Cô giáo Mường gieo tri thức, chắp cánh ước mơ nơi bản nhỏ

Vượt qua những thách thức của giáo dục ở vùng khó, cô Nguyễn Thị Bích Đào, dân tộc Mường, Tổ Phó tổ Khoa học xã hội, giáo viên môn tiếng Anh trường THCS Thắng Sơn (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), vẫn cần mẫn 'gieo' con chữ trên vùng đất cằn, từng ngày thắp lên hy vọng cho các em học sinh dân tộc thiểu số nơi đây.

 Cô Nguyễn Thị Bích Đào trong một tiết dạy

Cô Nguyễn Thị Bích Đào trong một tiết dạy

Cái khó những ngày đầu

Từ thuở bé, cô Đào đã ước mơ được đứng trên bục giảng. Hình ảnh những thầy cô giáo nghiêm trang, tận tụy để lại trong lòng cô ấn tượng sâu sắc. Lên cấp 3, cô say mê môn Tiếng Anh và mong một ngày có thể trở thành giáo viên dạy tiếng Anh, giúp các em nhỏ quê nhà hứng thú khi nghe một bài hát, xem một bộ phim, hay hiểu được câu chuyện từ ngôn ngữ mới. Giấc mơ ấy đã thành hiện thực nhưng không dễ dàng. "Trong những ngày đầu giảng dạy tại vùng có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, tôi phải đối diện với hàng loạt khó khăn như: các em học sinh ngại nói, thậm chí sợ môn tiếng Anh. Lúc đầu tôi cũng nản", cô Đào nhớ lại.

Bằng tình yêu học trò, cô Đào không bỏ cuộc. Cô bắt đầu bằng những điều nhỏ nhất: trò chuyện, chia sẻ với học sinh, thu hẹp khoảng cách cô-trò. Trên lớp, cô tạo không khí học tập vui vẻ, tạo các trò chơi, hoạt động hấp dẫn để khơi gợi sự hứng thú cho học trò, đồng thời khen ngợi, động viên các em khi có sự tiến bộ. Khi niềm tin được hình thành, các em bắt đầu mạnh dạn hơn, yêu môn học hơn.

Cô Đào đã dạy qua nhiều thế hệ học sinh nhưng có một học sinh khiến cô nhớ mãi. Đó là em Bảo, học sinh dân tộc Mường. Bảo ngoan, lễ phép, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Em chưa từng chạm tay vào máy tính, nên càng không biết làm sao để học Tiếng Anh qua mạng. Vậy mà bằng sự nỗ lực của cả cô và trò, Bảo dần học được tiếng Anh, còn được chọn vào đội tuyển ôn thi Olympic Tiếng Anh qua mạng. Cô vừa dạy em tiếng Anh, vừa dạy cách sử dụng máy tính từ những thao tác đơn giản như thao tác con chuột, gõ bàn phím, cách vào website làm bài thi. "Bảo đã tranh thủ mọi thời gian có thể để được ngồi máy tính ở trường. Không có máy ở nhà, em nhờ cô, nhờ bạn, xin thêm giờ để luyện tập", cô Đào kể lại.

Nỗ lực đã được đền đáp, Bảo đạt giải học sinh năng khiếu Tiếng Anh lớp 6 cấp huyện và giải Olympic Tiếng Anh. Giờ đây, em là sinh viên năm thứ nhất khoa Ngôn ngữ tiếng Anh, trường Đại học Ngoại Thương. Câu chuyện về Bảo là một minh chứng về vai trò của người thầy trong việc truyền cảm hứng, giúp học trò thay đổi số phận.

Cô Nguyễn Thị Bích Đào và các em học sinh

Cô Nguyễn Thị Bích Đào và các em học sinh

Thấu hiểu, kiên nhẫn và chân thành

"Giáo viên vùng cao không chỉ cần giỏi chuyên môn mà còn phải có sự thấu hiểu, kiên nhẫn và chân thành để đồng hành được với học trò", cô Đào đúc kết sau nhiều năm gắn bó với nghề. Tâm niệm như vậy, nhiều năm qua, cô Đào luôn dành thời gian tìm hiểu từng học sinh, chia nhóm học sinh theo năng lực, thiết kế tình huống sát thực tiễn, biến tiết học thành hoạt động gần gũi. Với học sinh giỏi, cô giao bài mở rộng, khích lệ thi đua. Với học sinh yếu, cô kiên nhẫn kèm cặp sau giờ học, giao nhiệm vụ vừa sức để các em nỗ lực phấn đấu. Cô gặp phụ huynh để cùng đồng hành, tạo thành "tam giác" bền vững giữa giáo viên - học sinh - gia đình.

Trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất, cô Đào không chờ đợi mà chủ động làm đồ dùng dạy học từ giấy bìa, que tre, chai nhựa để tạo thiết bị dạy học trực quan. Cô sử dụng máy tính cá nhân để trình chiếu hình ảnh, tạo bài giảng sinh động. Và trên hết, cô Đào luôn không ngừng học hỏi, từ sách vở, diễn đàn giáo dục đến các buổi hội thảo, tiết dạy mẫu. Cô chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp, học từ người khác để mỗi ngày tiến bộ hơn.

Dưới sự hướng dẫn của cô Đào, nhiều học sinh người dân tộc Mường đã giành giải cao trong các cuộc thi tiếng Anh, như em Đinh Ngọc Khánh, lớp 6A, giành giải Nhất năng khiếu Tiếng Anh cấp huyện; Hà Hoàng Yến giành giải Ba năng khiếu tiếng Anh cấp huyện. Có những học sinh từng e dè, rụt rè, giờ đây trở thành gương mặt đại diện của trường trong các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ, nói tiếng Anh trôi chảy, tự tin. Thành công của cô không chỉ được ghi nhận qua danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi" nhiều năm, mà còn qua các lứa học trò thi đỗ đại học, có nhiều em đã ra trường trở thành đồng nghiệp của cô Đào, tiếp nối hành trình gieo chữ trên vùng đất khó.

Bài, ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/co-giao-muong-gieo-tri-thuc-chap-canh-uoc-mo-noi-ban-nho-20250518172953883.htm