Cô giáo tiếng Anh khuyên trò tránh 'sửa tới sửa lui' đáp án khi thi TN THPT

Nhiều thí sinh ở Cà Mau, Bạc Liêu, nhất là thí sinh vùng sâu, xa bày tỏ lo lắng khi đối mặt với môn thi Tiếng Anh vào chiều 28/6.

Em Ngô Tường Duy, học sinh Trường THPT Giá Rai (Bạc Liêu) chia sẻ, trong các môn thi em lo lắng nhất là môn Tiếng Anh bởi em học hơi yếu môn này. Trong kỳ thi thử vừa qua, em cũng chỉ làm được khoảng 50% các câu hỏi.

“Hy vọng đề thi Tiếng Anh chiều nay “dễ thở” để tụi em có thể làm bài tốt. Em cố gắng hết mình để môn Tiếng Anh đạt điểm trên trung bình”, Tường Duy kỳ vọng.

Học cùng trường với Tường Duy, Ngô Hoàng Khang cũng tỏ ra khá lo lắng khi đối mặt môn thi không phải sở trường.

“Biết được điểm yếu của mình nên thời gian qua em tập trung dành thời gian, ôn luyện nhiều cho môn Tiếng Anh. Em thường tham khảo ma trận và đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh của năm trước, rèn luyện các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng đọc. Hy vọng em sẽ đạt khoảng điểm 6 môn này”, Hoàng Khang chia sẻ.

Nhiều học sinh Trường THPT Giá Rai (TX. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) lo lắng trước môn thi Tiếng Anh.

Nhiều học sinh Trường THPT Giá Rai (TX. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) lo lắng trước môn thi Tiếng Anh.

Đối với học sinh vùng sâu, xa của tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau việc học Tiếng Anh thời gian qua có nhiều khó khăn nên hầu hết các em đều ngán ngại đối với môn này.

“Ở huyện Ngọc Hiển ít có những trung tâm đào tạo ngoại ngữ nên em không được bồi dưỡng thêm.

Mặc khác nhà xa, đi lại khó khăn nên chúng em cũng không thể thường xuyên ôn tập nhóm hay nhờ giáo viên bộ môn hướng dẫn ngoài giờ lên lớp. Trong trường em ít có học sinh giỏi Tiếng Anh”, Nguyễn Minh Thuận, học sinh lớp 12C3, Trường THPT Viên An (huyện Ngọc Hiển) nói.

Trong các lần thi thử nhiều học sinh ở Cà Mau, Bạc Liêu có điểm thi môn Tiếng Anh đạt thấp.

Trong các lần thi thử nhiều học sinh ở Cà Mau, Bạc Liêu có điểm thi môn Tiếng Anh đạt thấp.

Để đạt được kết quả tốt ở môn thi này, cô Nguyễn thị Mỹ Dung, Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh, Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) lưu ý thí sinh cần trang bị cho mình những kiến thức trọng tâm được rút ra từ đề tham khảo năm 2024 của Bộ GD&ĐT.

Tập trung rèn luyện các kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm làm bài cho từng phần như kỹ năng làm các dạng câu hỏi của bài đọc hiểu; tìm từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa; nhận diện lỗi sai; cách chọn câu có nghĩa tương đương...

“Trong lúc làm bài, câu nào cần suy nghĩ thêm thì các em đánh dấu lại, nếu dư thời gian sẽ quay lại những câu hỏi đó, còn những câu khác chỉ cần kiểm tra lại là đã tô đúng đáp án trên phiếu trả lời trắc nghiệm.

Quan trọng hơn hết, các em cần phải thật bình tĩnh, tự tin, tinh thần luôn sáng suốt, minh mẫn để đưa ra được sự lựa chọn đúng đắn, tránh bị sao lãng, phân tâm trong lúc làm bài, sửa tới sửa lui đáp án”, cô Dung lưu ý.

Quách Mến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-tieng-anh-khuyen-tro-tranh-sua-toi-sua-lui-dap-an-khi-thi-tn-thpt-post689514.html