Cô giáo lớp em
Với đa số các em nhỏ lứa đầu tiểu học, dáng vẻ bên ngoài cùng thái độ thân thiện của cô giáo, nhiều khi lại trở thành yếu tố quan trọng để các em hứng thú hơn với việc đến lớp.
Lời bình của Đặng Toán
Sáng nào em đến lớp
Cũng thấy cô đến rồi
Đáp lời “Chào cô ạ!”
Cô mỉm cười thật tươi.
Cô dạy em tập viết
Gió đưa thoảng hương nhài
Nắng ghé vào cửa lớp
Xem chúng em học bài.
Những lời cô giáo giảng
Ấm trang vở thơm tho
Yêu thương em ngắm mãi
Những điểm mười cô cho.
Nguyễn Xuân Sanh
(Nguồn: SGK Tiếng Việt 2, tập 1,
NXB Giáo dục 2002)
Còn gì háo hức đối với một đứa trẻ khi mà “Sáng nào em đến lớp/ Cũng thấy cô đến rồi”. Cô giáo đã tạo cho các em cảm giác vừa sung sướng, vừa an tâm khi phải tạm rời xa vòng tay yêu thương của bố mẹ, của gia đình để bước vào một môi trường mới, còn nhiều xa lạ và bỡ ngỡ.
Hình ảnh “Cô mỉm cười thật tươi” khi đáp lại lời chào của học trò, đã trở thành hình ảnh đẹp, in sâu trong tâm hồn trong sáng, thơ ngây của các em. Nó sẽ đi cùng các em trong suốt quãng đời học sinh cũng như mãi tới sau này.
“Cô dạy em tập viết/ Gió đưa thoảng hương nhài/ Nắng ghé vào cửa lớp/ Xem chúng em học bài”. Khổ thơ mở ra khung cảnh rất đỗi bình thường của mọi lớp học mà ở đó, cô thì nhiệt tình dạy dỗ, trò thì chăm chỉ học hành.
Song nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã dùng biện pháp nhân hóa để gió và nắng cùng tham gia với các em. Chúng cũng có những hành động, sắc thái tình cảm hết sức dễ thương, phù hợp với tính cách cũng như tâm lí của các bạn nhỏ. Bởi vậy, giờ học của các em vừa sinh động, gần gũi với thiên nhiên, vừa ngập tràn hương sắc của tình cô trò, bè bạn.
“Những lời cô giáo giảng/ Ấm trang vở thơm tho/ Yêu thương em ngắm mãi/ Những điểm mười cô cho”. Cách liên tưởng lời cô giáo giảng ấm cả trang vở, có vẻ hơi cường điệu. Nhưng đặt trong dòng suy nghĩ, trong mạch tình cảm đầy yêu mến của các em với cô giáo mình, lại tạo được sự đồng cảm nơi người đọc. Hình ảnh “em ngắm mãi/ Những điểm mười cô cho” là hình ảnh ấm áp, xúc động.
Chữ “ngắm” được tác giả sử dụng rất hợp lí. Ngắm, tức là nhìn mãi vì yêu thích. Qua đó cho thấy lòng trân trọng, yêu quý các em dành cho cô giáo của mình đã thực sự thể hiện được giá trị của người “kỹ sư tâm hồn” trong công việc “trồng người”.
Hãy đến với các em bằng cả tấm lòng, tình yêu thương chân thành nhất, thì chúng ta (các thầy cô) cũng sẽ được đền đáp bằng những quả ngọt đong đầy nghĩa thầy trò.
Không một dòng tả về hình dáng, song “cô giáo lớp em” vẫn hiện lên thật rõ nét với tất cả sự nhân ái, ân cần, hết lòng dạy dỗ, quan tâm và yêu thương học sinh.
Bài thơ “Cô giáo lớp em” giản dị, trong sáng và dạt dào cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, đã nhiều năm đồng hành cùng bao lớp các em nhỏ và chắc chắn nó sẽ được không chỉ độc giả nhỏ tuổi, mà kể cả người lớn chúng ta cũng yêu thích và nhớ mãi.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-lop-em-post606583.html