Cô giáo Nam Định đoạt giải Đặc biệt thi Thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh
Không phải giáo viên dạy tiếng Anh nhưng mới đây, cô Vũ Ngọc Lan đã xuất sắc giành giải Đặc biệt từ Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử bộ môn này.
Thỏa sức đam mê, sáng tạo
Sinh năm 1993, cô Lan là giáo viên Trường tiểu học Giao Thiện (Giao Thủy, Nam Định). Với cô, tham gia Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh năm 2024 là trải nghiệm thú vị. “Cho đến giờ, tôi vẫn bồi hồi xúc động, xem lẫn cả tự hào vì những cố gắng, nỗ lực của bản thân đã được ghi nhận” – cô Lan bộc bạch.
Không phải là giáo viên dạy môn tiếng Anh, cô Lan là giáo viên dạy các môn văn hóa (Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử & Địa lí…). Cô có niềm say mê đặc biệt với tiếng Anh và Công nghệ thông tin. “Khi biết đến thông tin về Cuộc thi, tôi đã rất phấn khích, muốn được thử thách bản thân và trải nghiệm những điều mới” – cô Lan chia sẻ.
Theo đó, cô Lan đã kết hợp với cô Nguyễn Thị Trang – giáo viên Trường tiểu học Trần Quang Cơ (Quận 12, TP Hồ Chí Minh) để thiết kế bài giảng tham dự cuộc thi. Chia sẻ về sự kết hợp này, cô Lan cho hay, cả hai chơi thân với nhau từ nhiều năm nên hiểu rõ năng lực chuyên môn và thế mạnh của nhau.
“Cô Trang là giáo viên Tiếng Anh có chuyên môn tốt, năng động, sáng tạo, rất chịu khó học hỏi. Khi biết đến thông tin cuộc thi, tôi đã nghĩ ngay đến người bạn thân của mình. Hai chúng tôi rất hào hứng và quyết định đăng kí tham gia. Chúng tôi là những mảnh ghép hoàn hảo, bổ sung hỗ trợ cho nhau” – cô Lan tự hào nói.
Tuy khoảng cách địa lý xa nhau (người ở Nam Định, người ở TP Hồ Chí Minh), nhưng đó không phải là vấn đề quá lớn để ngăn cản sự đam mê, sáng tạo, khát khao cống hiến của 2 nữ giáo viên trẻ.
“Qua những cuộc trao đổi bằng điện thoại, tin nhắn online, chúng tôi rất ăn ý và hiểu nhau. Chúng tôi cùng lên ý tưởng cho bài giảng, phân công công việc cho mỗi người và cùng nhau về đích” – cô Lan chia sẻ.
Đổi mới, sáng tạo là yêu cầu không thể thiếu
Tác phẩm dự thi chứa đựng tâm huyết của cô Lan và cô Trang, nên hai cô giáo hy vọng sẽ đóng góp một phần vào việc xây dựng kho học liệu điện tử quốc gia, giúp thầy, cô giáo giảng dạy hiệu quả hơn, các em học sinh hào hứng, tích cực hơn trong những giờ học.
Thông qua Cuộc thi, cô Lan và các đồng nghiệp có cơ hội thể hiện sự sáng tạo và năng lực của bản thân trong việc thiết kế các bài giảng E-learning. Với cô Lan, đây không chỉ là bài giảng đơn thuần, mà còn chứa đựng nhiều tâm huyết, đam mê của giáo viên.
“Cuộc thi là sân chơi để tôi có cơ hội được thử thách bản thân, được học hỏi thêm nhiều kiến thức mới từ đồng nghiệp trên khắp mọi miền Tổ quốc” – cô Lan bày tỏ và cho biết, sau cuộc thi, cô đã có được nhiều những kinh nghiệm quý về thiết kế, xây dựng kịch bản, số hóa các bài giảng và ứng dụng vào trong công việc giảng dạy của mình.
Cô sẽ áp dụng những kiến thức, kĩ năng học được từ quá trình tham gia cuộc thi để thiết kế các bài giảng E-learning hay thiết bị dạy học số cho các môn học khác. Điều đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh có được những trải nghiệm học tập tốt nhất.
“Suốt 3 tháng tham gia cuộc thi, tôi đã có rất nhiều những kỉ niệm không thể nào quên. Đó là những đêm khuya miệt mài làm việc quên cả thời gian; đó là sự phấn khích mỗi khi học thêm được kiến thức mà mình chưa biết; đó còn là niềm vui sướng mỗi khi thiết kế được những trò chơi thú vị, hấp dẫn; và không thể không nhớ đến những lời hai chị em động viên nhau mỗi khi mệt mỏi” – cô Lan trải lòng.
Ngoài Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh, 3 năm học liên tiếp, cô Lan từng tham gia cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-learning cấp tỉnh và thiết bị dạy học số cấp tỉnh. Kết quả, cô được giải Nhì thi thiết kế bài giảng điện tử E-learning cấp tỉnh năm 2021 – 2022. 2 giải Nhì thi thiết kế bài giảng E- learning cấp tỉnh năm 2022 – 2023. 1 giải Nhất và 1 giải Ba thi thiết kế thiết bị dạy học số cấp tỉnh năm 2023 – 2024.
Đây là lần đầu tiên cô Lan tham dự một cuộc thi lớn, tầm cỡ quốc gia như Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử tiếng Anh và đã “thắng lớn” từ Cuộc thi này nên cô rất phấn khích.
Nữ giáo viên nhìn nhận, ngành Giáo dục đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nên đổi mới phương pháp giảng dạy là yêu cầu không thể thiếu của giáo viên, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.
Bản thân cô Lan luôn nhận thức việc phải trau dồi kiến thức và không ngừng học tập để nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy. Cô cũng luôn trau dồi kĩ năng về công nghệ thông tin để tạo các bài giảng E-learning và thiết bị dạy học số ứng dụng vào trong quá trình dạy học. Qua đó, giúp học sinh tiếp thu bài tốt, tích cực, tự giác, chủ động hơn trong học tập.
“Là giáo viên trẻ, tôi luôn mong muốn được học hỏi nhiều kiến thức mới, được sống với đam mê, được thỏa sức sáng tạo và đặc biệt là cống hiến thật nhiều cho ngành giáo dục. Niềm mong mỏi và hạnh phúc lớn nhất của tôi là nhìn thấy các em học sinh vui vẻ, mạnh dạn, tự tin và ngày càng trưởng thành” – cô Vũ Ngọc Lan trải lòng.