Cô giáo Hà Nội và những học sinh miền Nam trường Quế Lâm
Tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, tháng 10 năm 1973 cô Giáo Vương Thị Hiền tuổi mưòi chín đôi mươi, được phân công về dạy lớp 6, lớp 7 trường Nguyễn Văn Bé thuộc trường Học sinh miền Nam Quế Lâm (Trung Quốc).
Đây là ngôi trường ươm trồng những hạt giống đỏ của cách mạng miền Nam. Trường có từ lớp mẫu giáo tới cấp 3. Học sinh có từ ẵm ngửa tới 18 đôi mươi. Họ là con của các chiến sỹ cách mạng miền Nam. Các em được gửi vào đây ăn hoc để bố mẹ em trở lại quê hương miền Nam chiến đấu.
Những cô giáo thời về trường trước cô kể lại: " Các cô giáo phải bế ẵm, tắm rửa cho các em nhỏ. Bón cơm, vỗ về cho các em ngủ". Thương các em lắm! bé tý đã phải xa bố mẹ. Các em cũng cuốn quýt như bện hơi các cô. Những lúc các em ốm có em cứ khóc đòi cô phải lên bệnh xá ngủ cùng em.
Cô giáo Vương Hiền nhớ kỷ niệm hôm đầu tiên vào lớp. Cả lớp đứng dậy chào cô. Cô cho học sinh ngồi xuống rồi nói theo lệ thường của giáo viên khi nhận lớp mới:
- Cô chào các em! Cô là Vương Hiền, quê Hà Nội, Cô sẽ cùng lớp ta học môn Hóa học.
Bỗng một tiếng nói to từ phía dưới vang lên:
- Em sao được? Cô còn kém tuổi tụi tui đó!
Cô giật mình nhìn xuống cậu học trò vừa phát biểu. Đó là một thanh niên đen gày có cái miệng hơi móm đặc trưng của người Nam Bộ, trông mặt già dặn, đứng đắn như cán bộ. Cô đỏ mặt:
- Xin lỗi, tôi sẽ gọi mọi người là các anh chị.
Lần khác các em trai mang một đàn chuột mới đẻ còn đỏ hỏn đặt trên lòng bàn tay đưa cho cô, hù dọa cô giáo trẻ. Cô giáo hoảng hồn khóc thét. May quá, một cô giáo cũ chạy lại giải nguy. Cô nói:
- Đưa đây cho cô!
Thế rồi cô giáo trẻ Hà Nội dần dần hiểu hoàn cảnh của học sinh, hòa nhập với các em. Cô rất thương các em. Trong số học sinh có em không còn cha mẹ, họ đã hy sinh trong những trận bố ráp tìm diệt Việt cộng nằm vùng ở quê hương miền Nam. Họ còn nhỏ nhưng đã phải đi bộ hàng ngàn km, vượt Trường Sơn ra Bắc.
Cô rất khâm phục những nhà lãnh đạo Việt Nam. Ngay những năm đen tối, gian khổ đó cách mạng đã nghĩ tới việc giữ gìn, dạy dỗ, đào tạo những hạt giống đỏ ấy.
Các thầy cô có nhiệm vụ đào tạo họ trở thành những người có bản lĩnh chính trị, có kiến thức văn hóa, chuyên môn để sau này trở về miền Nam làm nòng cốt xây dựng chính quyền ở bùng giải phóng. Trong số học sinh Quế Lâm cũng có những " Dũng sỹ diệt Mỹ " được ra học ở trường này.
Hai năm sống và dạy các em, cô gặp nhiều vất vả, và cả nỗi buồn khi các em, do hoàn cảnh đặc biệt mà trở nên tự kỷ, bất cần không chịu nghe lời ai. Cô phải kiên trì trò chuyện, khuyên ngăn với tấm lòng của người mẹ. Nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống trang sách, nhiều đêm gối đẫm nước mắt. Cô nhớ nhà, nhớ Hà Nội, Cô buồn, cô bất lực vì một số em cá biệt.
Nhờ trời cô có thân hình đẹp có giọng hát hay. Từ tiếng hát cô đã dần dần cảm hóa được các em.
Cô trò đã thật sự yêu thương gắn bó với nhau.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một giải, cũng là lúc trường HSMN Quế Lâm hết sứ mệnh. Học sinh được trở về quê hương hoặc chuyển về học các trường khác tại miền Bắc. Còn cô, cấp trên thuyên chuyển về dạy trường Lào ở Chúc Sơn Hà Tây cũ rồi về Công ty Phát hành sách Hà Nôi.
Có lấy chồng năm 1976, cô có 2 con gái. Năm 2009 cô về hưu sống với chồng con tại Quận Hoàn Kiếm Hà Nội.
Tình cảm giữa cô giáo trẻ Hà Nội với các em học sinh miền Nam vẫn đằm thắm như ngày nào. Những năm sau này, nhiều em ở các tỉnh ra Hà Nội đều tìm đến cô. Mời cô đi chơi, chụp ảnh và tặng biếu cô quà. Các em nói lên tấm lòng mình với cô trong hai năm được cô dạy dỗ yêu thương.
Hầu hết các em học sinh miền Nam Quế Lâm đều thành đạt trên những cương vị khác nhau. Họ là những nhà lãnh đạo đất nước và địa phương. Là doanh nhân thành đạt, Tổng giám đốc tập đoàn, doanh nghiệp. Là cán bộ cao cấp trong lực lượng công an, bộ đội. Là Giáo sư tiến sỹ, bác sỹ, giảng viên đại học... nhưng trên tất cả, họ vẫn là cựu học sinh của cô giáo trẻ Hà Nội Vương Hiền.
Hội cựu học sinh Quế Lâm cứ 5 năm một lần lại tổ chức gặp mặt. Các em đều nhớ và đón mời các thầy cô. Đầu năm 2024 cô Vương Hiền được các em mời vào thành phố biển Vũng Tầu. Cô lại được tắm mình trong tình thầy trò năm xưa. Các em tranh nhau chụp ảnh cùng cô, cùng ôn lại những kỷ niệm về những ngày vui vẻ học tập ở Quế Lâm.
Ngày xưa ơi sao mà đậm tình, đậm nghĩa đến thế?
Hà Nội ngày 14 tháng 1 năm 2024
T.H.Q