Cô giáo 'nặng nợ' với trò nghèo
50 tuổi, gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp 'trồng người', cô giáo Huỳnh Thị Phương Thảo (giáo viên (GV) Trường Tiểu học Việt Lâm, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) vẫn luôn 'nặng nợ' với nghề. Đó cũng chính là điều thôi thúc cô phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa để truyền đạt kiến thức cho những học trò nhỏ.
Cô Phương Thảo là GV tiểu học duy nhất của tỉnh được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2021. Đây không chỉ là thành tích của cá nhân cô mà còn là niềm vinh dự, tự hào của ngôi trường Việt Lâm và ngành Giáo dục tỉnh Long An.
“Không để trò bỏ học giữa chừng”
Ở trường, cô Phương Thảo được biết đến là “người mẹ hiền” của hàng trăm học sinh (HS). Ở vùng quê này, ai cũng biết đến cô, không phải vì cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân mà vì cô đã dạy ở ngôi trường này gần 30 năm. Bao thế hệ học trò từ sự dạy dỗ, chỉ bảo của cô đã thành tài. Cô Phương Thảo kể, ngày trước theo nghề “gõ đầu trẻ” bởi ảnh hưởng hai bên gia đình nội, ngoại có nhiều người làm GV. Thấy các dì, các cậu đi dạy rất thích nên sau khi tốt nghiệp lớp 12, cô quyết định thi vào ngành Sư phạm. Năm 1992, tốt nghiệp đại học loại giỏi, cô Phương Thảo về công tác ở Trường Tiểu học Việt Lâm, một trong những ngôi trường thuộc vùng sâu và khó khăn nhất của huyện Châu Thành.
Bây giờ, đường sá đi lại dễ dàng, còn thời cô mới về đây công tác thì rất khó khăn. Trường đơn sơ, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, HS đa phần có hoàn cảnh nghèo khó. Theo lời cô Phương Thảo, sau này, một số gia đình theo nghề nuôi tôm, cuộc sống khá hơn, chứ hồi xưa vất vả lắm! Vì thế, họ ít có thời gian chăm sóc các con mà phải bươn chải mưu sinh nên việc học của con em họ “trăm sự nhờ thầy, cô”. Trong nhiều năm về công tác tại trường, cô Phương Thảo vẫn nhớ như in có thời điểm, tỷ lệ HS bỏ học tăng cao. Khi thấy trò có nguy cơ bỏ học, cô không quản ngại gian khó, đến từng nhà gặp gỡ phụ huynh tìm hiểu, vận động cho các em trở lại lớp. Không ít lần bị phụ huynh phớt lờ nhưng cô vẫn kiên trì vì tương lai của các em. Nhờ cách nói chuyện thuyết phục lại hiểu hoàn cảnh, lý do nên nhiều phụ huynh nghe xong lại cảm ơn cô và đồng ý cho con tiếp tục đến trường.
Cũng qua những lần như thế, cô càng thấy rõ, cái nghèo, cái khó là rào cản rất lớn đến sự học của các em. Từ suy nghĩ đó, không biết bao nhiêu lần, cô đã trích số tiền lương ít ỏi để hỗ trợ các em dụng cụ học tập. Ngoài ra, cô còn tích cực vận động mạnh thường quân giúp đỡ HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em an tâm học tập.
Từ sự tiếp sức, đồng hành của những người như cô Phương Thảo mà phong trào học tập và trình độ dân trí người dân ở địa phương ngày càng được nâng cao. Những năm gần đây, ở ngôi trường Tiểu học Việt Lâm, tỷ lệ trẻ đến tuổi vào lớp 1 đều đạt 100%, không có HS lưu ban, bỏ học giữa chừng. “Không để trò phải bỏ học giữa chừng” là câu nói cô luôn nhắn nhủ các đồng nghiệp trẻ sau này. Đó cũng là phương châm cô tận tụy, tâm huyết, cống hiến cho nghề giáo.
Sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy và học
Thấm thoát đã gần 30 năm gắn bó với ngôi trường, đồng nghiệp và người dân ở địa phương nên cô cũng không muốn xin về dạy ở gần nhà, dù nhà cô cách xã khá xa.
“Thấy HS ở vùng này còn nhiều thiệt thòi, tôi không nỡ rời đi” - cô Phương Thảo nói. Không chỉ có “tâm” mà cô luôn được biết đến là người có “tầm” với sự nghiệp “trồng người”. “Cô Phương Thảo hay lắm đó! Cách dạy bảo, truyền đạt của cô luôn gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ và tạo nhiều hứng khởi, thích thú cho HS” - một GV ở trường nhận xét.
Như những gì đồng nghiệp chia sẻ, cô Phương Thảo được đánh giá là người rất sáng tạo trong việc sử dụng đồ dùng dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ngoài những thiết bị có sẵn của trường, cô còn sáng tạo nhiều đồ dùng dạy học mới để tiết học trở nên mới mẻ, đa dạng hơn.
Đặc biệt, cô có phương pháp, kỹ năng dạy học mới mang lại hiệu quả cao như phương pháp bàn tay nặn bột, sơ đồ tư duy, kỹ thuật mảnh ghép, khăn trải bàn. Cô còn nổi tiếng là “cây sáng kiến” của trường. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của cô đã được áp dụng vào công tác giảng dạy tại trường giúp HS học yếu giải toán, điển hình như Tìm hai số khi biết hiệu và tỷ số của hai số đó; Một số kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp; Một số kinh nghiệm giảng dạy các yếu tố hình học lớp 4; Nâng cao chất lượng giảng dạy phân môn Luyện từ và câu cho học sinh lớp 4;...
Theo cô Phương Thảo, HS bây giờ tư duy nhạy bén và dạn dĩ lắm. Nhiều sự việc các em bày tỏ, thầy, cô rất bất ngờ, không dễ để trả lời. Do đó, đừng nghĩ rằng làm GV tiểu học là dễ, cứ theo giáo án sẵn mà dạy, ngược lại, GV phải luôn tìm tòi, đổi mới và phải có kỹ năng giảng dạy khéo léo và phù hợp với sự phát triển.
“Giáo dục tiểu học không đơn thuần là con chữ, dãy số mà còn là uốn nắn trẻ, hình thành nhân cách của mỗi em. Trên lớp, tôi là cô giáo của các em nhưng khía cạnh nào đó, tôi cũng giống như một người bà nên phải lan tỏa đến các em tình yêu thương ấm áp. Những cư xử, nói năng của mình sẽ tác động rất nhiều đến sự phát triển của trẻ” - cô Phương Thảo chia sẻ.
Trong lúc giảng dạy, cô luôn đóng vai trò “nhạc trưởng”, khơi gợi những sáng kiến, ý tưởng của trò. “Cô giáo em vừa dạy giỏi, dễ mến, lại rất tốt bụng”, HS ở trường thường nói như thế mỗi khi có ai đó nhắc về cô Phương Thảo.
Gần 30 năm bám trường, bám lớp dạy học ở ngôi trường Tiểu học Việt Lâm, nhiều học trò của cô Phương Thảo đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định, đóng góp cho xã hội. “Thấy HS trưởng thành, thành đạt là điều khiến tôi rất hạnh phúc và tự hào. Đó chính là động lực to lớn để tôi tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người” cao quý” - cô Phương Thảo bày tỏ./.
Cô giáo Huỳnh Thị Phương Thảo (SN 1971) nhiều năm liền được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp huyện và tỉnh, 5 lần được nhận bằng khen, giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện. Năm 2010, cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2020, cô được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Năm 2021, cô được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/co-giao-nang-no-voi-tro-ngheo-a125751.html