Xúc động ký ức ngôi trường từng chỉ có duy nhất 1 lớp

Thành lập tháng 8/1964, Trường Cấp 2 xã Tiêu Sơn đóng ở chân núi Nghè (Đoan Hùng, Phú Thọ) chỉ có duy nhất 1 lớp. Nhiều học sinh của trường đã mãi nằm lại chiến trường, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước.

Trong dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024) và 60 năm ngày thành lập Trường, Trường THCS Tiêu Sơn (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) cùng 5 thầy cô giáo đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì có những thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường. Tuy nhiên, để có được ngôi trường như ngày hôm nay, là cả một hành trình dài với những năm tháng “vất vả đau thương” mà “tươi thắm vô ngần” cùng lịch sử dân tộc.

 Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc, tặng lẵng hoa tươi thắm chúc mừng thầy và trò nhà trường trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường và mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Thu Hà.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT trao Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc, tặng lẵng hoa tươi thắm chúc mừng thầy và trò nhà trường trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường và mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Thu Hà.

Tình thầy trò là hành trang theo suốt cuộc đời

Trường THCS Tiêu Sơn được thành lập tháng 8/1964 với tên gọi là trường Cấp 2 xã Tiêu Sơn gồm học sinh của xã Tiêu Sơn, Minh Tiến và Vân Đồn.

 Các em học sinh Trường THCS Tiêu Sơn xếp hình bản đồ Việt Nam trong lễ khai giảng năm học mới 2014. Ảnh: Báo Phú Thọ.

Các em học sinh Trường THCS Tiêu Sơn xếp hình bản đồ Việt Nam trong lễ khai giảng năm học mới 2014. Ảnh: Báo Phú Thọ.

Trường đóng ở chân núi Nghè xóm Đầm Bục thôn Vân Mộng (nay là Khu 7) xã Tiêu Sơn huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ. Khi thành lập trường chỉ vỏn vẹn có 5 giáo viên, với 1 lớp và 18 học sinh. Toàn bộ cơ sở vật chất của nhà trường, các phòng, lớp học đều là tranh tre, nứa lá.

Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, Nhà trường thực hiện nhiệm vụ dạy và học trong điều kiện hết sức khó khăn dạy trong lán trại, dạy dưới hào… Đến năm 1969, trường được lệnh dời xóm Bài Lang về địa điểm trường đóng ngày hôm nay.

Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống trong ngày trở lại dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường, đại tá Lương Văn Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ không giấu được niềm xúc động.

“Tôi học khóa 7 của trường, năm 1973-1974 là giai đoạn hết sức hào hùng của dân tộc. Những năm đó, cả nước chi viện cho tiền tuyến, nhiều bạn cùng lớp, cùng trường chúng tôi đã nhập ngũ lên đường ra trận, có những người mãi mãi không trở về”, đại tá Lương Văn Sơn xúc động.

 Đại tá Lương Văn Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ trở lại thăm ngôi trường xưa với thật nhiều cảm xúc với ký ức những năm tháng không thể nào quên. Ảnh: Mai Loan.

Đại tá Lương Văn Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ trở lại thăm ngôi trường xưa với thật nhiều cảm xúc với ký ức những năm tháng không thể nào quên. Ảnh: Mai Loan.

Đại tá Lương Văn Sơn không thể quên những ngày cả trường cùng đất nước trong không khí chờ đợi ngày chiến thắng. “Lúc đó nhà trường có một tấm bảng tin chiến thắng dựng ở sân trường, trên đó vẽ nửa bản đồ ở phía Nam. Khi quân giải phóng của mình tiến quân đến đâu, thì có một lá cờ cắm lên tới đó. Có ngày 1 tỉnh, có ngày 2 ba tỉnh. Cứ đến giờ giải lao, học sinh lại ùa ra theo dõi, reo hò.

Lúc đó, phương tiện truyền thông còn chậm. Đêm 30/4/1975, mới biết chúng ta đã hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay đêm đó, xã tổ chức mít tinh, các thôn trong xã thắp đuốc bằng tre nứa reo hò. Sáng hôm sau, cả trường hừng hực không khí chiến thắng. Kỳ thi tốt nghiệp năm đó của chúng tôi cũng diễn ra trong không khí chiến thắng”, đại tá Sơn bồi hồi nhớ lại.

Những năm tháng thiếu thốn, khó khăn, gian khổ, nhưng trong ký ức của đại tá Lương Văn Sơn cũng là những năm tháng đẹp nhất với tình thầy cô và bạn bè.

Lớp học tranh tre, nứa lá được dựng lên bởi bàn tay phụ huynh và thầy trò. Các trò cùng thầy cô trộn bùn, trát tường lớp học, rồi tự đóng bàn ghế. Những ghế ngồi được ghép lại bằng những thanh gỗ gác ngang. Xung quanh trường, các trò trồng cây rợp bóng, từ tre, mai, xoan… Khi xây dựng trường, nhiều nguyên liệu cũng được lấy từ cây các trò trồng.

 Những học sinh của ngôi trường khang trang hiện tại trong ngày lễ. Ảnh: Mai Loan.

Những học sinh của ngôi trường khang trang hiện tại trong ngày lễ. Ảnh: Mai Loan.

“Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ và thi thoảng mở bài hát “hàng cây xinh xinh chúng em trồng”, rồi “hạt gạo làng ta, có công các bạn, sớm nào chống hạn, vục mẻ miệng gàu, trưa nào bắt sâu, lúa cao rát mặt, chiều nào gánh phân, quang trành quết đất”… Hay bài hát “Tiễn thầy đi bộ đội” được nghe trong buổi lễ hôm nay, tôi xúc động vô cùng, cảm thấy thời gian như quay trở lại, thầy ra trận, trò cũng ra trận…”, đại tá Lương Văn Sơn chia sẻ.

Đặc biệt, tình cảm thầy trò luôn là ký ức khiến đại tá Sơn rưng rưng khi nhớ lại. Cuộc sống của thầy cô khi đó vất vả vô cùng. Cả hai vợ chồng thầy cô đôi khi chỉ có một gian nhà tranh tre nứa lá. Tiêu chuẩn 13 kg lương thực thì quá nửa là sắn, hạt bo bo. Giấy soạn bài đôi khi không có, phải soạn bài trên cả loại giấy vẫn còn cả vụn nứa sót lại. Thế nhưng, các thầy cô vẫn lên lớp, say mê giảng bài, yêu thương các trò.

Mỗi khi có học sinh ốm đau, thầy cô đến tận nhà thăm hỏi, dạy bù cho các em. Ngày nào các thầy cô cũng đun siêu nước để đầu nhà tập thể, để học sinh không phải uống nước lã ở giếng chung của trường. Những ngày nghỉ, thầy cô lại đạp xe đến các xóm thăm học sinh, kiểm tra học sinh học tập.

“Tất cả những kỷ niệm đẹp đó đã đi cùng chúng tôi suốt những năm tháng cuộc đời sau này, trên mọi bước đường công tác suốt chiều dài đất nước”, đại tá Lương Văn Sơn xúc động.

Hạnh phúc nhất chính là lòng yêu nghề, yêu trẻ

Thầy giáo Phùng Văn Long, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Tiêu Sơn cũng bày tỏ niềm xúc động khi nhắc tới ngôi trường ông có hơn 10 năm là hiệu trưởng. Ông Long làm Hiệu trưởng nhà trường từ năm học 1983-1984 cho đến năm học 1992-1993. Lúc đó, trường có tên là PTCS, bao gồm 3 cấp, cả mầm non, tiểu học và cấp 2.

 Thầy giáo Phùng Văn Long, nguyên Hiệu trưởng và vợ, cô giáo dạy Văn Lê Thị Lan. Cả hai thầy cô đã gắn bó với ngôi trường từ những năm tháng gian khó nhất. Ảnh: Mai Loan.

Thầy giáo Phùng Văn Long, nguyên Hiệu trưởng và vợ, cô giáo dạy Văn Lê Thị Lan. Cả hai thầy cô đã gắn bó với ngôi trường từ những năm tháng gian khó nhất. Ảnh: Mai Loan.

“Khi tôi về làm Hiệu trưởng, Trường nằm trên một bãi đất gồ ghề, nắng thì bụi, mưa thì lầy. Lớp học toàn bộ là tre lá, thấp, dột. Đời sống giáo viên thiếu thốn, gạo chỉ có 2,5kg, còn lại hơn 10kg là sắn, ngô, hạt bo bo. Mỗi thầy cô cũng chỉ có 2 bộ quần áo vá…”, ông Phùng Văn Long nhớ lại.

 Những cô giáo đã gắn bó với ngôi trường từ những ngày cơ sở vật chất chỉ toàn tranh tre, nứa lá nhưng tình thầy trò luôn ấm áp. Ảnh: Mai Loan.

Những cô giáo đã gắn bó với ngôi trường từ những ngày cơ sở vật chất chỉ toàn tranh tre, nứa lá nhưng tình thầy trò luôn ấm áp. Ảnh: Mai Loan.

Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ đó, các thầy vẫn cố gắng tập trung cho giảng dạy, thực hiện tốt phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; thi giáo viên giỏi; tổ chức nhiều hoạt động như làm báo tường, thi vở sạch chữ đẹp, cắm trại… Nhờ vậy, trường đã nhiều lần đoạt danh hiệu trường tiên tiến, học sinh và giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh…

“Vượt qua lên được những khó khăn, chính là lòng yêu nghề. Nhìn lại chặng đường đã qua, điều khiến tôi hạnh phúc nhất khi làm nghề giáo đó chính là lòng yêu nghề, quý trẻ, trong tim luôn cháy sáng tình yêu đối với học trò”, ông Phùng Văn Long chia sẻ.

Mới quý độc giả xem video: Tiết mục văn nghệ "Tiễn thầy đi bộ đội" của học sinh Trường THCS Tiêu Sơn (Đoan Hùng, Phú Thọ) gợi nhắc lại ký ức khiến nhiều người xúc động. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/xuc-dong-ky-uc-ngoi-truong-tung-chi-co-duy-nhat-1-lop-2054663.html