Cô giáo 'siêu công nghệ' giúp học sinh không còn ngại học môn Tiếng Việt

Tận dụng ưu thế về công nghệ thông tin, cô giáo Hà Linh Hương đã xây dựng trang web học môn Tiếng Việt lớp 3 với hình thức và nội dung hấp dẫn.

Cô Hà Linh Hương hướng dẫn học sinh truy cập trang web Trạng Nguyên Tiếng Việt 3.

Cô Hà Linh Hương hướng dẫn học sinh truy cập trang web Trạng Nguyên Tiếng Việt 3.

Nâng cao hiệu quả học Tiếng Việt

Trong quá trình dạy học, cô Hà Linh Hương, giáo viên Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) không ngừng đổi mới và thử nghiệm những ý tưởng để nâng cao hứng thú và hiệu quả học tập cho học sinh. Sáng tạo tiêu biểu của cô là việc xây dựng và sử dụng website Trạng Nguyên Tiếng Việt lớp 3.

Cô Hương chia sẻ, Tiếng Việt có vị trí quan trọng trong việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Việc vận dụng tốt kiến thức môn Tiếng Việt vào thực tiễn sẽ giúp học sinh từng bước hình thành và phát triển nhân cách.

Đầu năm học, cô đã xây dựng và cho học sinh làm 1 phiếu khảo sát với các câu hỏi: Em thích học môn nào nhất? Vì sao em thích học môn học đó? Em ngại học môn nào nhất? Vì sao em ngại học môn học đó? Em có mong muốn gì trong các tiết học đó?

 Cô Hương và học sinh lớp 3A9 Trường Tiểu học Thịnh Liệt trong giờ học Tiếng Việt.

Cô Hương và học sinh lớp 3A9 Trường Tiểu học Thịnh Liệt trong giờ học Tiếng Việt.

 Trong quá trình dạy học, cô luôn tâm huyết, trách nhiệm với học sinh.

Trong quá trình dạy học, cô luôn tâm huyết, trách nhiệm với học sinh.

 Nhờ những đổi mới sáng tạo trong dạy học, giờ học Tiếng Việt trở nên sinh động, hấp dẫn.

Nhờ những đổi mới sáng tạo trong dạy học, giờ học Tiếng Việt trở nên sinh động, hấp dẫn.

Qua phiếu khảo sát, cô nhận thấy nhiều học sinh ngại học môn Tiếng Việt. Các em có rất nhiều lý do như: ngại viết dài, ngại suy nghĩ, khó ghi nhớ, văn bản dài, tiết học không vui... Các em đều có mong muốn, có cách để dễ ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn, tổ chức được nhiều hoạt động vui hơn, mong muốn mở rộng vốn từ để viết được câu văn hay hơn.

Cùng với đó, qua thực tế giảng dạy, cô nhận thấy một số học sinh chưa thực sự hứng thú trong các giờ học Tiếng Việt, chưa sôi nổi, tích cực trong giờ học, các sản phẩm học tập chưa tốt, nhiều học sinh chưa có ý thức tự giác, khám phá kiến thức mới. Số học sinh thích và tích cực tương tác trong các giờ học Tiếng Việt chỉ chiếm 43,2% và số học sinh hoàn thành tốt cũng chỉ đạt 56,8%.

 Học sinh được khen thưởng khi hoàn thành tốt bài tập.

Học sinh được khen thưởng khi hoàn thành tốt bài tập.

 Trang web Trạng Nguyên Tiếng Việt giúp học sinh mở rộng vốn từ.

Trang web Trạng Nguyên Tiếng Việt giúp học sinh mở rộng vốn từ.

Từ thực trạng này, cô đã suy nghĩ để đổi mới, sáng tạo về biện pháp dạy học nhằm tạo hứng thú cho học sinh khi học môn Tiếng Việt, trong đó có việc xây dựng trang web Trạng Nguyên Tiếng Việt 3. Trang web được xây dựng với kênh hình hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn được học sinh, giúp các em mở rộng vốn từ.

Đồng hành cùng các em trong trang web là nhân vật Trạng Tí phiên bản đáng yêu, gần gũi với trẻ em. Trang web mà cô thiết kế gồm 6 chặng, 3 vòng thi tương ứng với 15 chủ đề trong sách Tiếng Việt 3 bộ sách Cánh Diều. Cứ 2 chặng sẽ có một vòng thi lần lượt là vòng thi Hương, thi Hội và thi Đình. Với mỗi chặng, cô xây dựng 3 mục: Luyện tập, Khảo thí, Góc trưng bày với nội dung liên quan đến kiến thức của chương trình học.

Cụ thể, phần Luyện tập bao gồm 20 câu hỏi để học sinh ôn tập. Phần Khảo thí là 10 câu hỏi có chấm điểm và hiển thị kết quả để cha mẹ học sinh nắm bắt tình hình học tập của con. Phần Góc trưng bày giúp học sinh có thể trưng bày những sản phẩm của mình, hoặc là sơ đồ tư duy, hoặc là những bài vè do các em sáng tác.

Đối với ba vòng thi Hương, thi Hội, thi Đình, cô thiết kế 10 câu hỏi tổng hợp kiến thức của các chặng trước và chấm điểm. Các vòng đều có khen thưởng, động viên học sinh. Riêng vòng thi Đình, cô động viên học sinh bằng cách khen thưởng những học sinh đạt 10 điểm là Trạng Nguyên, 9 điểm là Bảng Nhãn, 8 điểm là Thám Hoa, 7 điểm là Hoàng Giáp.

 Trang web được xây dựng với kênh hình hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn được học sinh, giúp các em mở rộng vốn từ.

Trang web được xây dựng với kênh hình hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn được học sinh, giúp các em mở rộng vốn từ.

 Nội dung trang web mà cô tự thiết kế là một kho học liệu bao gồm hơn 200 câu hỏi với nhiều hình thức làm bài đa dạng.

Nội dung trang web mà cô tự thiết kế là một kho học liệu bao gồm hơn 200 câu hỏi với nhiều hình thức làm bài đa dạng.

Phản hồi tích cực từ phụ huynh và nhà trường

Nội dung trang web mà cô tự thiết kế là một kho học liệu bao gồm hơn 200 câu hỏi với nhiều hình thức làm bài đa dạng như: trắc nghiệm, kéo thả, nối, điền từ..., giúp học sinh luôn muốn chủ động khám phá, lĩnh hội tri thức một cách hào hứng.

Trang web này đã được áp dụng thực tiễn tại trường Tiểu học Thịnh Liệt. Phản hồi từ các em cũng như cha mẹ học sinh và giáo viên đều rất khả quan. Trang web được đánh giá cao về chất lượng bài tập cũng như các tính năng sử dụng dễ dàng, tiện lợi, được học sinh và cha mẹ học sinh đón nhận với số lượng truy cập không ngừng tăng.

Đồng thời, cô Hương nhận thấy ở trên lớp cũng như các hoạt động vận dụng kiến thức trong thực tiễn, học sinh đã chăm chú nghe giảng, tích cực suy nghĩ, hăng hái phát biểu xây dựng bài, thực hiện đầy đủ các bài tập được giao một cách vui vẻ, tự nguyện, thích thú. Nhờ đó, học sinh đã có vốn từ phong phú nên viết được nhiều câu văn hay và có hình ảnh sinh động.

 Với thế mạnh về công nghệ thông tin, cô Hương đã mang lại hứng thú cho học sinh qua các bài học.

Với thế mạnh về công nghệ thông tin, cô Hương đã mang lại hứng thú cho học sinh qua các bài học.

 Sự sáng tạo, đổi mới của cô giúp học sinh có cơ hội được phát huy năng lực riêng của bản thân.

Sự sáng tạo, đổi mới của cô giúp học sinh có cơ hội được phát huy năng lực riêng của bản thân.

Cuối năm học, cô Hương đã thực hiện lại việc khảo sát học sinh với kết quả: Tỉ lệ học sinh thích và hăng hái phát biểu trong các giờ học môn Tiếng Việt đạt 79,5%, tăng 36,3% so với đầu năm học. Tỉ lệ học sinh hoàn thành tốt tăng từ 56,8% lên 93,2%. Điều đó khẳng định hiệu quả của những đổi mới, sáng tạo về phương pháp dạy học mà cô Hương đã áp dụng.

Cô Hương chia sẻ, trong tương sẽ chuyển đổi trang web học tập này thành một ứng dụng có thể dùng trên thiết bị di động nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm cho người học. Học sinh có thể học ngay cả khi không có kết nối Internet, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập ở mọi lúc, mọi nơi.

 Cô Hương nhận giải Nhất trong hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố Hà Nội năm học 2023-2024.

Cô Hương nhận giải Nhất trong hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố Hà Nội năm học 2023-2024.

 Cô Hương nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024.

Cô Hương nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024.

Ngoài ra, cô dự kiến nghiên cứu hai bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo để đưa vào thiết kế câu hỏi, phổ biến với nhiều đối tượng học sinh hơn. Những định hướng này sẽ góp phần không nhỏ vào việc tạo hứng thú và nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng và linh hoạt hơn.

Nhà giáo Nguyễn Thị Thương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Liệt chia sẻ, cô Hà Linh Hương là một giáo viên trẻ, có chuyên môn tốt, nghiệp vụ vững vàng, rất tâm huyết với nghề. Sự sáng tạo, đổi mới của cô giúp học sinh có cơ hội được phát huy năng lực riêng của bản thân, tiết học diễn ra nhẹ nhàng nhưng vẫn đạt hiệu quả cao.

Với những sáng tạo của mình, cô Hà Linh Hương vinh dự được nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 8 năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD-ĐT Thủ đô. Trước đó, cô Hương đã giành giải Nhất trong hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố Hà Nội năm học 2023-2024.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-sieu-cong-nghe-giup-hoc-sinh-khong-con-ngai-hoc-mon-tieng-viet-post709432.html