có thể đạt, các em nên tạm dừng để soát lại các bài đã làm xem chính xác và đầy đủ điều kiện, nhận định nghiệm hoặc đủ giải thích các lý do áp dụng cho từng ý của các câu trong bài hình chưa.

Với môn Văn

Cô giáo Phạm Thị Hoàng Lan, giáo viên Trường THCS Dịch Vọng Hậu (Hà Nội) đưa ra lưu ý:

- Sau khi nhận đề, học sinh nên đọc đề một lượt, gạch chân các từ khóa trong từng câu để xác định đúng yêu cầu, phạm vi, định hướng câu trả lời...

- Với các câu hỏi đọc hiểu, học sinh có thể vạch ý ngay vào đề để định hướng khi làm bài, tránh lỗi thiếu sót ý.

- Với các câu hỏi cần khai thác từ ngữ liệu, tìm câu trả lời trong ngữ liệu, học sinh đọc và gạch chân vào ngữ liệu để xác định các từ/cụm từ/ hình ảnh... để không bỏ sót.

- Với phần viết, học sinh gạch chân vào yêu cầu đề, vạch nhanh ra nháp các ý cần có trong đoạn/bài văn để có khung dàn ý cần thiết cho việc triển khai đoạn văn. Việc này không mất nhiều thời gian nhưng lại giúp học sinh đảm bảo bố cục bài viết và các ý chính cần có. Thực tế nhiều học sinh khi mải viết, bị chi phối bởi cảm xúc, vội vã... dẫn đến lẫn ý, quên ý hoặc nhầm lẫn nên việc định hướng các ý ngay từ ban đầu giống như có sẵn bản đồ để đi, cứ lần lượt triển khai bài viết sẽ mạch lạc, sáng rõ.

Hoàng Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-giao-ha-noi-chi-cach-de-thi-sinh-khong-mat-diem-oan-3-mon-khi-thi-vao-lop-10-2384672.html