Cô giáo vùng biên Hà Tĩnh 38 năm miệt mài thắp sáng ngọn lửa nghề
Yêu nghề, mến trẻ, vượt qua những khó khăn của ngành GD&ĐT và địa phương, cô giáo Trần Thị Sự - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Sơn Hồng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) tự ví mình như viên than hồng lặng lẽ, miệt mài thắp sáng ngọn lửa nghề nơi miền biên giới.
Cô Trần Thị Sự (SN 1968, tại xã Sơn Hồng, Hương Sơn) bắt đầu nghề dạy học từ năm 1985 - thời điểm ngành giáo dục còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với một địa bàn miền núi, vùng biên giới như xã Sơn Hồng.
Lúc bấy giờ, toàn xã có 12 thôn nhưng không có trường mầm non. Để tổ chức dạy học, các giáo viên phải đến từng thôn rồi mượn các các công trình công cộng hoặc mượn tạm nhà dân để lập lớp. Thời điểm đó, các giáo viên mầm non cũng chưa có chế độ lương mà hưởng chế độ do xã, thôn trả theo mùa vụ, bằng lúa và khoai...
Cô Sự chia sẻ: “Chúng tôi đã cùng nhau trải qua rất nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ nản lòng. Cuộc sống người dân càng khó khăn, tôi và đồng nghiệp càng quyết tâm gắn bó với nghề hơn. Chính những đứa trẻ là động lực để chúng tôi bám nghề, bám trường. Là giáo viên thuộc thế hệ đầu tiên của trường, tôi luôn tự ý thức về sự gương mẫu, tôi luôn coi mình là viên than nồng đượm, không ngừng ươm ủ, thắp sáng ngọn lửa nghề trong các thế hệ giáo viên nhà trường".
Hơn 10 năm sống bằng phụ cấp ít ỏi, đến năm 1996, theo chính sách mới của Nhà nước, cô Sự đã được hưởng chế độ biên chế. Trong năm đó, cô cũng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Hồng. Vị trí và vai trò mới mang lại nguồn động viên và cổ vũ to lớn cho cô nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thử thách. Để đáp ứng yêu cầu công việc, cô đã học thêm về chuyên môn (ngành mầm non hệ tại chức Trường Đại học Sư phạm Vinh) và tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị. Ngoài ra cô cũng đặt ra cho đội ngũ cán bộ giáo viên trong trường phải liên tục đổi mới, tích cực học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu mới.
Bước ngoặt lớn đối với cô Sự trong vai trò lãnh đạo là vào năm 2005, khi có chủ trương xây dựng Trường Mầm non Sơn Hồng đạt chuẩn quốc gia. Trong bối cảnh địa bàn xã miền núi rộng, đời sống người dân còn nghèo, nguồn lực hạn chế, việc thực hiện chủ trương là một hành trình đầy gian nan.
“Nhận nhiệm vụ, dù cả tập thể đồng lòng quyết tâm nhưng tôi luôn trăn trở, lo lắng không biết huy động nguồn lực ở đâu để xây dựng. Sau nhiều trăn trở, cuối cùng cũng tìm được dự án đầu tư. Sau 2 năm miệt mài vận động xây dựng, năm 2007, Trường Mầm non Sơn Hồng được tỉnh công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đến nay, đã 18 năm trôi qua, sau 3 lần thẩm định lại, Trường Mầm non Sơn Hồng vẫn giữ được danh hiệu đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và kiểm định chất lượng dạy học đạt mức độ 2. Đó là thành quả của quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ giáo viên nhà trường và sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chung tay của xã hội” - cô Sự chia sẻ.
Trường Mầm non Sơn Hồng hiện có 2 điểm, nằm cách nhau khoảng 2 km. Cùng với cơ sở vật chất đạt chuẩn, trường có 20 cán bộ, giáo viên có trình độ, chuyên môn tốt; trong đó, nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh và đạt chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Nhiều năm liền, chi bộ nhà trường đạt danh hiệu là chi bộ trong sạch vững mạnh; tập thể trường được công nhận là đơn vị lao động tiên tiến cấp huyện. Riêng cô Trần Thị Sự đã được nhận nhiều bằng khen của các cấp, ngành và được Bộ GD&ĐT tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. Những thành tích riêng, chung đó là động lực để tập thể Trường Mầm non Sơn Hồng tiếp tục nỗ lực, phát triển hơn nữa trên chặng đường mới.
Dù nằm trên địa bàn xã vùng biên còn nhiều khó khăn nhưng trong nhiều năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Sơn Hồng luôn phát huy tinh thần đoàn kết nỗ lực trong công tác dạy học và đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, nhiều năm nay, trường luôn giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và kiểm định chất lượng dạy học đạt mức độ 2. Trong kết quả đó, chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao vai trò lãnh đạo của cô Trần Thị Sự - Hiệu trưởng nhà trường. Với 38 năm miệt mài từ công tác dạy học đến quản lý, cô Sự là tấm gương mẫu mực về sự tận tụy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng sâu, vùng xa nói riêng và của huyện nhà nói chung.