Vụ giám thị ký nhầm giấy thi: Thêm sĩ tử lên tiếng, Sở GD&ĐT TP.HCM giải quyết thế nào?
Vụ thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2024 bật khóc, cho rằng mất 20 phút làm bài môn Văn vì giám thị ký nhầm giấy đang khiến dư luận xôn xao.
Giám thị coi thi ký nhầm vào ô cán bộ chấm thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, TP.HCM có 162 điểm thi với khoảng 90.000 thí sinh dự thi. Điểm thi trường THPT Nguyễn Du có 30 phòng thi, với 720 thí sinh.
Ngày 30/6, một số phụ huynh có con tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) phản ánh, trong giờ thi môn Ngữ văn (ngày 27/6) ở phòng thi số 2500 đã xảy ra sự cố dẫn đến thiệt thòi cho thí sinh.
Cụ thể, theo thí sinh kể lại, khi các thí sinh đã làm bài thi môn Ngữ văn được khoảng 15 - 20 phút, cán bộ coi thi (giám thị) bất ngờ phát tờ giấy thi mới và yêu cầu chép bài làm từ tờ giấy thi cũ sang. Nguyên nhân là vì giám thị 1 ký tên nhầm sang ô chữ ký của người chấm trên giấy thi. Sau khi phát tờ giấy thi mới cho tất cả thí sinh trong phòng, giám thị liên tục thúc giục thí sinh chép bài sang tờ giấy mới. Đồng thời, đi xin ý kiến hội đồng thi để bù thêm 20 phút làm bài cho thí sinh. Tuy nhiên, giám thị này trở lại và cho biết, thí sinh không được bù giờ, bởi đây là lỗi của cán bộ coi thi chứ không phải lỗi của hội đồng thi.
Theo phụ huynh, thí sinh bị mất thêm một khoảng thời gian để chép bài sang giấy thi mới nên không làm hết được đề thi. Điều này đã gây ảnh hưởng đến kết quả bài thi cũng như tâm lý để làm các môn thi tiếp theo. Cô P.N - phụ huynh của thí sinh N. - thí sinh thi tại phòng thi số 2500, chia sẻ với Báo Pháp luật TP.HCM, mỗi khi nhắc đến sự việc, con gái cô vẫn khóc. Do đó, các phụ huynh đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM có ý kiến, giải pháp xử lý về việc này để tránh thiệt thòi cho thí sinh.
Chia sẻ với báo Dân Trí, Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Sở đã nắm được sự cố xảy ra tại điểm thi trên. Sở GD&ĐT cũng đã xác minh với lãnh đạo điểm thi và 2 cán bộ coi thi của phòng thi số 2500.
Sự việc được xác minh như sau: Trong giờ làm bài môn Ngữ văn, khi các thí sinh làm bài được khoảng 10 phút, cán bộ coi thi phát hiện đã ký nhầm vào ô cán bộ chấm thi trên giấy thi của thí sinh. Thay vì báo cáo điểm thi để xử lý, cán bộ coi thi lại tự ý phát giấy thi mới cho thí sinh. Tuy nhiên, do không thống nhất ý kiến nên 2 cán bộ coi thi đã báo cáo sự việc cho giám sát phòng thi ở bên ngoài. Sau đó, sự việc được báo tới trưởng điểm thi. Tiếp nhận sự việc, trưởng điểm thi yêu cầu cán bộ coi thi trả lại giấy thi cũ cho thí sinh và không cộng thêm thời gian làm bài vì cho rằng không có nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, trưởng điểm thi không nắm được thông tin là các thí sinh đã được phát và làm bài trên giấy thi mới, nên đã xảy ra việc có thí sinh làm trên giấy thi mới, có bạn lại làm trên giấy thi cũ.
Sở GD&ĐT TP.HCM hứa không để thí sinh nào chịu thiệt thòi
Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định, trong trường hợp này đã có thiệt thòi cho thí sinh của phòng thi 2.500, nhất là ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh trong lúc làm bài thi.
Về phương án xử lý, ông Hiếu cho biết nhằm đảm bảo tối đa nhất quyền lợi cho các thí sinh ở phòng thi 2.500 trong môn thi Ngữ văn, sau khi tổ chức chấm thi theo hình thức bình thường xong (2 cán bộ chấm thi độc lập), Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ có một tổ chấm chung, rà soát lại hết các bài thi của phòng này. "Đảm bảo không có thí sinh nào thiệt thòi về mặt quyền lợi", ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng nhận khuyết điểm vì đã để xảy ra sai sót trong việc coi thi và sẽ có hình thức xử lý trách nhiệm các bộ phận có liên quan đến vụ việc này. Cụ thể, Sở sẽ có hình thức xử lý trách nhiệm đối với 2 cán bộ coi thi, trưởng và phó điểm thi này. Trách nhiệm của trưởng điểm thi này là không theo sát phòng thi có sự cố, không biết rằng phòng thi đó đã có phát giấy thi mới cho thí sinh.
Dư luận bức xúc vì phương án xử lý chưa thỏa đáng
Sự việc này khiến các thí sinh cũng như dư luận bày tỏ bức xúc. Nam sinh tên M.Đ. (thuộc phòng thi số 2500) chia sẻ với Báo Đời sống Pháp luật, cộng cả thời gian đã làm bài trên tờ giấy cũ, thời gian phát giấy mới, chép lại bài... Đ. bị mất khoảng 20-30 phút. M.Đ. còn khẳng định rằng, 100% thí sinh trong phòng thi được yêu cầu viết trên tờ giấy mới và không được bù giờ, không có chuyện vẫn được viết trên giấy cũ như phản hồi của lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM.
Cô P.N. (phụ huynh thí sinh N. tại phòng thi số 2500) cho biết, trong 3 năm qua, con gái cô luôn đứng đầu lớp. Từ đầu năm học, N. đã dồn sức cho môn Văn để có thể dùng môn này xét tuyển vào Đại học khối D1 (Toán, Văn, Anh). Cô P.N. bày tỏ mong muốn hội đồng chấm thi sẽ cộng điểm bù cho các con bị ảnh hưởng bởi sự cố trên vì lỗi do sai sót của cán bộ coi thi.
Một giáo viên trường THPT tại TP.HCM có kinh nghiệm coi thi nhiều năm cho rằng, trong tình huống này 2 cán bộ coi thi đã chưa đưa ra phương án xử lý phù hợp: "Cán bộ coi thi hoàn toàn có thể báo cáo trưởng điểm thi về vụ việc, tiếp tục cho thí sinh làm bài và lập biên bản về sự cố bất thường để xử lý sau thi, không ảnh hưởng đến quyền lợi và tâm lý chung của thí sinh".