Cô giáo làng 'mê' khởi nghiệp, tự nhận mình là 'lính cứu hỏa'
Là nhà giáo nhưng cũng là 1 'founder', cô Ngô Song Đào luôn muốn truyền lửa khởi nghiệp cho học trò để giúp các em năng động, tự làm ra sản phẩm có thể ứng dụng trong cuộc sống.
Khởi nghiệp từ 'dược liệu' quê hương, đổi công thức sản phẩm 17 lần trong 2 năm
Sinh năm 1971, cô Ngô Song Đào, giáo viên môn Sinh học tại Trường THCS Phước Hiệp (xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre), đã có tới 27 năm kinh nghiệm giảng dạy. Không chỉ truyền tải kiến thức và sự say mê cho học trò, cô Đào còn đem kiến thức khô khan trên sách vở thành thực nghiệm và thành công trong nghiên cứu nhang sinh học.
Về ý tưởng của dự án này, cô Đào từng chia sẻ: “Cô hiểu khói nhang có hại cho sức khỏe, nên nảy sinh ý tưởng tìm nguyên liệu làm nhang khi thắp lên khói thơm lan tỏa không hại cho sức khỏe người sử dụng, mà còn xua đuổi được côn trùng. Nhang này sẽ bảo vệ những học sinh thức đêm học bài, nhà sư hằng đêm đốt nhang cúng Phật không bị muỗi đốt, giảm số ca bệnh sốt xuất huyết hằng năm”.
Nguyên liệu chính cô sử dụng là cây quao nước, một loại cây quen thuộc với bà con miền Tây. Chúng thường mọc dại ven sông rạch, có khả năng chống sạt lở và chịu mặn khá cao. Không phụ công ngày đêm nghiên cứu, tháng 10/2017, đề tài của cô đã đoạt giải cấp quốc gia cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp.
Sau 2 năm khởi nghiệp, sản phẩm nhang sinh học của cô có tới 17 lần thay đổi công thức để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh lá quao, trong thành phần nguyên liệu của nhang sinh học còn có sự kết hợp của đinh hương, vỏ bưởi và một số loại thảo dược khác tạo nên hương thơm đồng quê dễ chịu. Đồng thời, khả năng xua muỗi, côn trùng của nhang cũng được cải thiện tốt hơn. Trước khi đưa nhang vào thị trường, cô Đào đã đem mẫu nhang xét nghiệm ở Trung tâm Dịch vụ phân tích xét nghiệm TP.HCM (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) và được xác nhận là an toàn, không có độc tố CO, NO2, SO2...
Hiện, xưởng sản xuất nhang của cô Đào được mở rộng, trang bị máy móc đầy đủ nhằm phục vụ sản xuất với số lượng lớn, không còn lệ thuộc thời tiết. Thị trường ngày càng mở rộng bởi sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá rất cao.
Truyền lửa khởi nghiệp cho học sinh qua từng bài học
Hiện tại, bên cạnh công việc kinh doanh, cô giáo Song Đào vẫn giảng dạy tại trường THCS Phước Hiệp. Trước khi khởi nghiệp, cô là giáo viên có thành tích đứng đầu trường trong mọi hoạt động trong nhiều năm. Tháng 10/2017, cô Đào là giáo viên duy nhất của tỉnh đạt giải thưởng Phụ nữ Đồng Khởi Mới. Cũng trong năm 2017, cô nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ và Bộ trưởng Giáo dục.
Cô giáo Đào luôn khuyến khích học sinh tư duy sáng tạo, luôn hướng dẫn các em tự đặt những câu hỏi: tại sao, làm khác đi có được không, làm khác thì kết quả ra sao, học kiến thức này sẽ làm được gì trong cuộc… Những câu hỏi này khơi gợi cho học sinh khả năng tự học hỏi, tìm tòi, vận động tư duy và sức sáng tạo.
Cô Đào chia sẻ, mục tiêu cơ bản của con người là phải làm được việc nuôi sống bản thân, gia đình, người thân... bởi vậy cô luôn khơi gợi và giúp các em biết ước mơ, và biết cách nuôi các điều kiện để thực hiện ước mơ, qua các nội dung của bài dạy. Ví dụ như khi dạy nội dung quy luật của Menden, cô lồng ghép sự thành công đi đôi với tính kiên trì, đam mê. Từ đó, các em có thể chọn cho mình một ước mơ trong tương lai và thực hiện, rèn luyện ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Trong hoạt động ngoại khóa của trường, với kinh nghiệm khởi nghiệp, cô Đào thường xuyên tham gia với vai trò diễn giả nhằm chia sẻ cho các em học sinh biết những startup đơn giản nhưng vẫn thành công của các bạn nhỏ trên mọi miền mà cô tìm hiểu được.
“Đã có những học sinh tìm gặp cô nhờ tư vấn hướng nghiệp vì các em đậu hai trường đại học nên phân vân không biết nên lựa chọn ra sao. Cô còn tư vấn cho nhiều bạn cách chọn ý tưởng để tham dự những cuộc thi dự án startup”, cô Đào tâm sự.
Tự nhận là “lính cứu hỏa” và quy ước ngày Nhà giáo
Vừa qua, cô Đào cùng nhóm 6 em học sinh tham gia cuộc thi “Kiến tạo tương lai 2019” và vượt qua 98 đội để lọt vào vòng chung kết cùng 5 đội khác. Chính cô cũng là người luôn bên cạnh động viên và hỗ trợ các em học sinh bằng mọi cách có thể: “Cô muốn cho học sinh ở vùng quê như trường cô được sớm tiếp cận với hình thức giáo dục mới, giúp các em năng động, tự làm ra sản phẩm có thể ứng dụng trong cuộc sống. Cô muốn cho các em tiếp cận với các chuyên gia, thầy giáo giỏi ở thành thị. Thế là thầy trò quyết tâm làm!”
Với niềm đam mê và tâm huyết với nghề, cô Đào đã hướng dẫn các em học sinh nghiên cứu khoa học và tới có 3 đề tài đạt giải cấp quốc gia. Cô chia sẻ, có 5 học sinh mà cô đều yêu quý có phần nể phục.
“Người học trò mà cô nhớ nhất là em Trần Gia Bảo. Suốt thời gian là học sinh và sinh viên Y khoa, em ấy đều làm lớp trưởng và luôn là học sinh giỏi. Gia đình em ấy rất hoàn cảnh, nhà có 4 người nhưng chỉ có mỗi em ấy là sức khỏe tương đối ổn. Những ngày đầu nhập học, cô chạy tìm mạnh thường quân hỗ trợ cho em ấy. Giờ em ấy đã trở thành một bác sĩ”, cô Đào tự hào.
Người học trò mà cô rất thương yêu – cũng chính là con trai cô – là em Trần Bá Phúc. Bá Phúc được tuyển thẳng đại học, 3 lần đạt giải cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia, nhưng em lại chọn theo ngành bảo hộ lao động để giúp công nhân nghèo tránh các tai nạn lao động.
Luôn theo dõi và chăm sóc học sinh từng chút, cô Đào tự nhận mình là “lính cứu hỏa” bởi cô luôn có mặt kịp thời, đúng lúc, lo mọi thứ cho các học trò vô cùng nhanh chóng và chính xác.
“Đầu năm cô thường mua cho các học sinh nghèo áo mới để các em đi học, mua cả bảo hiểm y tế cho các em. Việc gì giúp được cô cứ giúp, lính cứu hỏa mà!”, cô Đào cười.
Cô luôn tâm niệm đó đơn giản là trách nhiệm của cô đối với học sinh, trách nhiệm của người mẹ đối với các con. Bởi cô thương học sinh như thương con của mình. “Nhưng cô vẫn luôn canh cánh mình chưa làm tròn trách nhiệm, vì các em ở quê nên cũng có phần thiệt thòi hơn các bạn ở thành thị”, cô Đào tâm tư.
Mỗi năm, đến dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Đào luôn mong chờ học sinh tìm đến mình để tặng “quà”. Những món quà này là “quy ước” giữa cô và trò.
“Cô đặt ra một quy ước nho nhỏ cho các em thực hiện theo. Hoc sinh đang dạy thì không được mua quà, hoa, chỉ cần nhìn cô mà trong lòng ngập niềm vui hoăc nói với cô “Em đạt 10 điểm, môn nào đó” là cô vui. Với những học sinh cũ, các em cũng không được mua quà, mà chỉ làm thơ, vẽ, viết hay mang một nội dung hay về kể là cô rất vui rồi!”, cô Đào vui vẻ nói.