Cô giáo mắc ung thư: Quan tâm đến mọi người chính là cho mình cơ hội sống trọn vẹn
Sau khi nhận hung tin mắc ung thư vú, cô giáo Nguyễn Hà Minh (Bắc Ninh) cảm thấy tuyệt vọng.
Khi con lớn vào lớp 10, cô mới sinh con thứ hai. Trong lúc đứa trẻ đỏ hỏn khát sữa mẹ thì cô vật vã với hành trình phẫu thuật và xạ trị. 6 tháng nghỉ sinh cũng là quãng thời gian cô nhận ra người thân, bạn bè quan trọng đến cỡ nào.
Lúc còn bé, cô thích đọc truyện và xem phim chưởng, đi học thì thôi, về nhà là lại thuê truyện, thuê băng về xem. Nên dù mẹ rất để ý dạy cô việc bếp núc, nữ công gia chánh nhưng cô không quan tâm, thường ỷ lại vào mẹ. Ra trường, được về làm tại một ngôi trường tốt của tỉnh nên cô rất có ý thức phấn đấu.
Người yêu hẹn hò mà chưa soạn bài xong thì cô cũng chưa đi. Sau này lấy nhau rồi, anh thường nấu cơm, lo đối nội đối ngoại mỗi khi cô bận bịu. Đến khi có con, thằng bé quấn bố vì anh chăm chút cho nó, chơi với nó, đọc truyện cho nó, dạy nó học bài.
Lớp phổ thông của cô giữ được nếp gặp nhau hàng năm. Nhưng suốt từ hồi ra trường đến giờ, cô chưa tham gia được lần nào vì lịch dạy thêm kín như bưng. Ngay cả các chuyến nghỉ mát của mấy gia đình bạn bè thân thiết tổ chức cô cũng không mặn mà để tập trung mục tiêu dạy học của cô.
Sau khi đả thông tư tưởng, cô bắt đầu sắp xếp lại ưu tiên cuộc sống của mình với một thời gian biểu chặt chẽ. Sự nghiệp vẫn là một ưu tiên nhưng cô chỉ dành đúng mỗi ngày 8 tiếng cho nó. Kể cả luyện thi học sinh giỏi cho trường, cô cũng yêu cầu lịch đảm bảo thời gian trong 8 tiếng làm việc. Con trai lớn đã đi học xa, mỗi ngày, cô đều dành nửa tiếng để nói chuyện với con.
Hôm nào lịch của mẹ con không thu xếp được, cô lại viết thư cho thằng bé, tạo sự kết nối liên tục với con. Con nhỏ luôn có 1 tiếng buổi sáng nói chuyện, ăn uống, nhảy nhót, chơi cùng mẹ. Tối nào, cô cũng dành nửa tiếng cho con tha hồ nói về mọi điều hài lòng, không vui trong ngày.
Bây giờ, cô cũng thoải mái với việc người lạ sống chung trong nhà vì cô biết, mình không tự mình lo việc nhà thì cần có người hỗ trợ, chứ không phải dựa dẫm hết vào mẹ đẻ, vào chồng như trước đây.
Nhà cô có 2 kỳ nghỉ Tết và hè, lúc nào gia đình nội ngoại cũng cố gắng quây quần bên nhau. Có tiền, có thời gian thì đi du lịch bằng máy bay, không thu xếp được thì tìm một khu nghỉ gần nhà, miễn là cả nhà được bên nhau trọn vẹn. Cô cũng tham gia Ban Liên lạc của lớp.
Giờ cô mới thấy mấy đứa bạn mình đã vất vả như thế nào khi thay mặt lớp đi thăm, đi viếng cha già, mẹ héo, rồi tổ chức các cuộc gặp mặt.
Thế giới xung quanh cô vẫn vậy, thời gian vẫn chỉ 24 tiếng mỗi ngày nhưng cô thấy cuộc sống của mình ăm ắp thông tin, đầy yêu thương. Cô không còn sợ bệnh hiểm nghèo thỉnh thoảng vẫn khiến cô phải vào bệnh viện nữa.