Cơ giới hóa đưa nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển bền vững

Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân và ngành nông nghiệp. Trong đó, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường.

Giảm chi phí - tăng năng suất

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Láng Lớn, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi vào hoạt động từ cuối năm 2023, hiện có 7 xã viên chuyên canh cây bơ với diện tích hơn 40 ha.

Ông Phùng Văn Hòa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Láng Lớn, huyện Châu Đức cho biết, việc chọn cây bơ làm cây chủ lực là do sản phẩm trái có năng suất, đầu ra ổn định, các thành viên có tâm huyết với loại cây này.

Tháng 1 năm 2025, HTX được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật phục vụ canh tác bơ thông minh, trong chương trình hỗ trợ thiết bị ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được triển khai trong những năm qua.

Theo ông Hòa, từ khi áp dụng thiết bị phun thuốc vào canh tác thay cho việc bơm thủ công, chi phí đầu tư giảm đảng kể, lượng sâu bệnh gây hại giảm hẳn, chất lượng trái ngày càng cải thiện, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nông dân HTX bơ Láng Lớn điều khiển máy bay phun thuốc

Nông dân HTX bơ Láng Lớn điều khiển máy bay phun thuốc

"Hiện đa số người dân phun thuốc bằng thủ công (bơm cao áp), 1 ha tiêu hao 3 phuy (600 lít nước) sẽ không không đều, thời gian bơm kéo dài, bơm chỗ này thì chỗ kia sâu bệnh phát triển, không hiệu quả. Từ khi chuyển qua phun bằng máy bay thì lượng nước chỉ còn 1 phuy, thuốc thì giảm 50%. Thay vì trước đây bơm thủ công thì mất 2 giờ/ha, hiện chỉ là 40 phút. Dùng máy bay có thể phun 20 ha/ngày, tỷ lệ phun được phủ rộng, tốc độ diệt sâu bệnh nhanh hơn, hiệu quả hơn rất nhiều". Ông Hòa cho biết.

Cũng trong đầu tháng 1/2025, 11 hộ sản xuất muối trên địa bàn huyện Long Đất được hỗ trợ hơn 20 ngàn 300 m2 bạt nhựa và máy bơm nước để phục vụ việc làm muối trải bạt với kinh phí hơn 800 triệu đồng.

Việc này đã giúp các hộ làm muối nhanh hơn, thuận tiện hơn, góp phần tăng năng suất, sản lượng muối và tăng thu nhập cho diêm dân.

Ông Nguyễn Văn Gia, xã Tam An, huyện Long Đất với hệ thống ruộng muối áp dụng phương pháp trải bạt

Ông Nguyễn Văn Gia, xã Tam An, huyện Long Đất với hệ thống ruộng muối áp dụng phương pháp trải bạt

Ông Nguyễn Văn Gia, diêm dân ở xã Tam An, huyện Long Đất cho biết, tuy chất lượng muối trải bạt và muối truyền thống tương đương nhau, nhưng thời gian kết tinh hạt muối trải bạt nhanh hơn, thu hoạch ngắn hơn, hạt muối chắc khỏe hơn.

"Chất lượng giữa muối trải bạt và muối đất (muối truyền thống) như nhau, tuy nhiên muối truyền thống thì từ ngày kết tinh đến ngày thu hoạch là 14-15 ngày, còn muối trải bạt khoảng 10 ngày là thu hoạch được rồi. Nguyên nhân do lượng nước vào ao nhiều, giữ được 10 ngày mới cạn, hạt muối kết lại với nhau, rất cứng hạt. Thời tiết nắng ráo, muối trải bạt có thể cào sớm hơn từ 5-7 ngày. Ông Gia chia sẻ.

Hướng đến nông nghiệp hiện đại

Để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các thiết bị, mô hình cải tiến trong sản xuất, từ năm 2024, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã hỗ trợ thực hiện 10 mô hình cơ giới hóa trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch ở các huyện: Châu Đức, Long Đất, Xuyên Mộc và thành phố Bà Rịa với tổng kinh phí gần 7,4 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có hơn 400 loại máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với hơn 120 ngàn chiếc, chủ yếu sử dụng trong khai thác hải sản, chăn nuôi và trồng trọt. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt 100%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 80%, thu hoạch và sấy khoảng 40%.

Phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái giúp nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian

Phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái giúp nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian

Các mô hình này đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển bền vững. Đồng thời tạo nền tảng vững chắc hướng đến sản xuất hàng hóa, thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong các chương trình, dự án áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn, đã có nhiều loại trang thiết bị, máy nông nghiệp được hỗ trợ, giúp giảm công lao động, tăng hiệu quả sản xuất.

Cụ thể, việc hỗ trợ máy móc nhằm giúp nông dân giảm tổn thất, giảm chi phí vật tư, giảm thời gian canh tác và bảo vệ sức khỏe cho người nông dân. Có sự tham gia của máy móc thiết bị trong sản xuất còn giúp tăng liên kết sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng cho sản phẩm, tạo ra sản phẩm xuất khẩu chất lượng, nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm trên thị trường, tạo việc làm ổn định cho người nông dân.

Sản xuất muối bằng phương pháp trải bạt tạo ra hạt muốn chắc khỏe

Sản xuất muối bằng phương pháp trải bạt tạo ra hạt muốn chắc khỏe

"Cơ giới hóa trong nông nghiệp là chiến lược phát triển nông nghiệp của Trung ương, đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp cũng hướng đến mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch, tiến đến tạo ra tiền đề chế biến sâu trong sản xuất. Đây là nền tảng xây dựng sản phẩm OCOP và tạo ra giá trị gia tăng cho hàng hóa nông sản". Ông Đăng khẳng định.

Cơ giới hóa nông nghiệp tại Bà Rịa – Vũng Tàu đang trên đà phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Với sự hỗ trợ từ chính quyền và doanh nghiệp cùng sự tích cực của nông dân, ngành nông nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu nỗ lực bứt phá để trở thành một trong những vùng sản xuất nông nghiệp hiện đại trong tương lai gần.

Lưu Sơn/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/co-gioi-hoa-dua-nong-nghiep-ba-ria-vung-tau-phat-trien-ben-vung-post1189931.vov