Trò lừa dối bằng 'giấy thông hành' người nổi tiếng

Đây không phải lần đầu 'người nổi tiếng' vướng vòng lao lý. Nhưng tính chất vụ việc lần này liên quan Quang Linh Vlogs và Hằng Du mục đặc biệt nghiêm trọng.

Cơ quan điều tra bắt tạm giam Quang Linh Vlogs. Ảnh: VTV

Cơ quan điều tra bắt tạm giam Quang Linh Vlogs. Ảnh: VTV

Họ từng được ca ngợi là những “công dân toàn cầu”, mang hình ảnh tích cực của người Việt ra thế giới. Bởi vậy, sự kiện Quang Linh Vlogs và Hằng Du mục bị bắt vì sản xuất hàng giả đã tạo ra cú sốc lớn với cộng đồng mạng. Phía sau vỏ bọc của những clip thiện nguyện, cuộc sống du mục lãng mạn là một chuỗi hành vi có dấu hiệu tổ chức phạm tội bài bản.

Người nổi tiếng phạm tội

Từ góc độ tội phạm học, có thể nhận diện một số đặc điểm nổi bật trong hành vi phạm tội của người nổi tiếng – cụ thể là các KOLs, YouTubers hay TikTokers.

Thứ nhất, họ có “thương hiệu cá nhân” – một dạng tín nhiệm xã hội mà phần lớn người tiêu dùng đặt niềm tin mà không cần kiểm chứng. Niềm tin này, khi bị phản bội, để lại tổn thương sâu sắc không chỉ cho cá nhân mà cho cả cộng đồng.

Thứ hai, hành vi phạm tội của người nổi tiếng thường được ngụy trang bằng vỏ bọc đạo đức, nhân văn. Họ không phạm tội theo kiểu liều lĩnh hay thô bạo, mà thường tính toán kỹ, sử dụng hình ảnh cá nhân như một tấm chắn đạo đức để che giấu hành vi trục lợi phía sau.

Thứ ba, họ sở hữu khả năng dẫn dắt dư luận. Khi bị phát hiện, không ít trường hợp còn sử dụng chính mạng xã hội như một công cụ để đánh lạc hướng, phủ nhận trách nhiệm hoặc tạo cảm xúc thương hại nhằm né tránh pháp luật.

Không ai ngờ rằng, chỉ sau vài tháng từ những video thiện nguyện ở châu Phi, hình ảnh Quang Linh Vlogs – người được ví là “sứ giả thiện chí” – lại xuất hiện trong một bối cảnh hoàn toàn trái ngược: bị bắt vì sản xuất và buôn bán hàng giả. Người hâm mộ bàng hoàng. Cộng đồng mạng chia rẽ.

Đây không phải lần đầu người nổi tiếng vướng vòng lao lý. Nhưng tính chất vụ việc lần này đặc biệt nghiêm trọng ở chỗ: những cá nhân vi phạm từng được coi là “hình mẫu truyền cảm hứng”. Họ sở hữu lượng người theo dõi khổng lồ, có sức ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt trong giới trẻ. Việc lợi dụng danh tiếng để kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí có dấu hiệu giả mạo, đẩy mức độ nguy hiểm lên cao hơn nhiều so với những vụ sản xuất hàng giả thông thường.

Vì đâu nên nỗi?

Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục quảng cáo 1 viên kẹo tương đương với 1 đĩa rau. Ảnh: INTERNET

Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục quảng cáo 1 viên kẹo tương đương với 1 đĩa rau. Ảnh: INTERNET

Hành vi phạm tội không bao giờ là ngẫu nhiên. Trong vụ việc này, động cơ của các bị can có thể đến từ sự pha trộn của ba yếu tố: áp lực tài chính - kỳ vọng danh tiếng - sự buông lỏng pháp lý.

Khi đã ở “đỉnh lưu lượng truy cập”, các KOLs đối mặt với áp lực phải duy trì sức nóng. Họ buộc phải liên tục sản xuất nội dung, duy trì tương tác, tạo ra các sản phẩm “ăn khách” để giữ vị thế. Đi kèm với đó là nhu cầu tài chính ngày càng tăng. Trong môi trường mà tốc độ được coi trọng hơn chất lượng, không ít người đã chọn con đường ngắn: lợi dụng danh tiếng để bán hàng không kiểm soát, thậm chí hàng giả.

Cùng với đó, lỗ hổng trong giám sát các hoạt động thương mại – quảng cáo trên nền tảng số đã tiếp tay cho sai phạm. Hiện nay, không ít sản phẩm do KOLs quảng bá hoặc trực tiếp sản xuất hoàn toàn không được cấp phép, không kiểm định chất lượng, nhưng vẫn ngang nhiên được tung ra thị trường với những lời cam kết mỹ miều.

Niềm tin đổ vỡ

Một vụ án có thể ảnh hưởng đến vài cá nhân, nhưng một vụ án liên quan đến người nổi tiếng sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người theo dõi. Giới trẻ - vốn là nhóm hâm mộ trung thành - dễ rơi vào tâm lý mất phương hướng, hoài nghi, thậm chí trở nên bất cần sau những vụ việc kiểu này.

Sự sụp đổ của thần tượng không chỉ làm xói mòn niềm tin, mà còn vô hình trung gieo rắc quan điểm lệch lạc: rằng đạo đức chỉ là công cụ để kinh doanh hình ảnh, rằng hào quang có thể được tạo dựng bằng kịch bản, còn vi phạm pháp luật thì “xử lý sau”.

Hậu quả dài hạn là sự xuống cấp của các chuẩn mực xã hội. Người dân bắt đầu hoài nghi cả những cá nhân thực sự tử tế. Sự nghi ngờ lan rộng, dẫn tới tâm lý phòng thủ, cô lập và giảm sút niềm tin vào cộng đồng.

Đừng cổ súy hay tiếp tay

Không thể phủ nhận mặt tích cực của mạng xã hội trong việc lan tỏa thông tin, giám sát xã hội. Nhưng trong không ít trường hợp, chính mạng xã hội lại trở thành mảnh đất màu mỡ để những “thần tượng ảo” thao túng công chúng. Họ xây dựng hình ảnh một cách có chủ đích, tạo ra những “content nhân văn” để thu hút niềm tin – từ đó đưa ra sản phẩm hoặc dịch vụ kém chất lượng nhưng vẫn được đón nhận.

Cơ chế kiểm duyệt của các nền tảng còn nhiều bất cập. Trong khi những người bán hàng nhỏ lẻ phải đăng ký kinh doanh, kê khai nguồn gốc sản phẩm thì nhiều KOLs lại được “ưu ái” bởi thuật toán - miễn là họ thu hút được tương tác.

Câu hỏi đặt ra là: ai kiểm soát nội dung quảng bá của KOLs? Ai chịu trách nhiệm khi họ sai phạm? Và bao lâu nữa thì chúng ta mới có một khung pháp lý rõ ràng cho nền kinh tế sáng tạo trên môi trường số?

Vụ việc Quang Linh Vlogs và Hằng Du mục không chỉ là lời cảnh báo cho những ai đang muốn “lên đời” nhờ mạng xã hội, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh với những người làm nên chính sách quản lý của Nhà nước trong thời đại số. Khi danh tiếng được dùng làm công cụ trục lợi, khi lòng tin xã hội bị lạm dụng, khai thác, khi hào quang trở thành thứ che giấu sự tha hóa, thì pháp luật phải là lằn ranh rõ ràng nhất.

Giữ sạch không gian mạng không chỉ là việc của cơ quan chức năng, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dùng - mỗi người trẻ - và mỗi người có ảnh hưởng.

Thượng tá, Tiến sĩ ĐÀO TRUNG HIẾU, chuyên gia tội phạm học

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tro-lua-doi-bang-giay-thong-hanh-nguoi-noi-tieng-408798.html