Cô giáo vùng cao bụng bầu 8 tháng vẫn miệt mài phụ đạo cho trò
Dù đang mang bụng bầu 'vượt mặt' song cô Nguyễn Huyền Dân, TTGDTX huyện Phù Yên (Sơn La) vẫn ngày đêm miệt mài bên trang giáo án để ôn luyện cho trò...
Vì trách nhiệm với trò...
Ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cận kề, song cô Nguyễn Huyền Dân, giáo viên dạy môn Toán tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phù Yên (TTGDTX) vẫn tranh thủ thời gian ít ỏi còn lại để cùng trò ôn luyện kiến thức. Mỗi ngày 3 ca đều đặn, cô Dân lên lớp giảng bài. Cô Dân cũng như các thầy cô khác ở đây đều mong mỏi qua việc tổ chức ôn luyện kiến thức sẽ giúp các "sĩ tử" tự tin và nắm chắc kiến thức bước vào làm bài thi đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi này.
Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, thấu hiểu những khó khăn vất vả của học sinh vùng cao, cô Nguyễn Huyền Dân, (SN 1986) dù đang mang bầu 8 tháng vẫn luôn ân cần truyền đạt những kiến thức cho học sinh. Cô Dân bảo: "Chỉ mong muốn học trò của mình đạt điểm cao trong kỳ thi. Có như vậy, các em mới thực hiện được ước mơ, hoài bão, mở ra một cánh cửa tương lai tốt đẹp hơn".
Cô Nguyễn Huyền Dân chia sẻ: “Năm 2009, tôi tốt nghiệp sư phạm Toán của trường Đại học Tây Bắc. Sau đó, tôi về công tác tại trường THPT Tân Lang (Phù Yên), đến năm 2021 tôi chuyển về giảng dạy tại TTGTX, tính đến nay được 3 năm. Hiện, dù tôi đang mang bầu 8 tháng, nhưng vì tình yêu nghề và thương các em sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp nên tôi không đành lòng nghỉ ngơi ở nhà”.
Theo cô Dân, học sinh theo học ở trung tâm đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các em đến từ những xã khó khăn của huyện. Việc tiếp thu kiến thức của các em không được tốt bằng học sinh một số trường khác. Chính vì thế, cô luôn đau đáu trong lòng phải nỗ lực giảng dạy bù đắp kiến thức, để các em đạt điểm cao ở môn Toán mà cô đang dạy. Môn Toán có bài học, phương trình khó nên trong thời gian giảng dạy ở trường, cô thường trò chuyện và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em, để có phương pháp truyền tải kiến thức hiệu quả hơn.
Cô Dân cho biết, chỉ còn 1 tháng nữa sẽ nghỉ để sinh em bé nhưng gia đình rất ủng hộ công việc của cô, nhất là sự sẻ chia từ phía người chồng. "Mỗi ngày, tôi có lịch lên lớp dạy phụ đạo cho học sinh, chồng tôi đều gác lại công việc riêng lái xe máy đưa đến trường. Nhà trường tổ chức ôn luyện cho học sinh 3 ca/ngày: Sáng, chiều, tối. Tùy vào thời điểm lịch giảng dạy, tôi đều được chồng đưa đón đúng giờ. Trong quá trình giảng dạy, lo tôi bị ảnh hưởng đến sức khỏe, các đồng nghiệp, Ban giám đốc quan tâm và động viên tôi rất nhiều”.
Theo chia sẻ, cô Dân luôn rất tự hào khi được công tác trong ngành giáo dục, tự hào với công việc của mình đang làm. Đối với cô, mỗi ngày được lên lớp giảng dạy và gặp gỡ học sinh là một niềm vui. Cô Dân và đồng nghiệp thường động viên nhau rằng: Phải nỗ lực giúp các em nắm chắc kiến thức trước khi bước vào phòng thi, làm sao giúp các em đạt điểm cao nhất ở các môn thi tốt nghiệp.
"Chúng tôi giảng dạy phụ đạo, ôn luyện cho học sinh không phải vì được tăng phụ cấp hoặc phấn đấu đạt thành tích này kia, mà đây là sự tâm huyết và tình yêu đối với nghề nhà giáo”- cô Dân nói.
Không em nào bị bỏ lại phía sau...
Ở trường, cô Dân luôn được đồng nghiệp quý mến. Cô Dân có được điều này bởi là giáo viên trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết, tận tụy với nghề. Cô không chỉ tâm huyết trong công tác chuyên môn mà còn luôn vận dụng linh hoạt trong việc đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, giúp các em học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả.
Thầy Nguyễn Xuân Hồng, Giám đốc TTGDTX huyện Phù Yên cho biết: Cô Dân là giáo viên tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Hiện, cô là tổ trưởng chuyên môn của tổ Khoa học tự nhiên. Trong các chương trình ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, các học viên đều quý mến cô Dân. "Mặc dù đang mang bầu và sắp đến ngày sinh đẻ, tuy nhiên cô vẫn tận tụy với công việc ôn luyện cho các em. Chúng tôi biểu dương, ghi nhận tinh thần trách nhiệm cao của cô Dân đối với hoạt động giảng dạy và ôn thi cho học sinh nhà trường", thầy Hồng nói thêm.
Theo thầy Hồng, để hỗ trợ học sinh đạt kết quả cao, nâng cao chất lượng điểm thi so với năm 2023, nhà trường đã huy động 9 giáo viên dạy phụ đạo, ôn luyện thi cho 114 học sinh ở 4 môn: Toán, Văn, Sử, Địa. Bên cạnh đó, nhà trường còn chỉ đạo các giáo viên bộ môn tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục THPT trong khối lớp 12 cho các em. Đồng thời, hệ thống hóa kiến thức cơ bản, làm bài tập theo các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng sáng tạo trong từng môn học; hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài thi phù hợp với từng môn.
Nhà trường tổ chức ôn luyện thi cho các em dựa vào cấu trúc đề thi THPT năm 2023; tài liệu ôn thi do Sở GD&ĐT Sơn La hướng dẫn, định hướng, giáo viên xây dựng nội dung và phương pháp ôn tập cho phù hợp ở từng bộ môn. Bên cạnh đó, nhà trường còn chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn chủ động xây dựng nội dung kế hoạch bài dạy sát với từng đối tượng học sinh; tạo động lực, hứng thú cho các em theo học; bù đắp lượng kiến thức học sinh bị hổng, yếu.
“Tại lớp học, chúng tôi đã chuẩn bị đủ ánh sáng, chỗ ngồi, có bảng, máy chiếu và các điều kiện khác cho các em ôn luyện. Số tiết ôn tối thiểu cho từng môn/lớp là 300, trong đó Toán: 90 tiết; Văn: 90 tiết; Sử 60 tiết; Địa: 60 tiết...
Sau 5 lần thi thử tốt nghiệp cấp trường, Sở đối với khối 12, chúng tôi đều chỉ đạo giáo viên điều chỉnh, bổ sung danh sách học sinh cần phụ đạo, bù đắp kiến thức để đảm bảo “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”. Thời lượng dạy phụ đạo, bù đắp kiến thức cho học sinh được chúng tôi thực hiện từ ngày 1/4/2024 đến ngày 25/6/2024”, thầy Hồng cho hay.