Cô giáo Quảng Trị 'bật mí' kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT

Nhiều năm tham gia ôn tập tốt nghiệp THPT, cô giáo ở Quảng Trị chia sẻ những kinh nghiệm làm tốt bài thi môn Ngữ Văn và tổ hợp môn KHXH.

Cô giáo Lê Thị Trâm ôn tập cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Cô giáo Lê Thị Trâm ôn tập cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Nắm chắc cấu trúc, làm đúng trọng tâm

Cô Lê Thị Trâm, giáo viên dạy môn Văn, Trường THPT Gio Linh cho biết, đối với môn Văn, học sinh cần nắm vững nhiều kỹ năng, gồm đọc hiểu, kỹ năng làm văn nghị luận xã hội và kỹ năng làm nghị luận văn học. Chính vì vậy, trong quá trình dạy, giáo viên hướng dẫn cho học sinh những kỹ năng đó để các em làm bài tốt hơn.

Cô Lê Thị Trâm cho hay, trong từng bài dạy giáo viên sẽ sơ đồ hóa những vấn đề chính để học sinh học dễ hiểu và dễ nhớ. Đồng thời, đưa ra các đề thi năm trước giúp các em nắm bắt cấu trúc, xu hướng ra đề thi, hướng dẫn, rèn luyện cho học sinh một số dạng đề thi. Mặt khác, hướng dẫn cho các em thang điểm của từng phần, chú trọng phần nội dung nào có thể đạt điểm...

Theo đó, môn Văn thường có bố cục 3 phần, gồm đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Trước hết, học sinh phải nắm được bố cục bài thi. Giáo viên cố gắng hướng dẫn học sinh có thể đạt điểm dễ ngang mức nhận biết. Khi vào thi, các em chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Như vậy, có thể đạt điểm trung bình với môn này.

Cô Trâm lưu ý, với phần đọc hiểu, cần rèn kỹ năng quan trọng để ít nhất các em lấy được 2 điểm. Tuy mỗi đề thi khác nhau, nhưng sẽ có cấu trúc chung trong dạng đề, trong cách ra đề. Do đó, giáo viên cố gắng công thức hóa, bày cho học sinh cách làm cụ thể từng dạng bài. Phương pháp làm bài thì chỉ cần trả lời đủ ý, ngắn gọn, đi vào trọng tâm.

Với phần Nghị luận xã hội thì giáo viên hướng dẫn cho trò khung các bước. Khi vào thi các học sinh ráp cấu trúc đó vào, đảm bảo đủ ý và không bị lạc đề.

Với nghị luận văn học, thì ôn tập theo từng thể loại, chọn đặc trưng mỗi thể loại để ôn tập. Với yêu cầu chính, cũng có khung để học trò lấy được 50% điểm bài thi phần đó.

Để việc ôn tập đạt hiệu quả, giáo viên sẽ tiến hành phân nhóm học sinh dựa theo năng lực, trình độ từng em. Ngoài nhóm học sinh giỏi, giáo viên chọn lọc những HS có khả năng bị “điểm liệt” để kèm cặp, giúp đỡ.

Đối với nhóm học sinh giỏi, ngoài việc bổ trợ kiến thức nền thì giáo viên bổ sung thêm kiến thức nâng cao (kiến thức về lý luận văn học, kiến thức mở rộng, kiến thức xã hội). Đây là những nội dung mang tính sáng tạo để các em đạt điểm cao.

Riêng với nhóm học sinh khác, ngoài rèn kỹ năng thì giáo viên phổ biến cho các em một số “kỹ thuật” cơ bản, cấu trúc làm bài, nội dung cần có của từng phần để đạt điểm. Khi đã nhớ và hiểu cấu trúc làm bài, hiểu kết cấu và biết cách diễn đạt thì học sinh sẽ dễ dàng đạt điểm ở môn này. Nhờ quá trình ôn tập kỹ lưỡng, nên chất lượng môn Văn những năm qua tương đối ổn định.

Chăm luyện đề và rèn kỹ năng làm bài

Cô Nguyễn Thị Hoa Lộc, giáo viên Địa lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhấn mạnh các điểm lưu ý trong quá trình ôn thi và làm bài các môn tổ hợp. Trong quá trình dạy, cô đã áp dụng và phát huy hiệu quả.

Cô Lộc cho rằng, với các môn xã hội thì cần ôn thi theo chủ đề. Các môn này có lượng kiến thức nhiều, nhưng nếu biết chia nhỏ theo từng chủ đề thì học sinh nhớ kiến thức dễ dàng hơn. Khi vào thi, đọc câu hỏi, học sinh sẽ xác định câu hỏi ấy thuộc chủ đề nào và lựa chọn câu trả lời dễ dàng.

Cô và trò Trường PTDT nội trú tỉnh Quảng Trị chạy "nước rút" ôn thi tốt nghiệp.

Cô và trò Trường PTDT nội trú tỉnh Quảng Trị chạy "nước rút" ôn thi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, cần áp dụng sơ đồ tư duy để việc hệ thống kiến thức dễ nhớ hơn. Theo cô Lộc, cứ một chủ đề thì giáo viên vẽ thành một sơ đồ tư duy. Tiếp đó, là xây dựng các từ khóa.

“Học thi trắc nghiệm nên quan trọng nhất chính là nhớ lâu nhớ rộng. Do đó, trong các đặc điểm lí thuyết dài thì thông thường tôi sẽ chỉ cho các em từ khóa dễ nhớ”, cô Lộc cho hay.

Cách làm bài là vấn đề quan trọng nhất khi bước vào thi. Giáo viên cần cho học sinh luyện đề thường xuyên, theo dõi quá trình làm bài của các em và uốn nắn kỹ năng làm bài cho học sinh của mình. Làm từ câu dễ đến câu khó, làm từ đầu đến cuối một lượt. Ngoài những câu biết đáp án chắc chắn, còn những câu nào còn phân vân thì đánh dấu, sau đó xem lại.

Giáo viên giới thiệu và giúp học sinh lựa chọn, sử dụng và phân loại tài liệu ôn thi đúng và hiệu quả. Với mỗi môn học, học sinh cần chuẩn bị cho mình từ hai đến ba loại tài liệu phù hợp và có nguồn gốc từ các nhà xuất bản đáng tin cậy, uy tín để đảm bảo về độ chuẩn xác về kiến thức, đồng thời phải bám sát kiến thức chuẩn trong sách giáo khoa để ôn thi.

Bên cạnh việc chuẩn bị tài liệu, cô Lộc nói rằng, nên dành thời gian để phân loại và “tái tạo” lại những tài liệu đó theo cách học và trình bày của cá nhân sao cho dễ nhớ, dễ học và dễ thuộc.

Khi học sinh lên lớp ôn tập, cần tăng sự tương tác giữa học sinh và giáo viên để việc ôn tập hiệu quả hơn.

Cô Lộc nhấn mạnh, học sinh cần tạo cho mình tâm lý thoải mái trong việc ôn tập lẫn khi vào thi. Tinh thần thoải mái là yếu tố quan trọng để học sinh nhận diện và làm tốt bài thi của mình.

Đăng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-quang-tri-bat-mi-kinh-nghiem-on-thi-tot-nghiep-thpt-post684679.html