Giữ lửa từ cộng đồng giáo viên đổi mới - sáng tạo
Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã hình thành cộng đồng giáo viên dạy học tích cực với nhiều tên gọi khác nhau.
Người thầy không chỉ đóng vai trò truyền đạt kiến thức, mà còn truyền cảm hứng, nhiệt huyết, tình yêu tới học trò. Trường học hạnh phúc, vì vậy, được xây dựng một cách bền vững, bắt đầu từ những giáo viên hạnh phúc.
Thay đổi để dạy học hạnh phúc
Cô Nguyễn Thị Phương - giáo viên chủ nhiệm lớp 2A1, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Bảo Lộc, Lâm Đồng) dí dỏm cho biết: “Vì mặc định mình là người lớn tuổi nên tôi chưa bao giờ có ý định ‘vượt rào’.
Nhưng từ khi tham gia khóa học Người truyền lửa, tôi phát hiện ra rào cản của mình không phải những bức tường xây bằng vôi, gạch kia… mà đó là rào cản từ chính bản thân mình đặt ra”.
Đều đặn trong suốt 3 tháng hè, mỗi tuần từ 3 - 4 buổi, cô Phương cùng với một nhóm giáo viên đến từ nhiều vùng miền tham gia khóa học trực tuyến từ lúc 4 giờ 30 phút về dạy học tích cực.
Đúng như tên gọi Người truyền lửa, nữ giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi chia sẻ rằng, khóa học đã giúp cô thắp lên ngọn lửa yêu nghề; để vẫn thấy mới mẻ, nhiệt huyết như thuở mới vào nghề.
“Với mình bây giờ, mỗi ngày đến lớp đều là một ngày vui. Khóa học giúp mình biết cân bằng cảm xúc, tìm vui trong cả lúc đang buồn. Áp dụng những phương pháp dạy học tích cực, mình nhìn thấy nhiều hơn những khuôn mặt rạng rỡ, nghe được nhiều hơn những tiếng cười sảng khoái.
Những cái ngáp ngủ dài thườn thượt, gương mặt buồn chán đã không còn, thay vào đó là tiếng vỗ tay, bước chân nhún nhảy, là sự vui vẻ khi thay đổi trạng thái, sự kết nhóm đa dạng của các bé” – cô Phương kể.
Cô Nguyễn Thị Lộc - Trường THCS Thanh Ba (Thanh Hà, Phú Thọ) kể rằng mình đến với nghề giáo trong tâm thế bị áp đặt. “Trước kia, nếu tôi đồng ý học Khoa Cao đẳng Sư phạm Toán, Trường Đại học Thái Nguyên thì qua năm sau, tôi sẽ được thi lại Trường Đại học Mỏ - Địa chất và Đại học Bưu chính mà tôi yêu thích.
Một lần dạy thử tại một trung tâm gia sư, sau đó là giai đoạn đi kiến tập, thực tập… tôi đã cảm nhận được niềm vui trong ánh mắt sáng ngời của học sinh khi hiểu bài, được nghe cô chia sẻ về các ứng dụng thực tế của toán học…
Đó là khoảnh khắc đầu tiên tôi bắt đầu cảm nhận được sự kỳ diệu của nghề giáo và nhen nhóm chút tò mò thích thú với nghề, và cũng là thời điểm sự thôi thúc ôn thi lại các trường đại học tôi yêu thích bị loại bỏ dần ra khỏi tiềm thức”.
Những năm đầu theo nghề sư phạm, cô Lộc gặp không ít khó khăn và thử thách. Cô bỡ ngỡ, lo lắng trước con đường gần trăm cây số đi nhận quyết định tại một trường đặc biệt khó khăn miền núi của Phú Thọ.
“Con đường đến trường hình chữ S, một bên vách núi một bên bờ vực. Lớp học với những học sinh mặt mũi nhem nhuốc. Tôi nhiều lần cảm thấy mệt mỏi và muốn từ bỏ. Chính sự động viên của các đồng nghiệp, sự cố gắng không ngừng của học sinh đã tiếp thêm cho tôi động lực vượt qua mọi khó khăn”, cô Lộc chia sẻ và thừa nhận rằng, khoảng 15 năm đầu, cô chỉ xem đó là một công việc để mưu sinh chứ khẳng định là vì yêu nghề mà cố gắng giữ nghề trong thời gian này thì chắc là quá ngẫu hứng và ít ỏi.
Năm 2022, trong quá trình tham gia lớp tập huấn tình cờ cô Lộc được một đồng nghiệp giới thiệu và bắt đầu theo dõi khóa học trực tuyến Giáo viên hạnh phúc – kiến tạo tương lai.
“Tôi đã rất tâm đắc khi nghe chia sẻ về sứ mệnh của người thầy, câu chuyện truyền cảm ứng của đồng nghiệp mà thấy thêm tự hào với nghề mình đã chọn, như được quay trở lại những ngày mới đi dạy học”, cô Lộc kể. Rồi cô tự trích tiền lương để đăng ký khóa học Người truyền lửa một cách bài bản.
“Những bài học tại đây đã chạm đến sâu thẳm con tim khối óc của mình với các cung bậc cảm xúc thật sự là vi diệu”, cô Lộc cho biết.
Chương trình dạy học tích cực này có hơn 70 nghìn giáo viên phổ thông đã và đang tham gia. Nhiều người đăng ký tham dự vài ba khóa. Nhưng không có liều thuốc thần kỳ nào cho những giáo viên như cô Phương, cô Lộc, mà chính là sự thay đổi trong nội tại của họ để tự tìm lại được tình yêu nghề, hoặc tự chính bản thân họ thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu nghề đang ủ trong tro nóng.
Học thông qua chơi
Cô Hà Tâm - Trường THCS Phước Hưng (Tuy Phước, Bình Định) đã tham gia nhiều khóa học online về phương pháp dạy học sáng tạo. Những khóa học này giúp cô làm chủ công cụ để tạo ra nhiều trò chơi hấp dẫn sử dụng trên lớp cho học sinh học thông qua các trò chơi theo nhóm hay cá nhân.
Các bài học môn Khoa học tự nhiên không còn khô cứng, nặng nề khi các em được xem phim hoạt hình, giải mã mật thư, đi tìm mảnh ghép… thậm chí chơi cả trò chơi ca rô ngay trong giờ học, dưới sự hướng dẫn của cô giáo.
Cô Nguyễn Tâm - Trường THPT Thanh Miện 3 (Hải Dương) nhiều lần cảm thấy buồn trước hình ảnh học sinh thờ ơ trong tiết học, chưa thấy được sự hứng thú học tập khi thầy cô giảng bài.
Rồi những câu hỏi đơn điệu trong các giờ học đã được cô Tâm lồng ghép vào các trò chơi khiến học sinh quên cả giờ ra chơi. Bài học từ Ba trạng thái của quả trứng được cô tổ chức cho học sinh trong giờ sinh hoạt lớp đã giúp nhiều em xây dựng lại được động cơ học tập.
Cô cho 3 học sinh xung phong vẽ ba trạng thái của quả trứng: Quả trứng nguyên, đĩa trứng rán, quả trứng nở ra chú gà con. Một số học sinh sẽ nhận xét và nêu ý nghĩa từng bức tranh. Giáo viên nhận xét, chốt ý và định hướng “em lựa chọn mục đích sống là gì, chọn chủ động rèn luyện, bứt phá mọi giới hạn để bắt đầu một hành trình sống có ý nghĩa như chú gà con hay là lựa chọn như đĩa trứng rán hoặc quả trứng hư…”.
Dạy học ứng dụng công nghệ thông tin đã dần trở nên quen thuộc với các lớp học. Nhưng những tiết dạy không có tivi trình chiếu, không có giáo án PowerPoint thì giáo viên phải tổ chức những hoạt động nào để tạo hứng thú, sáng tạo cho học sinh? Cô Nguyễn Thị Kiều Diễm - giáo viên môn Hóa, Trường THPT Chu Văn An (Quảng Ngãi) đã tổ chức nhiều trò chơi để học sinh khắc sâu thêm kiến thức.
“Dạy đến phần ứng dụng, trạng thái tự nhiên của Glucose và ructose trong chương trình Hóa học 12, tôi tổ chức cho học sinh chơi trò đoán chữ. Giáo viên cũng không phải mất thời gian chuẩn bị gì nhiều. Trong giờ giải lao chuyển tiết, tôi nghĩ ra một số từ khóa rồi viết sẵn ra giấy.
Sau đó cho các nhóm cử đại diện mô tả từ khóa bằng hành động, bằng lời nói về từ khóa nhưng không được chứa các từ trong từ khóa, như vậy sẽ phạm quy. Các từ khóa học sinh đoán đúng được liệt kê ra. Kết thúc trò chơi, giáo viên cùng với học sinh chốt lại kiến thức liên quan”, cô Kiều Diễm cho biết.
Học hết chương 1 chương trình Hóa học lớp 12, cô Diễm hỏi cả lớp có thích ăn lẩu băng chuyền không? Học sinh ồ lên thích thú, hỏi thật không cô, cô dẫn đi ăn lẩu băng chuyền ở siêu thị à cô? Thế nhưng, cả lớp đầy bất ngờ khi cô tổ chức trò chơi kiểm tra các kiến thức đã học dưới dạng trò chơi lẩu băng chuyền.
“Học sinh khó có thể trao đổi và nhìn bài của nhau vì chỉ sau 2 phút đồng hồ, khi điện thoại reo là phải chuyển câu hỏi cho bạn ngồi bên cạnh và nhận câu hỏi mới để trả lời”, cô Diễm chia sẻ.
Chỉ mất 7 phút với trò chơi Thông điệp người ngoài hành tinh, cô Mai Thị Thu Hà - Trường THPT Duy Tân (Tam Kỳ, Quảng Nam) đã kết hợp được hoạt động mở đầu và hình thành kiến thức mới về khái niệm amino acid theo kiểu... học sinh thích và giáo viên vẫn đạt được mục đích của mình.
Giáo viên đưa học sinh vào bối cảnh để tổ chức trò chơi “Thông điệp người ngoài hành tinh”. Hai em tìm ra thông điệp nhanh nhất sẽ nhận dấu thưởng. Học sinh sẽ được hướng dẫn xâu chuỗi các từ khóa người ngoài hành tinh để lại để tạo thành một đoạn thông tin có ý nghĩa liên quan đến bài amino acid…
Giữ lửa cho người truyền lửa
Từ mục tiêu “Một triệu giáo viên hạnh phúc” của Chương trình Dạy học tích cực do TS Trần Khánh Ngọc (nguyên giảng viên bộ môn Phương pháp học Sinh học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) sáng lập, đã có nhiều khóa học truyền cảm hứng về tình yêu đối với nghề dạy học.
Người truyền lửa cũng cần tiếp thêm những “ngọn lửa” để duy trì sự nhiệt huyết với nghề nghiệp. Từ đây, nhiều giáo viên ở các địa phương đã lập các nhóm dạy học tích cực từng môn học. Thầy, cô giáo được cập nhật những kỹ năng xã hội và tâm lý để giải quyết các vấn đề phát sinh với học sinh, với chương trình và với cả những kỳ vọng của phụ huynh và xã hội.
Cô Nguyễn Thị Kiều Diễm cho biết: “Giáo viên đứng lớp dạy học nhưng cũng đồng thời không ngừng tự học tập, đổi mới phương pháp, cách tổ chức dạy học để mỗi buổi học, học sinh có thêm nhiều điều thú vị cùng những kiến thức, kỹ năng mới”.
Cô Mai Thị Thu Hà thì cho rằng, việc thiết kế giáo án bao gồm cả ba yếu tố Thân - Tâm - Trí không chỉ giúp tiết học trở nên phong phú và đa dạng hơn, mà còn tạo điều kiện để học sinh phát triển một cách toàn diện về cả mặt thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Điều này phù hợp với các phương pháp giáo dục hiện đại, giúp học sinh không chỉ giỏi về học vấn, mà còn phát triển kỹ năng sống, cảm xúc và sức khỏe tốt, từ đó trở thành những cá nhân cân bằng và thành công trong cuộc sống.
Để triển khai Chương trình GDPT 2018, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã mời giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tập huấn theo hình thức trực tuyến cho giáo viên toàn trường về phương pháp dạy học tích cực.
Cô Nguyễn Ngọc Nhân, giáo viên Ngữ văn cho biết, sau khóa tập huấn, tự bản thân mỗi giáo viên đều có thêm động lực để làm mới tiết dạy của mình. “Qua làm việc nhóm giữa những giáo viên khác tổ chuyên môn, họ mới vỡ ra rằng, ngay trong trường của mình, đã có nhiều đồng nghiệp vẫn ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, áp dụng nhiều phương pháp dạy học mới mẻ, hiện đại.
Giáo viên có thể trao đổi về những tình huống dạy học thực tế với những đồng nghiệp bên cạnh mình mà không phải tìm kiếm trên mạng lưới khắp cả nước”, thầy Hồ Ngọc Hưng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Cô Trần Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vẫn tham gia một số khóa học Dạy học tích cực, các chuyên đề như Giáo viên hạnh phúc…
“Làm công tác quản lý, mình càng phải hiểu sâu hơn để thực hiện tốt tiến trình đổi mới và cũng là để hỗ trợ thêm cho giáo viên trong tổ chức hoạt động giáo dục. Việc đổi mới phương pháp dạy học phải thực sự hiệu quả, học sinh vừa nắm chắc kiến thức nhưng cũng rèn được phẩm chất, năng lực, khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn chứ không chỉ dừng lại những hoạt động mang tính hình thức”.
Từ các khóa học về Dạy học tích cực, chúng tôi đã hình thành nên những nhóm giáo viên trao đổi trực tuyến để chia sẻ cách ứng dụng công nghệ vào trong dạy học, thiết kế, đổi mới các trò chơi, cách lồng thông điệp vào mỗi hoạt động… để tiết học vừa không quá nặng nề nhưng học sinh vẫn nắm được kiến thức mới. Cô Mai Thị Thu Hà (Trường THPT Duy Tân, Tam Kỳ, Quảng Nam)