Cô giáo Tuyên Quang bị xúc phạm: Điển hình của bạo lực ngược
Sự việc nữ giáo viên môn âm nhạc bị học sinh ném dép, lăng mạ tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là ví dụ điển hình cho hiện tượng bạo lực ngược. Vụ việc này cũng khiến dư luận 'dậy sóng'.
Đó là thông tin được đưa ra trong tọa đàm trực tuyến "Trò "bắt nạt" thầy: Căn nguyên ở đâu?" do báo Dân trí tổ chức.
Thời gian qua, bạo lực học đường có biểu hiện ngày càng gia tăng về số lượng vụ việc lẫn mức độ nghiêm trọng. Đáng nói, nạn nhân của bạo lực học đường không chỉ là học sinh mà còn là thầy cô giáo.
Sự việc nữ giáo viên môn âm nhạc bị học sinh ném dép, lăng mạ tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, là ví dụ điển hình cho hiện tượng bạo lực ngược. Vụ việc này cũng khiến dư luận "dậy sóng".
“Những đứa trẻ đang chông chênh”
TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT cho rằng, những đứa trẻ đang chông chênh, phần đông bố mẹ bận với guồng quay cuộc sống nên giao cho nhà trường. Trong khi nhà trường đứng trước những nhiệm vụ rất mới nên đôi khi học trò không tiếp nhận được những cái khó của nhà trường.Phân tích về nguyên nhân tâm lý khiến cho học sinh ngày nay dễ mất kiểm soát cảm xúc và dễ sử dụng bạo lực thân thể để giải quyết những vấn đề cảm xúc?
PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng, các em sinh ra ở giai đoạn mà kỳ vọng của xã hội, kỳ vọng của mọi người đặt lên các em cực kỳ lớn. Các em phải học tập rất nhiều khi kiến thức nhân loại sản sinh ra là vô tận, quá sức tiêu thụ của mỗi người. Các em không biết học theo hướng nào để sau này phát triển sự nghiệp một cách bền vững.
Các em bây giờ 2, 3 tuổi đã tiếp xúc với mạng xã hội như Youtube, 9 tuổi đã sử dụng thiết bị một cách độc lập. Việc kết nối thường xuyên với không gian mạng làm cho các em có chứng bệnh “sợ bỏ lỡ” một điều gì đó nên cứ liên tục lên mạng để cập nhật, điều đó khiến sức khỏe các em bị bào mòn.
Đưa ra quan điểm về vụ việc xảy ra ở trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quan, TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng sẽ là nóng vội đưa ra phán xét, hoặc lên án hoặc bênh vực. Có lẽ câu chuyện đằng sau những clip ấy còn nhiều phần chìm của tảng băng.
"Những đứa trẻ đang chông chênh, phần đông bố mẹ bận với guồng quay cuộc sống nên giao cho nhà trường"- TS. Nguyễn Ngọc Ân
“Tôi đã nghe đến câu chuyện này trước khi xem những đoạn clip trên mạng xã hội. Tôi không dám xem, vì cảm thấy những chuyện được nghe đã là quá khủng khiếp. Khi tần suất thông tin nghe được quá lớn, cuối cùng tôi đã xem. Tôi không thể kiềm chế nổi, quá buồn và đau xót. Tôi vừa giận vừa thương cho cả hai phía: thầy – trò”- cô Tuyết chia sẻ
Nhiều người nghĩ rằng cô giáo “ba phải”, nhưng quả thật những đứa trẻ vốn sinh ra là trang giấy trắng, cuộc đời “in dòng chữ nào nó mang dòng chữ đấy”, lại có hành vi như thế. Kể cả phản ứng của cô giáo trong những đoạn clip mà tôi xem được, tôi chỉ thấy một nỗi buồn và cảm giác đau đớn không thể nói thành lời.
“Giáo viên của chúng tôi rất đáng thương”
TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT cho rằng, ông đã có cơ hội quan sát ở nhiều nơi, thực ra giáo viên của chúng tôi rất đáng thương bởi họ đang chịu rất nhiều áp lực, đang cố gắng đáp ứng những yêu cầu đặt ra của ngành, khiến họ khó khăn, thu nhập thấp và kỳ vọng lớn đang đặt lên đôi vai gầy gò của họ.
Giống nghề y, nghề dạy học cũng mỏng manh và dễ tổn thương, dễ bị bắt nạt hơn nghề khác.
Vai trò của người thầy bây giờ khác với vai trò của người thầy ở giai đoạn khác. Người thầy bây giờ phải năng động hơn. Ở một số nơi có việc dạy thêm nhưng không phổ biến, nếu nói phổ biến thì cực kỳ oan ức cho chúng tôi. Nhiều người chấp nhận đồng lương thấp nhưng cống hiến thật sự.
Giáo viên hiện nay dạy chương trình mới khá vất vả nên họ không còn sức lực để dạy thêm và nếu có thì cũng để cho lớp tốt hơn nhưng phần lớn đó là việc của các trung tâm.
Tôi không thanh minh cho giáo viên nhưng đấy là câu chuyện rất thật. Những người chọn nghề dạy học không phải để làm giàu.
TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng, mấy thập kỷ trước đây, thông tin không nhanh nhạy, cập nhật như bây giờ, có lẽ cái đạo đức xã hội và nghĩa thầy trò còn khá thiêng liêng, thậm chí có thể dùng từ “đạo thầy trò”.
“Tôi đã nghe đến câu chuyện này trước khi xem những đoạn clip trên mạng xã hội. Tôi không dám xem, vì cảm thấy những chuyện được nghe đã là quá khủng khiếp. Khi tần suất thông tin nghe được quá lớn, cuối cùng tôi đã xem. Tôi không thể kiềm chế nổi, quá buồn và đau xót. Tôi vừa giận vừa thương cho cả hai phía: thầy – trò"- TS Trịnh Thu Tuyết
Thời đó, tôi chưa từng thấy vấn đề bạo lực học đường, hoặc ẩn hiện đâu đó rất hi hữu.
Những năm gần đây, có những hiện tượng người giáo viên không an toàn ngay trong không gian làm việc của mình - nơi vốn rất thân yêu với cuộc đời mình.
Có trường hợp phụ huynh vào tận trường bắt giáo viên quỳ, hành hung giáo viên. Tất nhiên, tôi chưa nói chuyện đúng - sai nhưng quả thật người giáo viên cảm thấy “cô đơn”.
Thế có phải bây giờ học sinh hư hơn thời trước không? Như lúc đầu tôi có nói, “nhân chi sơ tính bản thiện”, con người sinh ra vốn mang bản chất nguyên sơ là tính thiện. Cho nên, không thể nói rằng học sinh bây giờ hư hơn hay ngoan hơn ngày xưa.
Vậy mà bây giờ tình trạng bạo lực học đường tăng lên, tôi thấy vấn đề ở đây là môi trường xung quanh của các em đã thay đổi, các em là hệ quả của môi trường ấy.
“Có lẽ, bố mẹ cần có sự thay đổi tư duy”
TS Trần Thành Nam cho rằng, sống trong môi trường áp lực như vậy đòi hỏi các em phải có kỹ năng cân bằng cảm xúc, tuy nhiên phụ huynh ở nhà lại không có những kỹ năng này. Khi không có năng lượng tích cực để giải tỏa cảm xúc, các em sẽ có xu hướng sử dụng những hình thức tiêu cực hơn để giải tỏa cảm xúc của mình.
Một trong những cách giải tỏa truyền thống nhất là "giận cá chém thớt”, mang những cái ấm ức trút lên người khác. Cách thứ 2 là tham gia vào một số trò mạo hiểm, khám phá giới hạn của bản thân như thử hút thuốc lá điện tử, yêu đương, tham gia vào các trò nghịch dại thậm chí đua xe,...
TS Trịnh Thu Tuyết chia sẻ, trong nhiều gia đình, bố mẹ có ý thức dành thời gian tiếp xúc, trò chuyện, tâm sự với con để tìm hiểu tâm lý, vấn đề trong đời sống tinh thần của con. Cũng có những gia đình mà bố mẹ không được học hành nhiều hoặc quá bận rộn, không dành nhiều thời gian cho con. Nhưng chính nhân cách, sự tử tế của họ đã tác động đến những đứa trẻ.
"Tất cả lực lượng giáo dục nên đứng bên cạnh thầy cô, nên dành nhiều phương tiện giáo dục bình đẳng hơn. Bất kỳ có hiện tượng gì xảy ra liên quan bạo lực học đường, thì phần lớn lỗi bị đổ vào người thầy"- TS Trịnh Thu Tuyết
Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nhưng con hư và ngược lại. Có lẽ, bố mẹ cần có sự thay đổi tư duy.
Bố mẹ muốn con thành người tử tế thì phải để con biết tôn trọng người dạy mình thành người tử tế. Thầy cô dạy học trò thành người tử tế, thì bản thân họ có thực sự như thế hay không, lời nói có đi đôi với việc làm hay không.
Về phía nhà trường, thầy cô phải tự lấy lại vị thế của mình - vị thế một phần nào bị mai một dần đi, từ nhân cách, trí tuệ và cả tấm lòng với trẻ. Tất cả lực lượng giáo dục nên đứng bên cạnh thầy cô, nên dành nhiều phương tiện giáo dục bình đẳng hơn. Bất kỳ có hiện tượng gì xảy ra liên quan bạo lực học đường, thì phần lớn lỗi rơi vào người thầy.
Nhiều khi tôi nghĩ, phải chăng ban giám hiệu, kể cả đơn vị giáo dục cấp cao, hay các đơn vị quản lý, cũng đứng về phía đứa trẻ mà xử lý người thầy mỗi khi xảy ra sự việc bạo lực học đường.
Một phần lý do là bởi đằng sau học trò là phụ huynh, đằng sau phụ huynh là xã hội, còn đằng sau người thầy là tấm bảng trắng, không có ai hết.
Thứ ba, để những đứa trẻ - những trang giấy trắng của chúng ta không bị viết lên những dòng chữ, những đường nét tiêu cực, để không có những sự việc bùng phát đáng buồn, đau đớn, thể hiện sự thất bại, thì từng người liên quan đến quá trình giáo dục và tự giáo dục của trẻ nên tự ý thức trách nhiệm của mình, không nên chờ đợi môi trường trong sạch mà hãy tự mình thực hiện.
Chúng ta không thể thay đổi nước của cả dòng sông. Mỗi người chỉ là một viên phèn nhỏ, hãy tự mình làm sạch vùng nước rất nhỏ xung quanh mình.