Cô giáo Ngữ văn chỉ cách ôn tập và làm bài thi lớp 10 đạt điểm cao

Vài ngày nữa kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ diễn ra. Trước kỳ thi, nhiều thí sinh rất lo lắng. Hiểu tâm lý này, cô giáo dạy Ngữ văn đưa 'bí quyết' làm bài đạt điểm cao cho sĩ tử.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn khối 9 và ôn cho học sinh thi vào lớp 10 THPT đạt kết quả cao, cô Nguyễn Thị Hồng Lan - giáo viên Ngữ văn, Thành viên Ban giám hiệu Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội đã có những chia sẻ và lưu ý tới học sinh trước kỳ thi để các em có thể áp dụng dễ dàng, hiệu quả trong quá trình ôn thi.

Theo cô Lan, kỳ thi vào lớp 10 là một kỳ thi căng thẳng, học sinh có nhiều áp lực khi bước vào kỳ thi này. Tuy nhiên, đây là năm cuối cùng các con học và thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 nên học sinh cũng khá quen thuộc với cấu trúc đề thi. Đề thi minh họa trước đó do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố cũng bám sát chương trình, câu hỏi sáng rõ, không đánh đố và có tính chất phân loại.

Cần có phương pháp ôn tập hiệu quả trong giai đoạn "nước rút"

Trong giai đoạn ôn thi "nước rút" này, các em cần nắm chắc bài giảng của thầy cô. Các em hãy tin tưởng ở thầy cô của mình, tránh tình trạng học bài sơ sơ, biết qua loa, đại khái. Hãy tận dụng những ngày cuối cùng này để ôn tập thật tốt bởi những ngày này có thể ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của cả kỳ thi.

Cô Nguyễn Thị Hồng Lan hiện là giáo viên Ngữ văn, Thành viên Ban giám hiệu Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội.

Cô Nguyễn Thị Hồng Lan hiện là giáo viên Ngữ văn, Thành viên Ban giám hiệu Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi sao Hà Nội.

Trong khi thời gian ôn còn rất ngắn, các em cần rà soát lại toàn bộ kiến thức, khái quát và kết nối thông tin hiệu quả để dễ nhớ hơn, chia nhỏ nội dung bài học thành các nhiệm vụ và ôn trong các khoảng thời gian trong ngày. Các em có thể học nhẩm, viết ra giấy, hệ thống lại bằng sơ đồ tư duy, luyện tập qua các dạng bài…

Tự ôn bài là biện pháp quan trọng. Các em nên ôn bài vào buổi sáng. Sau một đêm nghỉ ngơi đủ, não bộ sẽ tỉnh táo nhất để thu nạp thông tin. Song nếu bài ôn quá nhiều khiến các em lo lắng, các em cần sắp xếp để chia nhỏ lượng kiến thức ôn tối và sáng, xen kẽ các đơn vị kiến thức khác nhau.

Chuẩn bị sức khỏe, thư giãn hợp lý

Ngoài kiến thức, tâm lý thì điều rất quan trọng trước kỳ thi là sức khỏe bởi chỉ khi có sức khỏe tốt thì kiến thức hay tâm lý phòng thi mới phát huy được tác dụng. Muốn vậy, các em phải ngủ đủ giấc cũng như duy trì chế độ dinh dưỡng đủ cả chất và lượng.

Để giảm thiểu căng thẳng, áp lực thi cử, các em hãy tạo một khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý cho bản thân. Có thể tham gia chơi các bộ môn thể thao vừa tốt cho sức khỏe lại thư giãn tinh thần như chạy bộ, đánh cầu lông, đá bóng, bơi lội, nghe một bản nhạc mình thích hay đơn giản là đi dạo sẽ phần nào giúp giải tỏa căng thẳng. Tinh thần lạc quan và tự tin là yếu tố quan trọng giúp các em vượt qua kỳ thi. Hãy tin vào khả năng của mình và luôn giữ một thái độ tích cực.

Đặc biệt, các em đừng ngần ngại nhờ sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Thầy cô, bạn bè và gia đình luôn sẵn sàng hỗ trợ các em. Hãy tận dụng mọi nguồn lực để giải quyết những khó khăn và hoàn thiện kiến thức của mình.

Những lưu ý trước, trong và sau khi thí sinh ra khỏi phòng thi

Trước khi rời khỏi nhà đến phòng thi, theo cô Lan, các em cần nhớ kiểm tra lại mọi thứ cần đem theo (bút, thẻ, giấy tờ…). Các em nên sử dụng bút nước màu xanh (mang thêm 3 - 5 cái cùng loại), thước để gạch chân. Tuyệt đối không mang bút đỏ, bút xóa vào phòng thi.

Ảnh chụp cô Lan cùng tập thể học sinh lớp 9A0 (niên khóa 2019-2023) với tỉ đỗ lớp 10 chuyên là 97%; điểm thi vào lớp 10 THPT công lập 3 môn trung bình 44,5/50 điểm.

Ảnh chụp cô Lan cùng tập thể học sinh lớp 9A0 (niên khóa 2019-2023) với tỉ đỗ lớp 10 chuyên là 97%; điểm thi vào lớp 10 THPT công lập 3 môn trung bình 44,5/50 điểm.

Trong phòng thi:

Trước khi nhận đề, các em cần bình tĩnh, không lo lắng hồi hộp quá, cũng không chủ quan. Bởi lẽ, môn Văn rất đặc thù, khi tinh thần tốt các em có thể diễn đạt cũng như trình bày bài làm một cách khoa học và có những ý hay. Trong khi chờ phát đề, các em nên tính toán và phân chia thời gian cho từng phần ra giấy nháp để quá trình làm bài luôn chủ động về thời gian, tránh sa đà vào một phần nào đó.

Khi nhận đề: Ở bước này các em cần đọc kỹ đề, phân tích đề cẩn thận, gạch chân vào các từ khóa nêu yêu cầu để làm đúng trọng tâm. Các em cần đọc toàn bộ đề một lần để nắm được tổng quát đề, chuẩn bị tâm thế. Với mỗi câu, cần sử dụng nháp để ghi nhanh các ý cơ bản trước khi viết vào bài thi, tránh bị mất điểm thiếu ý hoặc gạch xóa trong bài làm.

Khi làm bài: Làm tuần tự các câu hỏi trong đề, hạn chế đảo lộn thứ tự, chú ý giãn cách 1 dòng giữa các câu hỏi nhỏ để có thể bổ sung ý và giúp bài làm mạch lạc.

Tuyệt đối không bỏ qua bất cứ câu hỏi nào trong đề. Nếu các em không chắc chắn về đáp án, suy nghĩ kỹ và trả lời bằng cách hiểu của mình.

Về phần trình bày phải sạch đẹp, rõ ràng, bài viết thoáng, dễ nhìn, viết sát lề cho ngay ngắn.

Đối với câu hỏi đọc hiểu: Cần trả lời trúng, đúng, đủ, ngắn gọn, cố gắng đào sâu ý (từ nghệ thuật đến nội dung, chú ý gắn với chủ đề, nhận xét thái độ, tình cảm của tác giả). Với những câu hỏi lý giải, trình bày quan điểm (câu hỏi ở mức độ thông hiểu), nên dành thời gian suy nghĩ, tìm tòi để đưa ra ít nhất 3 ý trong câu trả lời, không viết gộp mà tách để trả lời rõ ràng từng ý, không cần viết thành đoạn (nếu đề không yêu cầu).

Đối với đoạn nghị luận văn học, các em cần chú ý xác định đúng yêu cầu nội dung, hình thức, yêu cầu tiếng Việt, mô hình đoạn và phạm vi phân tích chủ đề. Cần làm ra nháp: dàn ý triển khai, câu chủ đề, yêu cầu tiếng Việt rồi mới viết vào bài làm. Cần căn cứ vào yêu cầu đề bài cho để định hình được hướng đi và hệ thống ý triển khai trong bài cho phù hợp. Khi làm bài, cần diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, có chất văn, biết liên hệ mở rộng.

Đối với đoạn văn nghị luận xã hội, các em cần xác định đúng vấn đề nghị luận được nêu ở đề bài từ đó áp dụng các bước lập luận cho phù hợp kiểu bài nghị luận về một sự việc hiện tượng hay một tư tưởng đạo lý. Các em cần tập trung nhiều nhất vào phần bàn luận cho sâu sắc, toàn diện, phong phú. Dẫn chứng thực tế để tăng sức thuyết phục là cần thiết nhưng không nên lấy nhiều, chỉ nên dừng lại ở 1 đến 2 dẫn chứng phù hợp với vấn đề nghị luận, mang tính thời sự, tiêu biểu và cụ thể. Hình thức đoạn văn cần đảm bảo, tránh viết thành bài văn thu nhỏ.

Trước khi nộp bài: Khi làm bài xong, các em phải dành thời gian khoảng 5 phút để đọc lại và kiểm tra, đối chiếu với đề, thậm chí đọc lại cả nháp để tránh trường hợp bỏ sót câu, ý.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-giao-ngu-van-chi-cach-lam-bai-thi-lop-10-dat-diem-cao-169240603114541435.htm