Cô giáo trực đêm

Nói đến trực đêm, ít người nghĩ đó là công việc của giáo viên. Nhưng với các giáo viên trường nội trú, đây là công việc thường xuyên, bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy hàng ngày; giúp cho học sinh có giấc ngủ yên, sức khỏe tốt, thực hiện ước mơ chinh phục tri thức mà gia đình, làng bản gửi gắm.

Coi trường là nhà

Gắn bó với mái trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh đến nay đã được hơn 17 năm, cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương vốn đã quen với những ca trực đêm. Mỗi ca trực thường bắt đầu từ 7 giờ đến 10 rưỡi đêm, đối với giáo viên nữ là hết sức vất vả khi vừa phải quản lý, quán xuyến chuyện học, chuyện chơi của học sinh khi màn đêm buông xuống. Cô Phương phải thường xuyên đi “tuần” quanh các dãy nhà ở nội trú của học sinh để nhắc nhở các em ôn bài, vệ sinh nơi ở cho ngăn nắp, sạch sẽ; có những khi phải xắn tay vào làm mẫu để giáo dục các em thói quen tự lập. Cô Phương bảo, bây giờ cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư khang trang, có lắp đặt các thiết bị giám sát nên việc trực đêm đỡ vất hơn nhiều, chứ hồi trước trường còn ở cơ sở cũ trên Trung Môn (Yên Sơn) thì mỗi lần trực đêm rất lo lắng. Nhà cô ở dưới thành phố nên khi hoàn thành ca trực về (khoảng hơn 22 giờ đêm) là phải đi qua quãng đường dài, có những đoạn vắng vẻ mà đi qua không dám ngoái đầu lại. Giờ nghĩ lại thấy đúng là chỉ có tình yêu với học trò mới tạo động lực giúp cô vượt qua những gian nan trong giai đoạn mới bước vào nghề.

Chuyện trực đêm đã trở nên quá quen thuộc đối với cô giáo Nguyễn Thị Hằng, dạy môn Tiếng Anh, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Sơn. Chồng và các con cô cũng đã quen với việc vợ, mẹ vắng nhà cả ngày, cả đêm. Đôi khi thấy có lỗi với các con khi thiếu sự chăm sóc thường xuyên của người mẹ, nhưng bù đắp lại, những ngày được nghỉ ngơi cô dành tình cảm cho các con gấp nhiều lần để cùng chồng bảo ban, dạy dỗ các con. Chính vì thế, cả 2 con của cô đều chăm ngoan học giỏi. Cô Hằng chia sẻ, học sinh nội trú hầu hết đều rất chăm ngoan. Nhưng cũng có những cô cậu trái tính, trái nết, nghịch ngợm. Chẳng hạn, có lần trực cô bắt gặp trường hợp học sinh định trốn ra ngoài đi chơi game và cô đã kịp thời ngăn chặn. Những lúc ấy, vừa phải nhẹ nhàng khuyên nhủ, vừa dạy dỗ các em. Hay, nhiều học sinh mới đến trường nhớ gia đình càng phải gần gũi động viên để các em sớm làm quen với môi trường học tập mới.

Công việc trực đêm tuy vất vả nhưng được chăm sóc, gắn bó với những học sinh dân tộc thiểu số, được các em coi như là “người cha, người mẹ thứ 2” và chứng kiến các em trưởng thành từng ngày chính là “món quà” mà mỗi thầy, cô giáo nhận được. Cô giáo Hà Thị Ly Thùy, dạy môn Tiếng Anh, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Lâm Bình nói, cô từ thành phố lên công tác và ở nhà công vụ của trường nên hầu như 24/24 giờ cô ở trường. Đối với cô, trường cũng chính là nhà, học sinh như là con trong gia đình. Để từ đó cô luôn dõi theo từng bước tiến bộ của các em, uốn nắn những tư tưởng hay những hành động lệch lạc của học sinh. Từ đó xây dựng môi trường ký túc xá đoàn kết, yêu thương.

Giáo viên trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh hướng dẫn học sinh học bài buổi tối tại khu ký túc xá của nhà trường.

Giáo viên trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh hướng dẫn học sinh học bài buổi tối tại khu ký túc xá của nhà trường.

Coi học trò như con

Thầy giáo Quân Văn Thịnh, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Sơn tâm sự, do Ban Giám hiệu có 3 người nên lịch trực đêm trong tháng khá dày. Trực nhiều thành quen, bởi có cán bộ quản lý trực cùng, mọi tình huống khi phát sinh được xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn, an ninh trong trường học. Có những hôm học sinh đau, ốm phải đi viện ban đêm thì giáo viên phải có mặt kịp thời đưa các em đi chăm sóc, động viên các em, bởi nhiều học sinh gia đình các em ở xa, phải đến sáng hôm sau cha mẹ các em mới đến được.

Trường hợp em Bàn Thu Quỳnh, dân tộc Dao, lớp 8B cách đây không lâu có dấu hiệu đau bụng dữ dội được cán bộ y tế trường chẩn đoán bị dính ruột sau mổ ruột thừa. Ngay lập tức, các thầy cô giáo đã thuê xe đưa em xuống Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang. Học sinh trong phòng cấp cứu, các thầy cô ở ngoài đứng ngồi không yên, “ê kíp” trực đêm thức trắng lo lắng, chăm sóc cho học sinh. Khi thấy học sinh dần bình phục các thầy cô mới thở phào nhẹ nhõm. Em Quỳnh nhớ lại, hôm ấy em thấy đau quặn bụng chỉ nghĩ là đau bụng bình thường, nhưng cơn đau mỗi lúc một tăng. Cô giáo thấy mặt em nhăn nhó mới gặng hỏi và đưa em đi viện sớm để chữa bệnh. Mỗi lần chúng em tắt điện vẫn thấy bóng thầy, cô đi trực, ai cũng yên tâm bởi mỗi miếng ăn, giấc ngủ của chúng em đều được các thầy cô chăm sóc tận tình, chu đáo.

Khi màn đêm buông xuống, các sinh hoạt của học sinh nội trú gói gọn trong việc ôn tập bài cũ, giải lao, vui chơi và sinh hoạt cá nhân. Thế nhưng để tạo môi trường tập thể an toàn, lành mạnh và hiệu quả là điều không dễ chút nào. Mỗi học sinh một tính nết, mỗi dân tộc một nét văn hóa khác nhau, có em nhút nhát, có em cởi mở, cục tính… Chính vì thế việc trực đêm của mỗi thầy, cô giáo không đơn thuần là canh giấc ngủ mà như là những ông bố, bà mẹ đảm đang, sẵn sàng xử lý tốt mọi tình huống phát sinh. Em Lương Thị Phương Anh, lớp 9B, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Na Hang bày tỏ, có những bạn xích mích với nhau, các thầy, cô có mặt kịp thời để khuyên răn. Khi các bạn có hành vi chưa đúng, các thầy cô nhắc nhở; trước khi đi ngủ các thầy, cô thường đến từng phòng kiểm tra sỹ số học sinh, những bài khó chưa hiểu chúng em hỏi các thầy cô cũng không ngần ngại bảo ban thêm. Mai này khi xa trường, chúng em sẽ nhớ mãi về “mái nhà” chung này với những “người cha, người mẹ” thứ 2 của mình.

Quản lý tốt, học sinh ngoan

Để đảm bảo công tác an ninh, trật tự trong trường học, nhất là ban đêm, các trường nội trú đã thực hiện nghiêm việc phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện trực thường xuyên. Cùng với đó, lắp đặt thêm các trang thiết bị giám sát an ninh ở những khu vực như: Ký túc xá, cổng, tường rào, đảm bảo giám sát học sinh và bảo vệ an toàn trường học. Cô giáo Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh cho biết, để nâng cao công tác an toàn và đảm bảo an ninh trường học, ngoài lực lượng bảo vệ, trường còn duy trì hoạt động của tổ quản sinh là các cán bộ, giáo viên nhà trường, thành lập đội tự quản là học sinh các lớp. Nhà trường cũng lắp đặt thêm các camera an ninh, hệ thống loa thông báo để nâng cao chất lượng quản lý học sinh nhà trường. Việc trực đêm được phân công duy trì đều đặn, do vậy trong suốt thời gian qua ký túc xá nhà trường không xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự, tạo môi trường yên tĩnh để học sinh học tập và nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày mới đầy năng lượng.

Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trong đó có 5 trường PTDTNT THCS, 1 trường PTDTNT liên cấp THCS và THPT, 1 trường PTDTNT THPT tỉnh với hơn 2.400 học sinh. Trong những năm gần đây, việc đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến rõ nét. Công tác tuyển sinh đầu vào đúng quy chế, chặt chẽ, lựa chọn được nhiều học sinh có năng lực, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau này. Các cán bộ, giáo viên giỏi, tâm huyết được ngành điều chuyển về ưu tiên dạy ở trường nội trú. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, hàng năm chất lượng dạy và học của các trường nội trú đều nằm trong tốp dẫn đầu các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp ngày càng tăng.

Có được những kết quả trên là nhờ sự đổi mới tích cực của các trường nội trú trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó mỗi cán bộ, giáo viên không chỉ dạy các em kiến thức, mà còn là người cha, người mẹ giáo dục các em để các em hoàn thiện nhân cách. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn.

Ghi chép: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/co-giao-truc-dem-134520.html