Cô giáo về hưu 'nặng nợ' với học trò khiếm thị
Có những người chọn nghề đơn giản vì cuộc sống mưu sinh, thế nhưng, cũng có những người chọn nghề bằng tình yêu và sự trân quý. Họ dành cả tâm huyết cho công việc ấy, bởi với họ cái nghề không đơn giản chỉ để có thu nhập, lo kinh tế gia đình, mà nghề thật sự còn mang lại niềm vui và luôn muốn được gắn bó. Cô Trần Thị Khiêm - một giáo viên về hưu của phường Phước Hội, thị xã La Gi là một trong số đó.
Cô giáo về hưu
35 năm công tác trong ngành giáo dục. Nghỉ hưu, duyên nợ lại gắn kết cô với các em tại Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Ánh Sáng, vào một lần đến thăm. Rồi gần chục năm qua, cô Khiêm lặng lẽ “đưa đò” dù đã rời xa bục giảng. Mỗi tuần, 2 ngày đều đặn, cô vượt 12 cây số đến để kèm cặp, hỗ trợ thêm kiến thức cho những “học sinh đặc biệt” của mình. Dạy kèm trẻ khiếm thị nghe thôi cũng đủ thấy một công việc không mấy dễ dàng. Khi mà giữa cô và trò có sự khác biệt quá lớn với nhau về chữ viết. “Đôi khi vô tình kể cho các em về thế giới xung quanh... rồi giật mình, chạnh lòng, rằng tất cả đối với các em chỉ có thể là những cảm nhận và trong trí tưởng tượng”, điều này càng làm cho cô Khiêm thêm trăn trở.
Từng có thời gian dài gắn bó lớp “vỡ lòng” càng giúp cô hiểu hơn tâm lý các em nhỏ, những khó khăn khi các em bắt đầu làm quen với từng con số, con chữ. Đối với học trò khiếm thị, càng khó khăn bội phần khi các em phải hòa nhập, học cùng các bạn bình thường, trong một môi trường giáo dục hoàn toàn bình thường, nhưng bản thân các em lại là những người đặc biệt.
Thấu hiểu và đồng cảm với những thiệt thòi mà các em tại Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Ánh Sáng phải trải qua. Trong khi tuổi thơ của các bạn cùng trang lứa là những ngày ấm êm, hạnh phúc trong vòng tay bảo bọc của gia đình, thì đối với các em khiếm thị, những người đồng cảnh ngộ và các sơ là người thân, là mái ấm. Trong khi trẻ em bình thường có thể nhìn thấy tường tận một cuộc sống tươi đẹp, đầy sắc màu, thì các em nơi này lại không được như vậy, cứ nghĩ đến càng làm cô yêu hơn. Và cô Khiêm đã mày mò tự học thêm chữ Braille, để có thể chấm bài, chỉ ra điểm đúng sai khi các em viết. Nhìn cô nhẹ nhàng và tận tụy kèm cặp học sinh của mình, mới thấy hết sự bao dung. Bằng cái tâm với nghề cô đã góp công sức và rất nhiều tình thương để có thể phần nào xóa bớt mặc cảm, giúp học trò khiếm thị tự tin hơn để các em đạt kết quả học tập tốt hơn.
Và còn rất nhiều nhà giáo khác, với những hoàn cảnh không giống nhau, công tác ở những môi trường giáo dục khác nhau, nhưng vẫn luôn tận tụy với nghề. Không chỉ bằng trách nhiệm, mà bằng cả tình yêu thương vô bờ, từng ngày lặng thầm góp thêm hành trang, dẫn dắt “đàn con thân yêu” đến với ngày mai tươi sáng.
Trúc My