Cô giáo mầm non đam mê công nghệ
Cô giáo Bùi Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Vĩnh Tiến (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều sáng kiến trong việc chuyển đổi số, giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập.
Trường mầm non Vĩnh Tiến với hơn 80% học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng nhận thức nhìn chung còn thấp hơn các trường ở khu vực trung tâm. Mặc dù là giáo viên trẻ, nhưng nhiều năm qua, cô giáo Bùi Thị Hiền luôn giữ cho mình tinh thần làm việc hết mình, tích cực học hỏi, sáng tạo trong từng bài giảng. Ngoài những giờ dạy trên lớp, cô thường xuyên tự học tập, nghiên cứu, tham khảo những phương pháp mới, kinh nghiệm hay để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về công nghệ thông tin.
Cô giáo Hiền chia sẻ, nhận thức của trẻ vùng cao không như các vùng miền khác. Bên cạnh đó, các em còn thiệt thòi cả về cơ hội tiếp cận các hình thức giáo dục mới. Vì vậy, sau thời gian tự nghiên cứu, học hỏi về công nghệ thông tin, thiết kế thành công các phần mềm dạy học, cô giáo Hiền còn tổ chức các chương trình dạy cho trẻ tiếp cận với công nghệ, cụ thể là học lập trình trên nền tảng Scratch Junior 3.0, trong đó, cô trực tiếp tham gia với vai trò người dẫn chương trình, rèn cho học sinh kỹ năng sử dụng máy tính phục vụ cho giờ học. Thông qua các bài dạy, cô đã có sáng kiến lập trình dựa trên nền tảng Scratch Junior 3.0 đưa vào bài học.
Theo cô, ngoài tính thiết thực và phù hợp với tư duy trực quan của trẻ thì Scratch Junior 3.0 mang lại ưu điểm lớn mà các phần mềm khác không có, đó là sự tương tác hai chiều giữa cô và trẻ và giữa trẻ với bài học. Trẻ sẽ nghe các yêu cầu từ bài học, sau đó tự mình thực hiện các hoạt động học tập. Khi thực hiện đúng, phần mềm sẽ phản hồi với trẻ, nếu thực hiện sai thì sẽ phản hồi tự điều chỉnh.
Các bài học được thiết kế dạng trò chơi, có cả lồng ghép tiếng Anh vào các tiết học, giúp học sinh rất hào hứng. Phần mềm trò chơi lập trình này tạo ra sự tương tác hai chiều, trẻ nhìn và làm theo yêu cầu khá đơn giản. Điều quan trọng, sự tương tác hai chiều giúp trẻ tự vận động và tư duy, chủ động, cô không cần phải hỗ trợ nhiều. Song song với việc học lập trình này, trẻ sẽ có cơ hội học về định hướng không gian, như xác định phía phải, trái, trên, dưới, trước, sau của bản thân, xác định phía của một đối tượng có sự định hướng, xác định của bạn khác.
Từ đó, cô giáo sẽ lồng ghép vào các bài học cụ thể trong chương trình giáo dục mầm non. Cô Hiền cho biết, giáo dục mầm non có yêu cầu rất đặc thù so với các cấp học khác. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ, cô luôn giữ hình ảnh người giáo viên với lối sống lành mạnh, đạo đức trong sáng, giàu lòng nhân ái. Trong từng hành vi, ứng xử hằng ngày, cô luôn là tấm gương chuẩn mực để trẻ nhìn và học theo. Trước đây, nhiều trẻ đến lớp không thực sự hứng thú, tích cực học tập. Khi vận dụng các sáng kiến hay vào thực tiễn đã giúp cho các lớp học trở nên sôi nổi, hiệu quả, an toàn, cô Hiền chia sẻ.
Cô giáo Bùi Thanh Bình (Trường mầm non Vĩnh Tiến) cho biết, cô Hiền là giáo viên luôn tận tình với công việc. Trong công tác giảng dạy, cô luôn linh hoạt, sáng tạo để đổi mới phương pháp dạy học, có uy tín cao với đồng nghiệp và phụ huynh. Nhờ kinh nghiệm vững vàng và tình cảm ân cần, cô đã khiến cho các bậc phụ huynh cảm thấy yên tâm khi cho con em mình học tại trường. Những phương pháp của cô đã đem lại chuyển biến tích cực cho lớp, đồng thời cô cũng tiếp nhiều sức mạnh cho giáo viên khác trong sự nghiệp “trồng người”.
Bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy và tâm huyết với nghề, cô giáo Bùi Thị Hiền được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình tặng Giấy khen do có thành tích trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; Giấy khen có thành tích trong công tác tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; đạt Giải nhì Hội thi Giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non tỉnh Hòa Bình; Giấy chứng nhận loại Giỏi Hội thi Giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non tỉnh; đạt Giải ba cuộc thi Sáng tạo video do quỹ The Dariu Foundation tổ chức...