Giáo dục Thủ đô tiên phong đổi mới
Với nỗ lực xây dựng và đổi mới không ngừng cùng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, ngành GD&ĐT Thủ đô có bước phát triển vượt bậc, xứng đáng là trung tâm giáo dục lớn - nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô (1954 – 2024), 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với TS Trần Thế Cương, Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội về những dấu ấn cùng các phong trào đổi mới, sáng tạo của ngành thời gian qua.
Phát triển giáo dục toàn diện với nhiều chương trình lớn
Thưa ông, ngành GD&ĐT Thủ đô luôn được đánh giá có nhiều đổi mới, sáng tạo cả trong công tác dạy - học cũng như các phong trào thi đua. Ông có thể nêu vài điểm nổi bật của giáo dục Hà Nội trong năm 2024?
- Nhiều năm qua, giáo dục Hà Nội đã tạo được nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác dạy - học và các phong trào thi đua. Bằng chứng là, trong hơn chục năm liên tiếp, Hà Nội luôn giữ vị trí đứng đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, với quy mô học sinh dự thi chiếm hơn 1/10 cả nước, trong đó có trên 5.000 thí sinh tự do nhưng tỷ lệ tốt nghiệp của Hà Nội đạt 99,8%, xếp vị trí thứ 12 toàn quốc, tăng 4 bậc so với năm 2023. Đáng lưu ý, ngành giáo dục thường xuyên có tỷ lệ tốt nghiệp là 99,12%, cao hơn 2,24% so với tỷ lệ chung cả nước và cao nhất trong 5 năm qua.
Trong năm 2024, ngành giáo dục Thủ đô tạo ấn tượng bởi tổ chức thành công nhiều chương trình lớn, quy mô với chất lượng chuyên môn cao. Đơn cử, tại lễ khai mạc Hội khỏe Phù Đổng lần thứ X TP Hà Nội năm 2024 có sự góp mặt của 1.500 huấn luyện viên, vận động viên đến từ 30 quận, huyện, thị xã và hơn 700 nghệ sỹ, diễn viên, vận động viên đồng diễn thể thao, biểu diễn nghệ thuật, diễu hành chào mừng.
Đầu tháng 5/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Ngày hội Công nghệ thông tin (CNTT) và STEM ngành giáo dục Hà Nội lần thứ VI với chủ đề “Đẩy mạnh Chuyển đổi số và giáo dục STEM trong ngành GD&ĐT theo định hướng giáo dục thông minh”. Ngày hội thu hút hơn 50.000 lượt giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia với 70 gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, giải pháp ứng dụng CNTT và STEM. Một trong những hoạt động quan trọng của Ngày hội năm 2024 là 4 hội thảo chuyên đề cho cấp học: Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT - Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) về chuyển đổi số và phương pháp giáo dục STEM trong dạy, học trên môi trường số, định hướng phát triển giáo dục thông minh.
Sau 16 năm, Hội thi nhân viên nuôi dưỡng giỏi cấp học mầm non tại Hà Nội mới được tổ chức với nhiều điểm mới, trong đó có việc tổ chức tại 3 cụm thi với 3 nội dung: thi xây dựng thực đơn, thi chế biến 10 suất ăn với mức tiền ăn 25.000 đồng/trẻ/ngày và thi thuyết trình sản phẩm.
Hội thi thu hút sự tham gia của 100% các nhà trường với trên 7.800 nhân viên dự thi, đạt tỉ lệ 74.3%. Qua vòng thi cấp cơ sở đã lựa chọn được 70 cặp nhân viên nấu ăn giỏi (140 nhân viên) của 70 trường mầm non tham gia hội thi cấp TP. 70 thực đơn tiêu biểu xuất sắc với gần 300 món ăn trổ tài tại hội thi đã tạo ra ngân hàng thực đơn bổ sung vào kho học liệu điện tử giáo dục để lan tỏa đến các nhà trường tham khảo và sử dụng.
Năm 2024 là năm thứ VIII Giải thưởng nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo triển khai đến toàn cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT và được các đơn vị tích cực hưởng ứng. Giải thưởng nhằm tôn vinh những nhà giáo nhiệt tình, tâm huyết với nghề; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; đồng thời khích lệ các nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả và chuyển biến mới.
Qua các vòng khen thưởng cấp trường, cấp quận, huyện, thị xã, đã có 196 nhà giáo tiêu biểu ở các cấp học được đề nghị xét duyệt và trao Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cấp ngành. Hội đồng đã chấm, chọn và xét duyệt 70 nhà giáo tiêu biểu xuất sắc vào vòng chung khảo Giải thưởng cấp TP (tăng 30 giải so với các năm trước).
Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô” lần đầu tiên được ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức đã thu hút gần 3.000 người từ 47 đơn vị đại diện 30 quận, huyện, thị xã, một số trường quốc tế tham gia. Chương trình còn có sự góp mặt của Đoàn nghi lễ Quân đội - Bộ Tổng Tham mưu, Đoàn nghi lễ Công an Nhân dân, học sinh các dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia và học sinh các nước trên thế giới đang học tập tại Hà Nội, các nghệ sỹ, diễn viên của Thủ đô... . Hoạt động nhằm khơi dậy niềm tự hào, truyền cảm hứng, tạo động lực thể hiện lòng yêu nước, yêu Thủ đô cho các thế hệ học sinh Hà Nội; cổ vũ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp GD&ĐT, xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước và hội nhập quốc tế.
Được triển khai từ tháng 3/2024, Cuộc thi “Sáng tác ca khúc dành cho học sinh” của ngành GD&ĐT Hà Nội nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, giáo viên, học sinh các trường học trên địa bàn TP với tổng số 1.024 ca khúc dự thi cấp cơ sở. Qua vòng thẩm định, Hội đồng giám khảo đã chọn 188 ca khúc; sau đó quyết định trao thưởng cho 70 ca khúc có chất lượng tốt nhất. Ban Tổ chức đánh giá, hầu hết các ca khúc dự thi là những tác phẩm có chất lượng; được thể hiện bằng bút pháp mới, sáng tạo, đề cao tính nhân văn. Nhiều ca khúc có cấu trúc rõ ràng, giai điệu và lời ca thống nhất, hài hòa, mang ý tưởng âm nhạc độc đáo, giàu hình ảnh, dễ hát, dễ thuộc. Thời gian tới, các đơn vị sẽ tích cực tuyên truyền để những ca khúc đoạt giải được phổ biến tới từng cơ sở giáo dục của Thủ đô Hà Nội, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc trong giai đoạn mới.
Ngoài ra, ngành GD&ĐT Hà Nội còn tổ chức rất nhiều hoạt động, phong trào thi đua sôi nổi, được Bộ GD&ĐT biểu dương và lấy làm hình mẫu để lan tỏa đến ngành giáo dục trên toàn quốc.
Thu hẹp khoảng cách giáo dục
Khoảng hai năm gần đây, có một phong trào được các đơn vị, nhà trường tại Hà Nội nhiệt tình hưởng ứng, đó là phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”. Đến nay, hiệu quả của chương trình này thế nào, thưa ông?
- Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” được Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội phát động từ tháng 12/2022 trong toàn ngành. Đây là phong trào nhân ái, góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục; giúp các nhà trường học hỏi trong quản lý điều hành, thầy cô có thêm kinh nghiệm trong triển khai giờ dạy, học sinh thêm bạn bè và tự tin hơn. Từ khi triển khai, phong trào đã mang lại hiệu quả rõ rệt, được thể hiện bằng những con số biết nói.
Tháng 11/2023, Sở GD&ĐT sơ kết 8 tháng triển khai chương trình và thu về kết quả đáng khích lệ khi 100% các đơn vị quận huyện, thị xã trên địa bàn đã kết nối, ký kết giao ước, xây dựng nội dung, kế hoạch và lộ trình thực hiện phong trào. Toàn TP có 672 trường mầm non, tiểu học, THCS tổ chức gặp gỡ, ký biên bản ghi nhớ song phương; 65 trường THPT và trung tâm GDNN – GDTX ký cam kết giao ước (đạt 72% kế hoạch).
Hết năm học 2022 – 2023, có 160 chuyên đề được tổ chức thực hiện. Ở mức độ cấp trường, đã có 628 chuyên đề chia sẻ, liên kết được thực hiện, tập trung chủ yếu vào những hoạt động hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, các chuyên đề về hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống cho trẻ mầm non; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn; ôn thi học sinh giỏi... Các trường THPT, các Trung tâm GDNN - GDTX đã thực hiện được 30 buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn theo hình thức trực tiếp, thực hiện được 6 buổi chia sẻ kinh nghiệm, dạy học theo hình thức online...
Cùng hoạt động chia sẻ, học tập trong lĩnh vực chuyên môn, các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục – thể thao cũng là một nội dung được các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục quan tâm.
Ngành GD&ĐT Hà Nội mong muốn những hoạt động này thêm lan tỏa, trở thành phong trào rộng khắp, đồng thời nêu cao tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh và xây dựng nhà trường khang trang, an toàn.
Thực tế không phải cứ trường học ở quận thì không có khó khăn và ngược lại, nhiều trường ở địa bàn huyện lại có những sáng kiến, mô hình hay để nhân rộng. Điển hình như phong trào “Tiếng trống học bài”, khởi nguồn từ một số trường học ở huyện Ba Vì, nay đã được nhân rộng ở nhiều nơi, góp phần nêu cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc quan tâm, tạo điều kiện cho việc học tập của học sinh. Trong khi đó, với thế mạnh về việc xã hội hóa, nhiều trường học ở địa bàn quận đã huy động sự góp sức của các mạnh thường quân và của chính các nhà giáo để nhận nuôi, đỡ đầu hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực huyện.
Lấp đầy những khoảng trống về điều kiện dạy học, tạo diện mạo mới cho các nhà trường, cũng như tạo động lực để học trò thêm nỗ lực học tập là nét đẹp của mỗi nhà giáo Hà Nội đang được lan tỏa thông qua phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”.
Thời gian tới, lãnh đạo các cơ sở giáo dục cần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực; đưa phong trào là một trong những nội dung thi đua của đơn vị; tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các cơ quan, các doanh nghiệp... để giáo dục thực sự là sự nghiệp của toàn dân.
- Trân trọng cảm ơn ông!
“Ngành GD&ĐT Thủ đô luôn là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của toàn ngành… Với vai trò của nền giáo dục Thủ đô, ngành GD&ĐT Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, phát huy năng lực chủ động tích cực, đổi mới sáng tạo của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, hoàn thành xuất sắc những yêu cầu của phát triển Thủ đô. Bằng những đóng góp quan trọng, ngành GD&ĐT Hà Nội vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động Hạng Nhất…”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giao-duc-thu-do-tien-phong-doi-moi.html