Cô giáo mầm non, tiểu học ở Sài Gòn ít nhất phải có trình độ Cao đẳng
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nâng chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học lên tối thiểu là Cao đẳng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – bà Nguyễn Thị Thu vừa ký báo cáo số 212, về tình hình thi hành Luật Giáo dục trên địa bàn của thành phố, phục vụ cho việc giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.
Lãnh đạo thành phố khẳng định rằng, Luật Giáo dục có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định vai trò “quốc sách hàng đầu” của giáo dục và đào tạo trong công cuộc phát triển đất nước, kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Luật Giáo dục đã gặp một số khó khăn, ví dụ: Luật Giáo dục định nghĩa “Nhà giáo” không bao gồm cán bộ quản lý giáo dục, gây khó khăn cho việc điều chuyển, bổ nhiệm nhà giáo giỏi về công tác tại các đơn vị quản lý giáo dục (Sở Giáo dục, các Phòng giáo dục và Đào tạo).
Việc triển khai một số mô hình thí điểm tại thành phố, như: Trường tiên tiến, hiện đại theo xu hướng hội nhập khu vực, quốc tế, trường tự chủ…chưa được quy định trong Luật Giáo dục, nên gây ra nhiều khó khăn (các trường theo mô hình tiên tiến phải đóng thuế).
Từ đó, bà Nguyễn Thị Thu đề nghị, cần phải định nghĩa nhà giáo chính là những người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục, hoặc người đã từng có thời gian làm nhiệm vụ này.
Phải xem đội ngũ nhà giáo là đội ngũ đặc biệt, có chế độ đặc biệt (như quân đội, công an) để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành sư phạm.
Cho phép các địa phương có quy mô lớn, bổ sung vào hệ thống trường bồi dưỡng giáo dục, làm công tác bồi dưỡng định kỳ 5 năm, phục vụ sàng lọc và nâng cao trình độ của giáo viên, thích ứng với sự thay đổi.
Cần nâng chuẩn quy định giáo viên của bậc mầm non, tiểu học có tối thiểu là bằng Cao đẳng.
Điều chỉnh độ tuổi của bậc mầm non ở điều 21 thành “từ sáu tháng tuổi đến sấu tuổi”, điều chỉnh điều 25 về cơ sở giáo dục mầm non “Cơ sở giáo dục mầm non bao gồm nhà trẻ, nhóm trẻ nhận trẻ từ sáu tháng tuổi đến ba tuổi, trường hay lớp mẫu giáo sẽ nhận trẻ từ ba tuổi đến sáu tuổi.
Trường mầm non thì sẽ kết hợp cả nhà trẻ, mẫu giáo, nhận trẻ từ sáu tháng tuổi đến sáu tuổi”.
Nghiên cứu, luật hóa một số hình thức học tập không chính quy, học qua mạng internet…Cho phép cơ chế để địa phương thí điểm thực hiện một số mô hình trường học mới, giống như mô hình trường tiên tiến hiện đang áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cần linh hoạt, thực hiện định hướng mở trong biên chế năm học, thay vì chỉ 9 tháng/năm học như hiện nay. Cơ cấu giờ học, tiết học cũng cần được linh hoạt (học 1 buổi, 2 buổi hay học cả ngày) để tiếp cận với xu hướng thế giới, giảm ùn tắc giao thông, phù hợp với đặc điểm của địa phương.
Sĩ số của lớp học cũng cần được linh hoạt, tùy theo loại hình trường và đặc điểm của địa phương.
Dự kiến, ngày 28/12, đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội sẽ có các cuộc làm việc với Trường Đại học Sài Gòn và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về Luật Giáo dục.