Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp: Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Nhiều nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai đã đầu tư cơ giới hóa các khâu trong quy trình sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên một diện tích.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 285 ngàn máy móc, thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất cây trồng hàng năm đạt trên 90%; cây trồng lâu năm đạt 58,8%. Trong đó, việc áp dụng cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt khoảng 80%; gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đạt gần 40%.
Việc sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất nông nghiệp đã kéo giảm chi phí trong các khâu làm đất, chăm sóc. Đặc biệt, đối với các loại cây trồng hàng năm như lúa, mía, bắp… bà con nông dân đã áp dụng cơ giới hóa trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch. Nhất là tại các cánh đồng lúa lớn, vùng nguyên liệu mía tập trung liền vùng, liền thửa, người dân thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch mía hiện đại. Bên cạnh đó, việc sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng máy sấy nông sản; áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước, phun mưa cho cây cà phê, mía cũng trở nên phổ biến. Còn với cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả, việc cơ giới hóa chủ yếu ở khâu làm đất, phát cỏ, bón phân, phun thuốc. Về chăn nuôi, hầu hết các trang trại đã đầu tư máy móc, trang-thiết bị hiện đại như hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động, máy chế biến thức ăn…
Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: Hiện nay, người dân sử dụng các loại máy móc, trang-thiết bị trong khâu làm đất, chăm sóc cây trồng để giảm sức lao động. Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đều áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Theo Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 16-10-2021 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình khuyến nông địa phương giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực cơ giới hóa sẽ thực hiện 34 mô hình. Riêng năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ 2 mô hình cơ giới hóa tại huyện Phú Thiện gồm máy cuốn rơm tự động và máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật với kinh phí hơn 770 triệu đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70%, người dân đối ứng 30%.
Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, giảm được công lao động và giảm 50% chi phí thu hoạch. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ trương này cũng gặp không ít khó khăn. Theo đó, việc áp dụng cơ giới hóa mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất, chế biến nông-lâm sản trên địa bàn. Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu chế biến ở dạng thô, tỷ lệ chế biến sâu còn thấp. Máy móc thiết bị chủ yếu do người dân và doanh nghiệp tự đầu tư, Nhà nước có hỗ trợ thông qua chương trình khuyến công, khuyến nông nhưng không đáng kể. Mức độ cơ giới hóa chưa cao, chủ yếu là trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, tỷ lệ cơ giới hóa mới đạt gần 15%. Bên cạnh đó, địa hình đồi dốc, giao thông nội đồng hạn chế, diện tích ruộng nhỏ lẻ ảnh hưởng đến việc cơ giới hóa đồng bộ và ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong khi việc đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Ngoài ra, chưa có sự gắn kết giữa người dân và doanh nghiệp trong áp dụng cơ giới hóa cũng như chưa hình thành nhiều tổ hợp tác phát triển cơ giới hóa nông nghiệp ở từng địa phương.
Ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Những năm gần đây, nhiều nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã đã đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiệt hại sau thu hoạch và tiết giảm được nhiều chi phí, tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích. Đây là hướng đi đúng, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững.
“Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và chế biến nông-lâm-thủy sản. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông-lâm-thủy sản. Khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng chế máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản. Ưu tiên hỗ trợ phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ cơ giới hóa ở các địa phương, tăng tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông-lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Tuyên truyền các chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển cơ giới hóa, hình thành các trung tâm, cụm liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản gắn với vùng nguyên liệu tập trung. Hoàn thiện hạ tầng nông thôn phục vụ cơ giới hóa. Tổ chức các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ phù hợp với từng vùng, địa phương”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm.