Cô giáo vùng xa đam mê sáng tạo
Trong 8 năm công tác tại Trường THPT Võ Trường Toản (xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ), cô Nguyễn Trần Kim Kiều đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc dạy và học môn Công nghệ. Cô không ngừng nỗ lực giúp học sinh biết ứng dụng lý thuyết vào thực tế, tạo ra những sản phẩm đoạt nhiều giải thưởng của Cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Sở GD-ĐT tổ chức.
Sau khi tốt nghiệp á khoa ngành Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp của Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh vào năm 2011, cô Kim Kiều bỏ qua nhiều sự lựa chọn hấp dẫn trong nghề nghiệp để quyết định “đầu quân” cho Trường THPT Võ Trường Toản để thực hiện ước mơ từ nhỏ của mình là được dạy học ở quê nhà, có điều kiện giúp các em học sinh vùng sâu, vùng xa trong học tập.
* Đổi mới, sáng tạo
Cô Kim Kiều tâm sự: “Môn công nghệ thường bị cho là khô khan, vì với các động cơ, máy móc, các bản vẽ nếu không có dụng cụ, mô hình thực tế thì học sinh sẽ phải học “chay” nên rất khó hình dung nguyên lý hoạt động của các động cơ, máy móc khiến đa số học sinh ngán học. Điều này khiến tôi luôn trăn trở tìm phương pháp giảng dạy dễ nhớ, dễ hiểu nhất để học sinh nắm kiến thức vững và biết ứng dụng vào thực tế”.
Thầy Phan Duy Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản cho biết, cô Nguyễn Trần Kim Kiều là một giáo viên năng động, tiếp thu nhanh và áp dụng tốt các phương pháp mới trong việc dạy học. Cô Kim Kiều còn thường xuyên giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hướng dẫn nhiều học sinh dự và đoạt giải trong các cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học các cấp, tạo ra môi trường tốt khuyến khích học sinh phát huy khả năng tìm tòi, sáng tạo.
Hơn 2 năm trước, cô Kim Kiều là một trong những giáo viên của Trường THPT Võ Trường Toản tiên phong trong việc ứng dụng bảng tương tác ActivInspire (là phần mềm dạy và học mới sử dụng trên các máy vi tính và bảng dạy học tương tác kết hợp với máy chiếu có thể hiển thị chương trình được giáo viên soạn sẵn trên máy tính). Cô thường xuyên lên internet tìm tòi cách soạn các bài giảng có thể sử dụng trên bảng tương tác này để tạo các tiết học công nghệ thú vị, sinh động, thu hút học sinh yêu thích học môn Công nghệ hơn.
Cô Kim Kiều còn mạnh dạn đưa các ý tưởng mới vào quá trình dạy học. Trong năm học 2016-2017, khi dạy các bài về đúc chi tiết máy bằng kim loại, để giúp học sinh dễ nắm bắt nội dung bài học, cô đã gợi ý cho học sinh dùng sáp đèn cầy (thay cho kim loại) nấu chảy đổ vào các khuôn để tạo thành các sản phẩm hoàn chỉnh, từ đó giúp các em hình dung được quy trình đúc chi tiết máy bằng kim loại. Đây cũng là ý tưởng đã giúp cô Kiều đoạt giải ba cấp tỉnh và giải nhất cấp quốc gia trong Cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học năm học 2016-2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Không những mê tìm tòi cái mới, giúp học sinh nắm bắt nội dung môn Công nghệ, cô Kim Kiều còn lan tỏa đam mê sáng tạo cho học sinh từ những gợi ý, hướng dẫn và đồng hành với các em qua nhiều cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học các cấp. Cô Kim Kiều luôn đưa ra gợi ý cho học sinh tự quan sát công việc hằng ngày trong nhà, dựa trên những khó khăn, vướng mắc thường gặp để mà sáng tạo ra những cách giúp làm công việc dễ dàng hơn.
Được trao truyền tinh thần sáng tạo từ cô Kim Kiều đến nay, qua 6 lần tham dự cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh do Sở GD-ĐT tổ chức, các em học sinh của cô đã giành được 2 giải nhì và 4 giải khuyến khích. Các sáng tạo đã đoạt giải như: “Hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt tự động điều khiển theo thời gian” thay vì dùng vòi tưới tay hay tưới tự động có thể làm lãng phí nước, các em đã tạo ra một hệ thống tưới nước theo dạng nhỏ giọt để cây hấp thụ trọn vẹn lượng nước, không lãng phí. Hoặc sáng tạo “Ngôi nhà của người bại liệt” dùng các bánh răng, khớp nối, ván trượt để làm thành các tủ, giường hỗ trợ việc tắm, các sinh hoạt hằng ngày cho người bại liệt...
* Nhiệt huyết với nghề
Cô Kim Kiều tâm sự, là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em ở xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ). Do cha cô bị tai nạn, liệt nửa người nên gia đình rất khó khăn. Từ nhỏ cô đã thấy anh chị của mình phải nghỉ học sớm để mưu sinh nên cô luôn theo đuổi ước mơ làm giáo viên để giúp cho nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Suốt 5 năm qua, cô Kim Kiều còn là Phó bí thư Đoàn trường năng nổ, nhiệt tình. Trong các năm học, cô lại cùng các đồng nghiệp tư vấn cho học sinh giải quyết những vướng mắc trong học tập, gia đình, tư vấn kỹ năng sống và nhất là giúp các em định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Để giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đến trường, từ ngày về giảng dạy ở Trường THPT Võ Trường Toản, cô Kiều luôn tích cực trong công tác khuyến học, vận động các mạnh thường quân giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cô không ngại mưa gió, tìm đến nhà học sinh ở tận rẫy sâu để xác minh hoàn cảnh thực tế và tìm hướng giúp đỡ các em.
Mới đây, em Đinh Trình Đang (lớp 11B11 Trường THPT Võ Trường Toản) bị u xương ác tính, gia đình rất khó khăn. Ngoài giờ học, em phải đi chẻ điều để kiếm thêm tiền phụ gia đình, đến khi chân quá đau, sưng phù không đi lại được mới chịu ở nhà. Nắm bắt được hoàn cảnh này, cô Kim Kiều đã đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường vận động thầy cô, học sinh trong trường, các nhà hảo tâm khác được hơn 26 triệu đồng để giúp em Đang đi điều trị bệnh ở TP.Hồ Chí Minh.
“Nhìn những học sinh khó khăn, tôi lại thấy hình ảnh của chính mình những ngày tháng cũ. Tôi sẽ cố gắng giúp đỡ hoặc vận động, kết nối các tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ, đồng hành cùng các em vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mong rằng, các em sẽ có thêm nghị lực, vượt qua khó khăn, học hành đến nơi đến chốn và tìm được một hướng đi phù hợp trong tương lai; sau này tiếp tục giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn khác như những gì tôi đang làm” - cô Kim Kiều bộc bạch.