Cô giáo truyền lửa đam mê khoa học

Tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Oanh - giáo viên môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông (THPT) Trần Nhật Duật, huyện Yên Bình đã truyền lửa đam mê nghiên cứu sáng tạo khoa học cho học sinh, giúp các em thêm yêu môn học, biết ứng dụng kiến thức sách vở vào thực tiễn tạo nên sản phẩm khởi nghiệp từ chính nông sản quê hương mình.

Cô giáo Nguyễn Thị Oanh cùng học sinh Nguyễn Phương Linh giới thiệu sản phẩm tinh dầu bưởi, dầu gội đầu, dầu dưỡng tóc, trà bưởi sấy lạnh cho khách hàng.

Cô giáo Nguyễn Thị Oanh cùng học sinh Nguyễn Phương Linh giới thiệu sản phẩm tinh dầu bưởi, dầu gội đầu, dầu dưỡng tóc, trà bưởi sấy lạnh cho khách hàng.

Đến Trường THPT Trần Nhật Duật tham dự một tiết dạy Sinh học của cô giáo Nguyễn Thị Oanh, chúng tôi cảm nhận được sự đam mê, lòng nhiệt huyết của cô dành cho môn học. Cô luôn chủ động thiết kế các dự án tổ chức giảng dạy theo phương pháp giáo dục mới, trực tiếp dẫn các em đi thực tế rồi lại lên phương án, kế hoạch chi tiết để học sinh làm các sản phẩm gần gũi với đời sống như tinh dầu bưởi, trà tía tô... Đó là một trong những ví dụ của tiết học nội dung khởi nghiệp mà cô Oanh đã tạo sự hào hứng tham gia của học sinh.

Cô Oanh chia sẻ: "Tiết học nội dung khởi nghiệp của tôi dạy cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, được triển khai linh hoạt ở các giờ sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa tạo cơ hội cho các em tìm hiểu thực tế, nói lên quan điểm, ý tưởng của bản thân. Qua đó, khơi dậy niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu sản phẩm khoa học kỹ thuật (KHKT) và xây dựng hướng khởi nghiệp mà các em có thể lựa chọn”.

Ý tưởng dạy khởi nghiệp cho học sinh của cô Oanh bắt đầu từ năm 2020, sau khi cô biết đến Đề án 1665 về "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh các tiết dạy, cô còn đứng ra tổ chức dự án nghiên cứu, khởi nghiệp cho học sinh. Các nhóm học sinh được truyền cảm hứng khởi nghiệp sẽ cùng cô đến các vùng nguyên liệu trực tiếp lựa chọn nguyên liệu mẫu và tham gia việc nghiên cứu công thức, quy trình và thực hiện các khâu tạo ra sản phẩm. Quá trình thực hiện cũng giúp các em cũng làm quen với việc tính toán vấn đề tài chính, phương án kinh doanh, quảng bá, tiếp thị sản phẩm.

4 năm qua, nhiều sản phẩm dự án nghiên cứu KHKT, ý tưởng khởi nghiệp của nhóm học sinh do cô Oanh hướng dẫn đã đoạt nhiều giải cao như: Cuộc thi ý tưởng, dự án Thanh niên khởi nghiệp tỉnh, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh. Đáng chú ý là các sản phẩm đạt giải đều được chiết xuất, chế biến từ các sản vật đặc trưng của quê hương Yên Bái như: sữa thực vật được làm từ hạt ngô nếp tím nảy mầm của đồng bào Mông Mù Cang Chải, các sản phẩm trà, dầu gội, tinh dầu ủ tóc... làm từ quả bưởi Đại Minh.

Niềm say mê tìm tòi, nghiên cứu KHKT của cô giáo Nguyễn Thị Oanh đã truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò, biến các dự án KHKT, ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực. Đó là các sản phẩm tinh dầu bưởi, dầu gội đầu, dầu dưỡng tóc, trà bưởi sấy lạnh, mứt vỏ bưởi được làm từ quả bưởi Đại Minh của nhóm tác giả Nguyễn Phương Linh và Trần Nhật Dũng được đánh giá có tính ứng dụng cao, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, chất lượng. Sản phẩm đã xuất sắc giành giải Nhì Cuộc thi ý tưởng, dự án Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2023.

Em Nguyễn Phương Linh chia sẻ: " Từ khi thực hiện Dự án khởi nghiệp "Hương Đại Minh” và được cô Oanh hướng dẫn, em thấy rằng việc khởi nghiệp có thể xuất phát từ những thứ gần gũi xung quanh mình. Đồng thời, cô Oanh cũng động viên, giúp đỡ chúng em nỗ lực hoàn thiện dự án, tạo ra sản phẩm hữu ích, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Không chỉ truyền lửa đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học cho học sinh, cô Oanh còn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy qua việc thiết kế bài học theo chủ đề STEM kèm theo các yêu cầu cụ thể với học sinh. Các em phải chủ động nghiên cứu kiến thức có liên quan tới vấn đề thực tiễn mà bài học đặt ra qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra. Qua đó, giúp các em vừa học được kiến thức khoa học vừa biết cách vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Ngoài ra, việc dạy học theo chủ đề STEM của cô Oanh cũng giúp học sinh có thêm các kỹ năng giao tiếp, hoạt động nhóm, quản lý, điều hành và đưa ra quyết định, đặt học sinh làm trung tâm để hiểu rõ bản chất của kiến thức, cốt lõi vấn đề để từ đó, việc tiếp nhận kiến thức sẽ không còn gò bó mà trở nên sinh động và thú vị.

Với bầu nhiệt huyết cùng sự năng động, sáng tạo, truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Oanh đã vinh dự là 1 trong 6 nhà giáo tiêu biểu của tỉnh Yên Bái được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú” năm 2023. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của bản thân đồng thời là động lực để cô tiếp tục duy trì, nhân lên ngọn lửa đam mê, cống hiến hết mình và gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp "trồng người".

Bùi Minh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/343085/co-giao-truyen-lua-dam-me-khoa-hoc.aspx