Cô giáo xương thủy tinh 20 năm ngồi xe lăn dạy học miễn phí cho trẻ em

Bị bệnh xương thủy tinh, không thể vận động sinh hoạt bình thường, song Nguyễn Thị Ngọc Tâm vẫn miệt mài duy trì lớp học '5 không' cho các em nhỏ vùng quê Nam Định.

20 năm qua, ở trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định vẫn duy trì một lớp học mà bà con địa phương quen gọi là lớp học “5 không”.

Đó là lớp học cô Tâm bị bệnh xương thủy tinh mở ra để kèm cặp những đứa trẻ vùng quê. Lớp học không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Tâm (SN 1990) chỉ nặng khoảng 20kg, cao tầm nửa mét. Không may mắc phải căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh nên từ khi chào đời, một chân của chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm bị quặt ngược lên bụng, không thể duỗi thẳng.

Nhà nghèo quá, mãi đến năm 2 tuổi, gia đình mới có thể đưa tôi đi phẫu thuật chân. Tuy nhiên tôi vẫn không thể đi lại bình thường như bao đứa trẻ khác.

Mẹ kể đã nỗ lực luyện cho tôi tập đi nhưng mỗi lần tập xương lại rạn, gãy, bó bột xong về tập đi lại bị gãy. Có những thời điểm bó bột nằm 2 tháng khiến lưng tôi bị lở loét. Vì vậy, tôi đành chấp nhận gắn bó với chiếc xe lăn, mọi sinh hoạt hàng ngày của tôi đều phải nhờ người thân hỗ trợ”, cô Tâm kể.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh.

Bệnh tật, sinh hoạt khó khăn nên năm 8 tuổi (năm 1998), Ngọc Tâm mới bắt đầu đi học. “Khi ấy tôi hơn các bạn cùng lớp 2 tuổi, nhưng trông tôi chỉ như cô bé 4 tuổi. Được đến trường, nhìn thấy các thầy giáo, cô giáo đứng trên bục giảng, tôi ngưỡng mộ lắm, một ước mơ nung nấu trong đầu tôi đó là được trở thành một giáo viên. Các thầy cô giáo chính là nguồn cảm hứng để tôi yêu việc học và dạy học hơn”, Ngọc Tâm nhớ lại.

Từng có thời điểm, gia đình muốn Ngọc Tâm nghỉ học sớm nhưng cô gái nhỏ vẫn quyết tâm đến lớp. Những ngày khỏe mạnh, cô chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài và luôn hoàn thành tốt nội dung bài học. Những ngày đau ốm phải nằm viện hoặc điều trị ở nhà, chỉ cần đỡ mệt Ngọc Tâm lại mang sách ra học, bù lại thời gian không thể đến trường. Chính vì vậy, trong 9 năm học, Ngọc Tâm luôn đạt học sinh giỏi.

Học xong lớp 9, Ngọc Tâm và gia đình đối diện với thách thức gấp bội. “Nếu tiếp tục theo học lên trung học phổ thông, trường học cách nhà 15km trong khi sức khỏe của tôi yếu đi thấy rõ, việc đi lại vô cùng khó khăn, tôi buộc phải nghỉ học. 9 năm đi học chính là món quà vô giá, là khoảng thời gian để tôi dần chạm tới ước mơ trở thành cô giáo của mình”, Ngọc Tâm chia sẻ.

Nghỉ học đồng nghĩa với việc Ngọc Tâm lúc đó hiểu mình sẽ không thể trở thành cô giáo đứng trên bục giảng được. Tuy nhiên, Tâm vẫn mong muốn làm được việc gì đó để trở thành người có ích cho xã hội, thỏa mơ ước của bản thân. Năm 2004, bằng kiến thức tích lũy được trong 9 năm đi học và tự học, Tâm nhận dạy kèm thêm miễn phí cho học sinh tại nhà.

Cô giáo Ngọc Tâm giảng bài cho học sinh.

Cô giáo Ngọc Tâm giảng bài cho học sinh.

Cứ như vậy, lớp học mang tên “Ngọc Tâm thủy tinh” ra đời với tiêu chí “5 không”: không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án và không học phí.

Lớp học là căn phòng nhỏ 10m2 nhưng ở đó có lòng nhiệt huyết của một cô giáo đầy bản lĩnh, nghị lực, nỗ lực vượt qua bất hạnh để sống với ước mơ đời mình. Học trò ở đây đủ lứa tuổi khác nhau từ lớp 1 đến lớp 8, cứ ngày nào được nghỉ trên trường các em lại đến lớp học cô giáo Tâm.

Lớp học thường đông học sinh nhất vào ngày cuối tuần và dịp các em nghỉ hè, nghỉ học trên lớp. Có thời điểm đông, khoảng 20 học sinh, tôi phải chia ra thành hai ca một ngày. Những ngày bình thường, em nào không phải học trên lớp, có nhu cầu học hoặc đến hỏi bài tôi vẫn dạy bình thường”, Ngọc Tâm chia sẻ.

Trong lớp học, cô giáo Tâm không thể đứng trên bục giảng, không thể cầm phấn viết bảng nhưng vẫn giúp đỡ học trò theo cách riêng của mình. Mỗi vấn đề các em hỏi, cô Tâm đều nghiên cứu kỹ lưỡng, sau đó tổng hợp lại sao cho dễ hiểu nhất để truyền đạt lại, hướng dẫn các em.

Đến lớp học này, học sinh không chỉ được học chữ mà còn được truyền cảm hứng về nghị lực sống và những kỹ năng vượt qua thử thách để thành công. Cách xưng hô ở đây cũng chẳng giống nơi nào. Có bạn gọi là cô, nhưng nhiều bạn gọi là chị, là mẹ vì các em coi cô Tâm như người thân của mình.

Cô giáo Tâm tỉ mỉ chỉ bảo học sinh làm bài tập.

Cô giáo Tâm tỉ mỉ chỉ bảo học sinh làm bài tập.

Để đảm bảo cập nhật kiến thức, nhất là chuẩn kiến thức theo chương trình sách giáo khoa mới, Ngọc Tâm đã tự học, tự nghiên cứu trên sách vở, trên mạng internet. Để học sinh đam mê và thích học, cô giáo Tâm còn tìm tòi các phương pháp dạy học mới nhằm giúp các em tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất.

Trong số học sinh theo học tại lớp học "Ngọc Tâm thủy tinh", có nhiều em được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi và sau này bước tiếp vào nhiều trường đại học danh tiếng, trở thành những con người có ích, đóng góp sức mình vào sự phát triển của xã hội.

Em Lê Văn Toàn (14 tuổi, học sinh lớp 7) cho hay: “Cô Tâm giảng bài rất dễ hiểu, cô chỉ bảo bài học cho chúng em một cách tận tình. Cô còn uốn nắn từng nét chữ, động viên chúng em luôn tự tin trở thành người có ích”.

Khi được hỏi có bao giờ nghĩ đến chuyện lớp học dừng hoạt động không, Ngọc Tâm nói không chút đắn đo: “Chỉ cần trái tim còn đập, Tâm còn thở thì lớp học vẫn tiếp tục”.

Bà Nguyễn Thanh Sự, mẹ của Ngọc Tâm, là người luôn đồng hành cùng cô.

Bà Nguyễn Thanh Sự, mẹ của Ngọc Tâm, là người luôn đồng hành cùng cô.

Mạnh mẽ, lạc quan, gương mặt sáng với khuôn miệng luôn cười, Ngọc Tâm luôn nghĩ tích cực, sống hướng thiện mọi lúc, mọi nơi. “Bác sĩ bảo tôi chỉ sống được đến năm 30 tuổi, vậy mà giờ tôi đã 34 tuổi rồi. Tôi luôn suy nghĩ tích cực, từ đó sẽ có những hành động tích cực. Từ hành động tích cực sẽ trở thành thói quen và luôn sống tích cực”, Ngọc Tâm nói.

Nhiều năm dạy học, mỗi lần lên lớp là mỗi lần Ngọc Tâm cần tới sự giúp đỡ của bố mẹ để kê bàn ghế, sắp xếp sách vở cho học sinh. Nhưng đối với bố mẹ Ngọc Tâm, dù vất vả thế nào, chỉ cần được thấy Ngọc Tâm sống và thực hiện ước mơ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất.

Bà Nguyễn Thanh Sự, mẹ Ngọc Tâm xúc động chia sẻ: “Nhiều lúc đứng ngoài cửa sổ nhìn Tâm giảng bài, tôi hạnh phúc lắm. Tôi tự hào vì Tâm đã làm được điều bản thân mong muốn, những điều có ích cho bản thân và cho mọi người. Chỉ mong Tâm có sức khỏe để tiếp tục thực hiện ước mơ của mình”.

Bên cạnh việc mở lớp dạy học, Ngọc Tâm còn sáng lập Quỹ Học bổng "Ngọc Tâm thủy tinh". Mỗi dịp kết thúc học kỳ, kết thúc năm học, lớp học "Ngọc Tâm thủy tinh" dành những phần thưởng, những món quà cho các em nhỏ vùng quê nghèo. Cô giáo Ngọc Tâm còn xây dựng tủ sách gồm 1.500 đầu sách với mong muốn có thể mang đến tri thức đến với các em nhỏ.

Cô giáo Ngọc Tâm được trao nhiều giải thưởng.

Cô giáo Ngọc Tâm được trao nhiều giải thưởng.

Nói về những dự định trong tương lai, Ngọc Tâm cho biết: “Lớp học 'Ngọc Tâm thủy tinh' giờ đây không chỉ là ước mơ mà đã trở thành sự thật. Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để tiếp tục cống hiến và sống một cuộc đời ý nghĩa, không chỉ vào việc dạy học mà còn là nguồn cảm hứng, truyền động lực cho học trò vươn lên sống tốt, sống đẹp”.

Nếu không thể thay đổi được sa mạc ta có thể làm xương rồng” - đó là điều Nguyễn Thị Ngọc Tâm luôn tâm niệm trong suốt hành trình sống vượt lên hoàn cảnh của mình.

Năm 2020, Nguyễn Thị Ngọc Tâm trở thành một trong 10 gương mặt tiêu biểu nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2020 do Trung ương Đoàn trao tặng và là một trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu của chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt 2020 (Bằng khen Ủy ban Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam).

Tháng 3/2022, Ngọc Tâm là một trong 5 nhân vật được vinh danh “Sống đẹp” do báo Thanh Niên tổ chức. Tháng 11 cùng năm, Ngọc Tâm tiếp tục trở thành một trong 4 cá nhân trên cả nước nhận Giải thưởng KOVA, hạng mục “Sống đẹp”.

Năm 2023, Ngọc Tâm được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022, lĩnh vực hoạt động xã hội.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/co-giao-xuong-thuy-tinh-20-nam-ngoi-xe-lan-day-hoc-mien-phi-cho-tre-em-ar873950.html