Cơ giới hóa nông nghiệp: Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Những năm gần đây, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Gia đình chị Ma Thị Thơm, ở xóm Đoàn Kết, xã Trung Hội (Định Hóa), có 1 mẫu ruộng trồng lúa. Trước đây, mỗi khi vào vụ thu hoạch, chị Thơm phải bỏ ra hơn 2 triệu đồng để thuê người về gặt. Có thời điểm, lúa đã chín vàng nhưng chị vẫn không thuê được người. Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ sử dụng máy gặt đập liên hoàn, chỉ sau 1 tiếng đồng hồ, toàn bộ diện tích ruộng của gia đình chị Thơm đã được thu hoạch xong, tiết kiệm thời gian, nhân công và chi phí sản xuất.
Chị Thơm chia sẻ: Không chỉ ở khâu thu hoạch, khâu làm đất cũng được sử dụng máy cày, máy bừa để đẩy nhanh tiến độ sản xuất cho kịp khung thời vụ. Nhờ có máy móc, bà con chúng tôi cũng giảm bớt được những công việc đồng áng nặng nhọc.
Đối với các hộ sản xuất chè, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất được bà con sử dụng ở các khâu: Lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; sử dụng máy sao, vò chè bằng điện; máy đóng gói tự động; máy hút chân không...
Chị Tống Thị Xuyến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè an toàn Hoan Xuyến, xã Vô Tranh (Phú Lương), thông tin: Trước đây, để làm ra 1 mẻ chè, chúng tôi phải bỏ ra nhiều công sức. Vì sao và vò chè bằng tay, đun bằng bếp củi nên chè luôn bị ám khói. Giờ đây, công việc nhà nông đã nhàn hơn rất nhiều, chúng tôi chỉ việc cắm điện và điều chỉnh các công đoạn diệt men, sao khô và lên hương để cho ra những mẻ chè thơm ngon.
Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, HTX còn sử dụng máy hút chân không và kho lạnh để bảo quản chè, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Trên nương chè, với hệ thống tưới tiết kiệm chỉ cần bật công tắc là tự động tưới, giúp cây chè luôn đảm bảo đủ độ ẩm, hấp thu tốt chất dinh dưỡng nên búp mập, cho thu hái 8 lứa/năm, tăng 2 lứa so với trước đây.
Ưu điểm vượt trội về nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, giải phóng sức lao động là những yếu tố giúp cho việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh đã áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt khoảng 93%; khâu thu hoạch lúa đạt 70%; khâu vận chuyển nông sản là 85-90%; tưới nước 90%. Đối với cây chè, bà con chủ yếu áp dụng cơ giới hóa trong khâu đốn chè đạt khoảng 90%; hái chè bằng máy khoảng 20%.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại, gia trại đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ chuồng nuôi khép kín; sử dụng hệ thống máng ăn, núm uống nước tự động; đầu tư máy chế biến thức ăn cho vật nuôi. Hiện nay, việc áp dụng cơ giới hóa trong các khâu cung cấp nước, thức ăn tự động đạt 80%; xử lý môi trường chăn nuôi đạt 60%. Đối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, cơ giới hóa nằm ở việc áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi (ủ phân, biogas, đệm lót sinh học) chiếm khoảng 65%.
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất còn giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động nông thôn, duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực.
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên: Quá trình cơ giới hóa trên đồng ruộng trong những năm qua đã thu được những kết quả tích cực. Từ đó, góp phần thay đổi tư duy canh tác thủ công, bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Về phía cơ quan chức năng, Chi cục cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ máy móc cho một số hợp tác xã, như: máy sao chè bằng gas, bằng điện; máy đóng gói chè tự động, máy hút chân không; hệ thống tưới tiết kiệm…
Để tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, hiện nay, bà con nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung canh tác trên cánh đồng lớn, cấy cùng trà, cùng giống, thu hoạch cùng thời điểm. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cũng chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất.
Ngành chức năng cũng tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm, xây dựng nền nông nghiệp ngày càng hiện đại...