Học nghề hay văn hóa - lựa chọn cho tương lai
Học nghề hay tiếp tục theo học bậc cao hơn luôn là câu hỏi khiến nhiều học sinh và phụ huynh ở TP Hồ Chí Minh trăn trở.

Sinh viên ngành Thương mại điện tử, Trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn. Ảnh: Lâm Ngọc
Chọn đúng sẽ thành công
Đang là học sinh lớp 10 tại Trường THPT Trưng Vương (Quận 1), N.H.M (ngụ Quận 3) chia sẻ rằng, trước kỳ thi vào lớp 10, em từng phân vân giữa việc chọn học nghề hay tiếp tục theo đuổi chương trình THPT. Tuy nhiên, để có thể nối nghiệp mẹ – một quân nhân phục vụ trong quân đội, M. đã tạm gác lại ước mơ học ngành làm đẹp.
“Người học phải tự cân nhắc năng lực học tập, tài chính của bản thân, gia đình để chọn ngành, bậc học phù hợp. Câu hỏi “học văn hóa hay học nghề” dần được thay thế bằng cụm từ “chọn hướng đi phù hợp của mỗi người” dựa trên năng lực, sở trường và hoài bão của bản thân”. - Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh
“Theo em, học nghề hay học văn hóa đều tốt, miễn là sau khi ra trường có thể trở thành người có ích, cống hiến cho xã hội, chăm sóc tốt bản thân và gia đình. Quan trọng là mỗi người cần có mục tiêu rõ ràng và nỗ lực để đạt được nó. Dù có nhiều khó khăn, nhưng chỉ cần quyết tâm, em tin ai cũng có thể thành công”, M chia sẻ.
Khác với M, N.L.N – học sinh lớp 9 lại đang đối mặt với sự phản đối từ gia đình khi muốn theo đuổi nghề làm đẹp. N cho biết, dù ba mẹ đồng ý, chị gái lại phản đối vì cho rằng chỉ có học đại học mới đảm bảo được tương lai ổn định.
“Em tìm hiểu và biết rằng thời gian đào tạo nghề làm đẹp ở hệ trung cấp và cao đẳng khá ngắn, có thể vừa học văn hóa vừa làm việc. Vì học lực khá, em muốn chọn con đường này. Sau này em vẫn có thể học đại học, nhưng chị gái em vẫn chưa đồng ý”, N tâm sự.
Liên quan đến vấn đề này, ông Tạ Đình Nguyên, Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Bách Nghệ TP Hồ Chí Minh (huyện Hóc Môn,) khẳng định, sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp hoặc cao đẳng, người học hoàn toàn có đủ khả năng tham gia thị trường lao động. Đồng thời, họ có thể vừa làm vừa học để nâng cao trình độ lên đại học.
Theo ông Nguyên, việc lựa chọn học đúng lĩnh vực phù hợp với sở trường và tính cách sẽ giúp học sinh dễ dàng thành công hơn. Ông cũng nhận định, năm nay công tác tuyển sinh trình độ trung cấp sẽ gặp nhiều khó khăn do số lượng học sinh lớp 9 tại TP Hồ Chí Minh giảm mạnh (khoảng 28.000 em), cùng với sự cạnh tranh từ các trường THPT công lập và tư thục.
Ông Nguyên cho biết thêm, học sinh có học lực trung bình khá và gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể đăng ký học trung cấp để được miễn học phí, đồng thời học văn hóa 4 môn để tiếp tục nâng cao trình độ lên cao đẳng, đại học. Thời gian đào tạo nghề tại các trường trung cấp chỉ khoảng 2 năm, tương đương với việc học lớp 11 ở THPT. Sau đó, học sinh có thể học thêm một năm để lấy bằng tốt nghiệp THPT. Như vậy, chỉ sau 3 năm, các em đã có thể đi làm hoặc tiếp tục học lên cao hơn.
“Nếu xác định được mục tiêu rõ ràng, các em có lực học trung bình khá nên chọn học nghề sớm để được đào tạo bài bản từ cơ bản đến nâng cao, đáp ứng nhu cầu khắt khe của doanh nghiệp và thị trường lao động”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào nguồn nhân lực được đào tạo nghề, chiếm tỷ trọng khoảng 70%. Điều này cho thấy, học nghề không chỉ là lựa chọn khả thi mà còn là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Ảnh minh họa INT.
Tư tưởng phụ huynh thoáng hơn
Theo ThS Nguyễn Hoàng Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn (quận Tân Phú), hiện nay tư tưởng của phụ huynh đã trở nên thoáng hơn, định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực ngay từ sau tốt nghiệp THCS. Quan niệm xã hội và thị trường lao động cũng không còn quá coi trọng bằng cấp giữa cao đẳng và đại học. Điều này giúp học sinh có thể thoải mái lựa chọn môi trường đào tạo tốt để phát triển kỹ năng và gia tăng cơ hội việc làm.
Ông Tiến nhấn mạnh, các trường đào tạo nghề cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo để thu hút học sinh. Cơ sở vật chất hiện đại, thời gian đào tạo linh hoạt và phương pháp giảng dạy thiên về thực hành sẽ tạo ra môi trường học tập năng động, giúp nâng cao chất lượng sinh viên. Ngoài ra, việc tự chủ trong nhiều lĩnh vực tại các trường đào tạo nghề cũng tác động tích cực đến tâm lý chọn ngành, nghề của phụ huynh và học sinh.
“Đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành là điểm nhấn của các trường đào tạo nghề hiện nay. Khi lựa chọn hệ trung cấp hoặc cao đẳng, học sinh không chỉ được học tập trong môi trường cơ sở vật chất tốt mà còn tiết kiệm thời gian. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể vừa đi làm vừa học liên thông lên đại học, không cần lo lắng về tương lai phát triển của bản thân”, ông Tiến chia sẻ.
Ông Tiến cũng cho biết, mục tiêu của Việt Nam năm 2025 và những năm tiếp theo là thực hiện chuyển đổi số. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, bao gồm cả thị trường lao động. Chuyển đổi số làm thay đổi cơ cấu và lực lượng lao động, đòi hỏi người lao động phải có năng lực phù hợp với xu thế mới.
“Việc chọn đúng nghề rất quan trọng. Không nên chạy theo xu hướng số đông mà quên giá trị của bản thân. Dù tốt nghiệp bất kỳ cấp bậc học nào, đại học, cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp nghề, điều cơ bản quyết định thành tựu của mỗi người trong thị trường lao động là năng lực nghề nghiệp”, ông Tiến nói.
Với sự thay đổi tích cực trong nhận thức của phụ huynh và xã hội, học sinh ngày càng có nhiều cơ hội để lựa chọn con đường phù hợp với khả năng và đam mê của mình, đồng thời đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong thời đại số.
Có nhiều điểm mới
Ông Mai Hoàng Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (quận Gò Vấp) nhận định, tuyển sinh THPT năm 2025 có nhiều điểm mới, trong đó việc chú trọng đánh giá năng lực học sinh trong quá trình học sẽ giúp đánh giá đúng khả năng của các em hơn.
Tại Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, như mọi năm, nhiều học sinh tốt nghiệp lớp 9 đã chọn học nghề trung cấp. Các em tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên mà nhà trường liên kết cũng có thể đăng ký học nghề. Học sinh sẽ học song song chương trình văn hóa và học nghề. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể đi làm ngay, học lên bậc cao hơn hoặc du học.
Theo ông Lộc, điều kiện tuyển sinh đầu vào học nghề trung cấp khá nhẹ nhàng, tạo cơ hội cho những học sinh có năng khiếu thiên về kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Bên cạnh đó, trong công tác tuyển sinh, nhà trường sử dụng tất cả các kênh tuyển sinh và ứng dụng công nghệ số.
Đặc biệt, năm nay, nhiều trường hệ trung cấp và cao đẳng liên kết phối hợp với các trường khác, mở rộng cơ hội học tập cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung cấp. Các em có thể lựa chọn đi làm ngay, học liên thông hoặc du học. Ngoài ra, nhiều chương trình liên kết du học hấp dẫn hỗ trợ học sinh vừa học vừa làm, giúp các em tự trang trải học phí. Chương trình này phù hợp với những em có khả năng học ngoại ngữ.
“Công tác tuyển sinh chú trọng vào tư vấn hướng nghiệp, phù hợp với năng lực và điều kiện của từng học sinh. Nhà trường tổ chức và tham gia nhiều sự kiện tư vấn, giúp học sinh và phụ huynh dễ dàng tiếp cận thông tin về các ngành nghề đào tạo và lựa chọn hướng đi phù hợp cho riêng mình”, ông Lộc thông tin.
Nói về xu hướng tuyển sinh năm 2025, ông Lộc cho biết, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành chú trọng đào tạo các nghề phù hợp với nhu cầu lao động thực tế trong các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, điện tử, du lịch, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ. Trong đó, thế mạnh đào tạo của trường hiện nay là nghề tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp.
Đưa ra lời khuyên cho học sinh, ông Lộc cho rằng, để có thêm thông tin và hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo, các em nên tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh của các trường. Ngoài ra, việc nghiên cứu kỹ các ngành nghề là rất quan trọng. Mỗi học sinh nên chủ động tìm hiểu về các ngành nghề đang có nhu cầu cao trên thị trường lao động và dành thời gian đánh giá chính xác năng lực của bản thân, để chọn lựa ngành học phù hợp với năng lực và đam mê của mình.
“Các em hãy dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm hiểu và lựa chọn ngành học cũng như trường đăng ký học. Việc chọn đúng nghề không chỉ giúp các em tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức mà còn mở ra con đường thành công hơn trong tương lai”, ông Lộc nhấn mạnh.
Nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên đán ở thành phố cần khoảng từ 50.400 - 55.500 chỗ làm việc. Trong đó nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực: Thương mại - dịch vụ chiếm 67,57%; Công nghiệp xây dựng chiếm 31,92%; Nông lâm thủy sản chiếm 0,51%; các ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 17,18%. Nhu cầu tuyển dụng tập trung cao ở các ngành/nghề: May mặc, da giày; kinh doanh thương mại; hành chính - văn phòng - biên tập và phiên dịch; cơ khí - tự động hóa; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; kế toán - kiểm toán; marketing.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-nghe-hay-van-hoa-lua-chon-cho-tuong-lai-post724866.html