Cô giáo yêu cầu học trò đem đủ 10.000 hạt gạo đến lớp, cả nhà vừa bực tức vừa miệt mài đếm đến nửa đêm
Hôm sau, đưa con đến lớp, người mẹ nhất quyết phải hỏi cho ra lẽ lý do vì sao cô giáo lại giao một bài tập vô lý và tốn nhiều thời gian như thế. Tuy nhiên, lời giải thích về cách gỡ rối yêu cầu trên của cô giáo sau đó đã khiến cả nhà vỡ lẽ.
Câu chuyện 10.000 hạt gạo này có liên quan đến bài tập về nhà mà cậu bé học mẫu giáo có tên Bảo Bảo đến từ Trung Quốc nhận được từ giáo viên của mình.
Theo đó, một hôm sau khi đi học về, Bảo Bảo đã nói với bố mẹ về yêu cầu của cô giáo: Mỗi học trò phải đem 10.000 hạt gạo tới lớp vào sáng mai, không được hơn hay thiếu.
Bài tập này khiến bố mẹ Bảo Bảo khó hiểu, tuy nhiên, bài tập về nhà nên bố mẹ không thể làm gì khác ngoài việc hỗ trợ con và hợp tác với cô giáo.
Thế là sau buổi cơm tối, cả nhà cặm cụi lấy gạo trong bếp, lần lượt đếm cẩn thận từng hạt một rồi để vào một chiếc lọ. Nhưng để đếm xong 10.000 hạt trong khoảng thời gian ngắn quả là bất khả thi, nên dù đã chập choạng 10 giờ đêm vẫn chưa thể hoàn thành được nửa số gạo cần có.
Vì thấy con buồn ngủ nên họ nói con lên giường trước, còn đôi vợ chồng vẫn miệt mài với việc đếm gạo. Đến hơn nửa đêm thì công việc trên cũng hoàn thành.
Hôm sau, đưa con đến lớp, người mẹ nhất quyết phải hỏi cho ra lẽ lý do vì sao cô giáo lại giao một bài tập vô lý và tốn nhiều thời gian như thế.
Thấy vậy, cô giáo ôn tồn giải thích: "Nó không hề mất thời gian, thưa chị. Vì nếu chị đếm xong 100 hạt gạo và đem đi cân, các lần khác chị chỉ cần đong sao cho bằng với số cân 100 hạt gạo ban đầu là chị có thể tiết kiệm được thời gian rồi!"
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên bài toán mẹo này xuất hiện. Trước đó, vào năm 2018, một giáo viên dạy toán tiểu học họ Tô ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cũng giao bài tập cho các học sinh lớp 5 là đếm 100 triệu hạt gạo trong vòng hai ngày rồi mang chúng đến trường.
Nhiều phụ huynh đã phản đối bài tập này, cáo buộc cô Tô "công khai tra tấn" học sinh. Các phụ huynh đưa ra lí lẽ, nếu cứ 1 giây các em đếm được 3 hạt gạo thì các em sẽ mất khoảng một năm đếm không ngừng nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, có những người lập luận rằng cô Tô có lẽ chỉ muốn giúp học sinh phát triển tư duy, thoát khỏi cách suy nghĩ theo khuôn mẫu. Một phụ huynh cho biết cô yêu cầu con mình đếm 100 hoặc 1.000 hạt gạo trước, sau đó đem cân rồi nhân lên cho tới khi đạt khối lượng tương đương 100 triệu hạt gạo. Người này nói thêm rằng bài tập còn giúp rèn tính kiên nhẫn cho trẻ em.
Trước những băn khoăn và sự bức xúc của phụ huynh, cô Tô cũng giải thích rằng cô hướng đến mục tiêu khuyến khích học sinh tư duy phản biện, giúp các em học cách phân tích và giải quyết vấn đề, đồng thời cảm nhận được độ lớn của con số 100 triệu.
Theo cô giáo Tô, thay vì đếm từng hạt gạo, cô hy vọng các học sinh đếm 100 hạt trước, sau đó nhân với 10 hoặc 100, cho tới khi đạt 100 triệu.
Giáo viên này cho biết đã có 10 trong số 40 học sinh của mình hoàn thành bài tập đặc biệt bằng cách sử dụng cốc đo lường hoặc các dụng cụ khác để đếm gạo.
(Nguồn: Sina, Shanghaiist )