Cô giáo Lê Thị Thu Thủy sáng tạo và cống hiến
Nhờ những nỗ lực, sáng tạo trong công tác, cô giáo Lê Thị Thu Thủy (SN 1986), giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Ngô Sĩ Liên đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng. Năm 2020, cô vinh dự là một trong 25 nhà giáo trẻ tiêu biểu toàn tỉnh được Tỉnh đoàn Bắc Giang tuyên dương.
Năm 2008, tốt nghiệp đại học, cô Thủy về giảng dạy tại Trường THPT Yên Dũng số 2. Sau 6 năm, cô chuyển về công tác tại Trường THPT Ngô Sĩ Liên. Ở ngôi trường có bề dày thành tích tại trung tâm TP, cô Thủy được Ban Giám hiệu tin tưởng giao trọng trách bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học.
Năm học 2019 - 2020, cô Thủy cùng với một số đồng nghiệp thực hiện đề tài “Phát triển các kỹ năng STEM cho học sinh THPT qua hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng phát triển mới”. Đề tài này được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao, giành giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang năm 2019; giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2019 và được lựa chọn công bố trong Sách Vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020.
STEM được viết tắt bởi các từ tiếng Anh gồm: Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học). Giáo dục STEM là một phương thức nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại Trường THPT Ngô Sĩ Liên, cô Thủy cùng nhóm giáo viên thực hiện tổ chức hoạt động trải nghiệm qua hình thức câu lạc bộ theo sở thích, năng khiếu để học sinh có cơ hội lựa chọn tiếp thu kiến thức tự nguyện. Những kiến thức của các môn học được lồng ghép thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học.
Cô Thủy cùng nhóm học sinh đã dùng kiến thức của các môn học: Ngữ văn, Vật lý, Hóa học để nghiên cứu và cho ra đời 10 tấm "mộc bản trải nghiệm", mỗi bản có kích thước 23 x 33 cm gồm phần hình ảnh và nội dung về di tích, danh nhân nổi tiếng của tỉnh. Điểm khác biệt của mộc bản trải nghiệm là toàn bộ nội dung được khắc bằng chữ Quốc ngữ.
Bằng phương pháp giáo dục STEM, cô giáo Lê Thị Thu Thủy đã hướng dẫn nhóm học sinh Đặng Hương My và Nguyễn Hà My thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của mộc bản ở tỉnh Bắc Giang” ứng dụng thực tế với hoạt động trải nghiệm tự in mộc bản.
Cô Thủy cùng nhóm học sinh đã dùng kiến thức của các môn học: Ngữ văn, Vật lý, Hóa học để nghiên cứu và cho ra đời 10 tấm "mộc bản trải nghiệm", mỗi bản có kích thước 23 x 33 cm gồm phần hình ảnh và nội dung về di tích, danh nhân nổi tiếng của tỉnh. Điểm khác biệt của mộc bản trải nghiệm là toàn bộ nội dung được khắc bằng chữ Quốc ngữ. Trước đó, cô Thủy cùng nhóm học sinh nghiên cứu dự án "Xây dựng cẩm nang phát hiện và hỗ trợ điều chỉnh hiện tượng ái kỷ trên mạng xã hội ở học sinh THPT”. Với dự án này, nhóm đã giành giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2017 - 2018. Dự án xuất phát từ thực tế công nghệ thông tin, mạng xã hội càng phát triển dẫn đến việc học sinh bậc THPT xuất hiện nhiều biểu hiện ái kỷ như: Tự chụp ảnh, đếm like cho những thông tin mà bản thân đăng trên mạng xã hội. Chứng ái kỷ hay còn gọi là bệnh tự yêu mình được xem là một dạng rối loạn nhân cách khi một người có biểu hiện tự cao, ảo tưởng, thiếu đồng cảm với người khác.
Sau nhiều tháng nghiên cứu, cô Thủy đã hoàn thiện bản cẩm nang nhằm phát hiện biểu hiện của chứng ái kỷ như: Thiếu sự đồng cảm, thiếu khả năng kiểm soát ham muốn và thiếu sự ăn năn hối lỗi, chú trọng hình ảnh, danh tiếng, coi bản thân là trung tâm. Qua đây cô Thủy cũng đề xuất một số phương pháp hỗ trợ điều chỉnh hiện tượng ái kỷ trên mạng xã hội cho học sinh bậc THPT như: Người thân, giáo viên thường xuyên hỏi han, động viên kịp thời để học sinh có tâm lý cởi mở, chia sẻ với những người xung quanh; định hướng các em tham gia các CLB thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ ở trường học nhằm tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh.
Những hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) mà cô Thủy thực hiện đã giúp cô và học sinh tham gia biết cách lập kế hoạch, sắp xếp thời gian, phân công nhiệm vụ, hình thành tư duy logic, biện chứng và có cái nhìn bao quát mọi việc. Cả cô và trò được rèn luyện khả năng làm việc, học tập tích cực, có kỹ năng làm việc nhóm.
Cô Thủy cho biết: "Thông qua hoạt động NCKH, tôi được mở rộng mối quan hệ với bạn bè trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị khác; qua đó có thể học hỏi, mở mang kiến thức đa dạng và phong phú hơn. Việc nghiên cứu khoa học cũng giúp cả tôi và học sinh có cơ hội cải thiện trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh qua đọc, tìm, trích dẫn tài liệu, tổng hợp, phân tích báo cáo".
Không chỉ đam mê nghiên cứu khoa học, cô Thủy cũng luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, coi việc cống hiến sức trẻ cho ngành giáo dục chính là niềm hạnh phúc lớn của giáo viên. Với cô giáo Thủy, việc dạy kiến thức cho học trò rất quan trọng, đồng thời luôn muốn mình và các em cùng tìm thấy luồng năng lượng tích cực để học tập và làm việc.
Tuyết Mai