Cô giáo vùng cao: 'Cái khó còn nhiều gấp đôi'
Làm nghề giáo ở miền núi đã khổ, làm giáo viên dạy cho con em đồng bào dân tộc thì cái khó còn nhiều gấp đôi, bởi vừa phải lo dạy chữ vừa lo cái ăn, chỗ ở cho các em.
Cô giáo trẻ Trần Thị Hoa sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Bắc Trà My, chảy trong mình dòng máu dân tộc Giẻ-Triêng, sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô Hoa đã có gần 9 năm làm giáo viên Trường THPT Bắc Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Cũng như nhiều giáo viên vùng cao khác, cô giáo Trần Thị Hoa thấy hạnh phúc khi được ngày ngày giúp đỡ các em học sinh dân tộc tiến bộ trong học tập, luôn miệt mài cống hiến cho sự tiến bộ giáo dục của vùng cao, là tấm gương sáng để con em đồng bào dân tộc học tập và noi theo.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Trần Thị Hoa được phân công công tác tại Trường THPT Bắc Trà My - ngôi trường có hai thành phần học sinh: Học sinh người Kinh và học sinh các dân tộc thiểu số không được xét tuyển vào trường nội trú của huyện hoặc tỉnh.
Khẳng định được khả năng chuyên môn, Hoa được Ban giám hiệu tín nhiệm, thường phân công làm chủ nhiệm các lớp của học sinh dân tộc với trình độ tiếp thu còn gặp nhiều hạn chế do đặc thù về gia đình và điều kiện kinh tế-xã hội.
Học sinh theo học tại Trường THPT Bắc Trà My đều từ các xã vùng cao xa xôi xuống tập trung tại thị trấn để học tập. Nhiều học sinh phải đi học xa với đường sá đi lại khó khăn.
Hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đa số chưa được sự quan tâm của gia đình và chưa có ý thức chăm ngoan học tập. Chính vì vậy, cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Hoa luôn sâu sát tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng học sinh trong lớp, uốn nắn kịp thời những sai sót lệch lạc của từng học sinh. Với phương pháp phù hợp, cô có nhiều sáng tạo và nỗ lực để nâng cao chất lượng học tập của cả tập thế lớp, khiến tỉ lệ học sinh bỏ học, học yếu đều giảm đáng kể.
Ngoài truyền kiến thức, cô giáo Trần Thị Hoa luôn là người truyền cảm hứng cho học sinh. Cô tham gia tích cực các hoạt động của các đoàn thể, làm tấm gương cho học sinh để các em thấy rằng người đồng bào dân tộc cũng có thể làm tốt nhiều việc. Từ đó giúp các em dạn dĩ hơn, tự tin hơn, có nhiều nỗ lực thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình hơn.
Làm nghề giáo ở miền núi đã khổ, làm giáo viên dạy cho con em đồng bào dân tộc thì cái khó còn nhiều gấp đôi, bởi vừa phải lo dạy chữ vừa lo cái ăn, chỗ ở cho các em.
Ngoài việc giảng dạy trên lớp, các buổi không có tiết và buổi tối, cô thường đến các khu trọ và khu nội trú của học sinh, nắm bắt tình hình ăn, ở, đau ốm của các em để kịp thời giúp đỡ và hướng dẫn các em tự học. Có nhiều lần nửa đêm nhận tin báo học sinh đau ốm, không người thân bên cạnh, cô không nề hà đưa các em vào viện và tận tình chăm sóc.
Những ngày vừa qua, huyện Bắc Trà My là một trong những địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề vì mưa lũ, sạt lở đất. Đã có lúc nước lũ ập đến với cả khu phố, khiến ngập hơn nửa phòng học, vật dụng, bàn ghế, sách vở bị hư hỏng hết do lũ lên nhanh bất ngờ. Cô Hoa cùng các giáo viên khác trong trường lại ra sức dọn dẹp, sớm khôi phục trường lớp để đón học sinh quay lại trường.
Dẫu gian khổ như vậy nhưng cô Hoa vẫn miệt mài, cần mẫn với công việc “cõng chữ lên non” và chăm lo đời sống tinh thần cho các em học sinh dân tộc thiểu số nơi đây. Chưa bao giờ cô cảm thấy hối hận vì đã chọn nghề giáo. "Thời gian qua, tôi thấy thật may mắn khi mình đã chọn đúng nghề, được tiếp xúc và dạy dỗ trực tiếp các em học sinh bằng cả tấm lòng và sự nhiệt huyết. Bản thân tôi luôn nỗ lực, không ngừng học hỏi, cố gắng hoàn thành thật tốt mọi công việc, hi vọng sẽ góp một phần tiến bộ vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà", cô giáo trẻ chia sẻ.
Với những đóng góp của mình, cô giáo Trần Thị Hoa đã vinh dự nhận danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” cấp tỉnh, giấy khen của Ban chấp hành Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam, Chứng nhận đạt danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” của Tỉnh đoàn Quảng Nam.