Cô giáo vùng khó gần 30 năm cháy lửa tình yêu nghề
Gần 30 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, cô Triệu Thị Huệ hạnh phúc khi được cống hiến sức trẻ để nâng bước trò tới trường .
Cuộc sống cơ cực chắp cánh ước mơ cho cô giáo người Dao
Cô Triệu Thị Huệ (SN 1973), giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh là tấm gương giáo viên hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông có sáu anh chị em, cô Huệ là con thứ 5. Bố mẹ cô là người Dao Thanh Y sống ở xã Vàng Danh, thành phố Uông Bí,
Cuộc sống nhà nông cơ cực, ngay từ khi còn nhỏ, cô Huệ đã nỗ lực học tập với mong muốn được thoát ly khỏi đồng ruộng.
Cô Triệu Thị Huệ kể: “Sau những giờ đến lớp tôi và các anh chị em giúp đỡ bố mẹ công việc đồng áng. Cuộc sống của trẻ em nhà nông khá cơ cực, vất vả. Bạn bè cùng trang lứa nhiều bạn chẳng đi học vì nhà nghèo, vì bố mẹ cũng không quan tâm, chẳng muốn con đến trường vì nghĩ học làm gì lắm, học chẳng để làm gì. Thật may mắn cho tôi vì bố mẹ tôi lại có suy nghĩ tích cực, không cổ hủ. Bố mẹ luôn phân tích cho chị em tôi muốn thoát khỏi nghèo đói, muốn có cuộc sống tốt hơn không gì khác là phải học”.
Mặc dù cuộc sống vất vả nhưng bố mẹ vẫn động viên anh chị em cô không được bỏ học. Ý thức được tầm quan trọng của việc học, lại được sự động viên của bố mẹ nên ngay từ nhỏ cô Huệ luôn cố gắng trong học tập.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô đã nộp đơn dự thi vào Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Ninh, phường Nam Khê , thành phố Uông Bí, tỉnh quảng Ninh (nay là Trường Đại học Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).
Năm 1992, cô Huệ thi đỗ lớp Trung cấp Sư phạm Tiểu học. Đến 1994, khi ra trường cô được phân công về công tác tại Trường tiểu học Kim Đồng, thuộc xã Thượng Yên Công. Đây là ngôi trường có hầu hết học sinh là con em đồng bào, gồm người Dao Thanh Y và 1 số dân tộc ít người khác.
Với lòng yêu nghề,với mong muốn được đem cái chữ về giúp chính đồng bào mình mà hàng ngày dù mưa hay nắng, không ngại khó ngại khổ, tôi cùng các đồng nghiệp vượt hàng chục cây số lên lớp với các em.
“Tôi được nhà trường phân công dạy lớp 1 tại cơ sở lẻ ở thôn Khe Sú với hơn hai chục học sinh 100% là con em đồng bào dân tộc Dao. Là cô giáo trẻ mới vào nghề, phụ huynh thì hầu như không muốn con đi học vì muốn con đi làm nương làm rẫy cùng bố mẹ. Tôi phải đến từng nhà vận động phụ huynh để các em được đến trường”, cô Huệ nhớ lại.
Và rồi chính những nỗ lực, cố gắng của bản thân mà lớp cô Huệ chủ nhiệm hầu như không có em nào bỏ học giữa chừng. Phụ huynh cũng dần quan tâm hơn đến việc học của con em và hiểu được muốn cho con cái có cuộc sống tốt hơn thì phải cho con ăn học.
Công tác tại trường Kim Đồng 8 năm, đến năm 2002, cô được luân chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Trần Phú. Tại ngôi trường mới này tôi được ban giám hiệu nhà trường tin tưởng tiếp tục phân công giảng dạy lớp 1 và nhận học sinh là con em người Dao ở thôn Miếu Thán. Từ đó tới nay, trong công tác tôi luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ nhà trường giao, được đồng nghiệp, phụ huynh và các em học sinh tin yêu kính trọng.
Đồng cảm và yêu thương
Là giáo viên có 29 năm công tác trong ngành và chuyên dạy lớp Một, cô Huệ hiểu lớp Một là nền, là móng, nền móng có chắc thì nhà mới vững. Vì thế trong suốt quá trình công tác, cô luôn cố gắng nỗ lực hết mình mang những kiến thức đã học và kinh nghiệm tích lũy được tận lực, tận tâm dạy dỗ học trò.
Cô Huệ chia sẻ: Học sinh người đồng bào nhút nhát, ngôn ngữ Tiếng Việt hạn chế. Các em nói tiếng kinh không sõi và nhiều em không qua mẫu giáo, kĩ năng sống, giao tiếp hạn chế. Trong khi bố mẹ các em mải đi làm, ít quan tâm đến việc học của các em nên cần cô quan tâm, sát sao nhiều hơn. Từ sự đồng cảm và niềm thương mến con trẻ cô đã luôn cố gắng hết mình để dạy dỗ các em.
Trong suốt những năm tháng dạy học, biết bao nhiêu kỉ niệm buồn vui nhưng kỉ niệm mà cô Huệ không thể nào quên đó là em kỉ niệm về cậu học trò tên Long, người Dao.
“Em Long đã học gần hết học kì Một mà không biết đọc, biết viết, không biết làm Toán. Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, bố mất sớm, mẹ không biết chữ. Mặc cảm với hoàn cảnh của bản thân, em đã bỏ học. Tôi rất trăn trở, suy nghĩ và cảm thấy rất tiếc nếu như để học sinh nghỉ học. Vì vậy, tôi đã đến gặp gia đình động viên em quay lại tiếp tục học.
Hằng ngày, tôi kiên trì dạy lại cho em từng âm, từng chữ và ghép âm thành vần, ghép âm với vần thành tiếng. Với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô và trò cùng cố gắng, cuối năm học đó em đã đọc thông viết thạo và biết làm Toán. Em rất vui vẻ, hào hứng đến trường”, cô Huệ trải lòng.
Để lôi cuốn học sinh, khiến các em cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc khi tới trường, cô Huệ luôn coi trò là con, còn cô đóng vai người mẹ, người bạn đồng hành. Bản thân cô luôn học hỏi không ngừng để tìm ra phương pháp hay nhất và đúc rút nhiều kinh nghiệm quý báu trong giảng dạy. Đặc biệt, cô luôn đổi mới phương pháp dạy học, phát huy được năng lực của trò.
Cô Huệ cho biết: Ước nguyện của tôi là được tiếp tục cống hiến cho ngành Giáo dục để đào tạo ra nhiều thế hệ mầm non tương lai của đất nước nói chung, đặc biệt là đồng bào dân tộc tôi.
Thầy Nguyễn Trung Dũng- Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Cô giáo Triệu Thị Huệ là một nhà giáo người dân tộc Dao đã gắn bó với nhà trường nhiều năm. Trong lớp của cô luôn có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số, một số em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, qua sự dạy bảo, dìu dắt của cô tất cả học sinh đều hoàn thành chương trình lớp học, các em hòa nhập rất nhanh với các bạn cùng trang lứa.
Trong công tác, cô Huệ là một giáo viên nhiệt huyết, luôn hết lòng vì học trò thân yêu. Cô sẵn sàng dành thời gian kèm cặp thêm miễn phí cho các học sinh còn hạn chế, luôn hỗ trợ đồng nghiệp trong giảng dạy, được đồng nghiệp quý mến. Vì lẽ đó, cô luôn được học sinh và phụ huynh tin yêu.
Trong quá trình công tác cô Huệ đạt nhiều thành tích cao. Cô hiện là tổ trưởng chuyên môn khối Một. Cô từng là giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp thành phố; giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường; báo cáo viên môn Tiếng Việt công nghệ giáo dục và môn Đạo đức cấp thành phố.
Ngoài chuyên môn giảng dạy, cô còn tham gia các phong trào của thể dục thể thao của trường, của ngành. Cô đã giành giải Nhất đôi nam nữ, đôi nữ môn cầu lông cấp thành phố; giải Nhì đôi nam nữ ngày hội văn hóa thể thao công nhân viên chức lao động tỉnh Quảng Ninh.