Cô giáo tận tâm với tấm lòng yêu thương con trẻ
Cô giáo Nguyễn Quốc Thư Trâm, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đã có những sáng kiến tạo sức lan tỏa, tác động tích cực đến công tác dạy và học của trường và ngành giáo dục thành phố.
Sự tận tâm, hết lòng vì học trò của cô giáo Trâm đã và đang mang lại nhiều hơn tiếng cười, tình yêu thương đến mỗi tâm hồn con trẻ. Hiện, tại trường Mầm non Bình Minh có nhiều trẻ khuyết tật tăng động, giảm tập trung đang theo học. Cô giáo Thư Trâm là một trong 140 cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015- 2020 của thành phố Đà Nẵng.
Cô Trâm được biết đến với vai trò là một giáo viên, hiệu trưởng luôn có nhiều sáng tạo, sáng kiến trong việc nuôi dạy trẻ. Trong đó, phải kể đến sáng kiến “Một số đồ chơi phục vụ trẻ khuyết tật học hòa nhập trong trường mầm non” đoạt giải nhất cấp thành phố và giải khuyến khích cấp quốc gia về Sáng kiến kỹ thuật năm 2016.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm cho biết, hiện nay, đồ dùng, đồ chơi giúp trẻ phát triển, giảm các tật cho trẻ khuyết tật gần như không bán trên thị trường, nếu có thì giá rất đắt đỏ. Từ đây, cô đã nghĩ đến việc tận dụng vật liệu bằng tre để tạo ra các đồ chơi, vừa an toàn cho trẻ, vừa thân thiện với môi trường. Cô Trâm đã chế tác ra những chiếc thuyền, ống hộp đựng bút bằng tre đủ màu sắc hấp dẫn…giúp trẻ khuyết tật hòa nhập tại trường rất hiệu quả.
Cô giáo Thư Trâm luôn tìm tòi nghiên cứu và mạnh dạn thay đổi các hình thức giảng dạy truyền thống, thụ động bằng phương pháp đang thực hiện thành công ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến để áp dụng vào nhà trường. Cô Thư Trâm và đội ngũ giáo viên trong trường tạo những trò chơi phù hợp với từng lứa tuổi, qua đó, nuôi dưỡng lòng nhân ái trong trẻ, giúp trẻ hứng thú, tự tin và tự lập hơn.
“Chúng tôi đã có nhiều đổi mới nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục để dạy cho các con, giúp cho trẻ hình thành nhiều kỹ năng. Người giáo viên mầm non phải có tâm phải yêu trẻ như con mình. Đối với những trẻ khuyết tật học hòa nhập tại trường, chúng tôi đặc biệt quan tâm có những giờ học tiếp cận cá nhân. Nhà trường chú trọng việc tạo điều kiện để cho giáo viên tham gia những lớp học dạy trẻ khuyết tật, đem kiến thức đó áp dụng vào hàng ngày trong việc dạy trẻ tại trường”, cô Trâm nói.
Để hạn chế ô nhiễm môi trường, cô Thư Trâm còn triển khai tận dụng rác thải điện tử và một số nguyên liệu phế thải phục vụ hoạt động giáo dục trong trường mầm non. Đến nay, những đồ chơi tự chế này vẫn được sử dụng vào các hoạt động dạy tiếp cận, giúp trẻ khuyết tật hòa nhập tại trường rất hiệu quả.
Cô giáo Lê Phan Quỳnh Chi, trường Mầm non Bình Minh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng bày tỏ: “Đối với trẻ khuyết tật, quan trọng nhất là cái tâm của mình. Chăm sóc và dạy trẻ khuyết tật rất khó. May mắn nhất là được cô Trâm hiệu trưởng nhà trường luôn tạo điều kiện để tôi đi học nâng cao trình độ chuyên môn, giúp cho các con khuyết tật hòa nhập môi trường của mình”.
Những trẻ khuyết tật, tự kỷ, khi vào lớp chỉ ngồi một chỗ, không giao tiếp với bạn bè, nhưng với sự nhẫn nại của các cô giáo cùng sự hấp dẫn của đồ chơi tự chế đã khuyến khích trẻ tham gia vận động, sáng tạo, dần dần tự đi, tự chơi và hòa đồng hơn với tập thể.
“Con tôi 5 tuổi hơi chậm nói, bé chưa tự tin trong giao tiếp mà khi gửi vào trường Mầm non Bình Minh tôi rất yên tâm, vì các cô rất quan tâm phối hợp với phụ huynh để chăm sóc cháu”, chị Hoàng Thanh Hà, gửi con tại trường Mầm Non Bình Minh cho hay.
Năm học 2018- 2019, trường Mầm non Bình Minh được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn làm đơn vị thí điểm cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán 63 tỉnh, thành về giao lưu học tập; hơn 20 đơn vị, trường học trong cả nước về tham quan các mô hình dạy học lấy trẻ làm trung tâm./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/co-giao-tan-tam-voi-tam-long-yeu-thuong-con-tre-823419.vov