Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế

ĐBP - Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giảm được nhiều chi phí, tiết kiệm thời gian, công lao động, thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch; thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Thế nhưng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp, do nhiều nguyên nhân.

Nông dân huyện Điện Biên thu hoạch lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 bằng máy gặt đập liên hợp.

Những năm qua, huyện Điện Biên đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, như: Khuyến khích, hỗ trợ hợp tác xã, hộ dân đầu tư mua các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Xác định khâu gieo cấy quan trọng, nhằm hạn chế tình trạng lúa lẫn, từ vụ mùa năm 2018, huyện Điện Biên đã khuyến khích người dân thay đổi phương pháp xuống giống từ gieo sạ sang cấy bằng máy với chính sách hỗ trợ 50% kinh phí mua máy cấy kéo tay; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sử dụng máy, làm mạ và chăm sóc lúa. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2022 toàn huyện có 500ha/vụ cấy lúa bằng máy và đến năm 2025 có 1.500ha/vụ. Tuy nhiên đến nay tỷ lệ cơ giới hóa trên địa bàn huyện chưa cao, trừ các xã vùng lòng chảo đạt trên 90% trong khâu làm đất, trên 50% trong khâu thu hoạch, đối với các xã vùng ngoài như Mường Pồn, Na Ư, Thanh Nưa… tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp; một số khâu trong sản xuất chưa thực hiện.

Huyện Điện Biên có điều kiện khá thuận lợi mà tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất còn hạn chế thì đối với các địa bàn khác trong tỉnh, cơ giới hóa càng khó khăn hơn, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số mua máy móc, nông cụ đã được triển khai như: Chương trình 135/CP, Nghị quyết 30a/CP, chương trình xây dựng nông thôn mới… Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện chính sách dân tộc (riêng ngành nông nghiệp tỉnh), từ Chương trình 135/CP toàn tỉnh đã hỗ trợ 2.342 bộ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản cho các hộ và nhóm hộ dân tộc thiểu số; từ nguồn vốn Chương trình 30a đã có 1.515 hộ được hỗ trợ dụng cụ và máy sản xuất nông sản. Song thực tế thì hiệu quả chưa như kỳ vọng, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rất thấp.

Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 1.741 máy kéo, hơn 4.800 máy tuốt lúa; hơn 6.100 máy xay xát lúa, ngô; 8.000 máy bơm thuốc trừ sâu và gần 2.700 máy chế biến thức ăn thô (băm, thái). Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của tỉnh mới chỉ tập trung ở cây lúa với các khâu chủ yếu như: Làm đất, thu hoạch và vận chuyển. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất nông lâm, thủy sản, cơ giới hóa mới chỉ được áp dụng trên các cây trồng trọng yếu tập trung ở khâu làm đất (70%), phun thuốc bảo vệ thực vật (77,55) và tuốt lúa (60%). Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay vẫn chủ yếu thực hiện theo hình thức chăn nuôi thủ công; tỷ lệ cơ giới hóa các khâu trong chăn nuôi rất thấp (khâu thu hoạch khoảng 5%, khâu chuồng trại 30%), chủ yếu tập trung trong chăn nuôi lợn, gà. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, hiện nay có 70% khối lượng công việc vẫn được làm thủ công; áp dụng cơ giới hóa mới chỉ thực hiện được trên hai khâu là: chặt hạ và vận chuyển; còn nhiều khâu sản xuất quan trọng có khối lượng công việc lớn như: trồng, chăm sóc, chữa cháy, bốc xếp, chế biến… tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa chỉ đạt khoảng 5 - 10%.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do thực trạng ruộng đất còn manh mún, nhỏ lẻ nhất là ở các huyện vùng cao. Bên cạnh đó nhiều hộ dân, nhóm hộ sau khi được hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, canh tác nhưng chưa phát huy hiệu quả; chưa quan tâm bảo quản, sửa chữa máy móc khi bị hỏng, vẫn còn tâm lý “cha chung không ai khóc”. Trong khi đó, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn thấp nên việc đầu tư mới hoàn toàn các thiết bị cơ giới bằng 100% nguồn vốn của người sản xuất là rất hạn chế. Ví dụ một máy gặt đập liên hợp có giá từ 150 - 300 triệu đồng, thậm chí cao hơn tùy từng loại máy, trong khi thu hồi vốn chậm nên nông dân không có vốn để đầu tư.

Bài, ảnh: Thu Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/187775/co-gioi-hoa-trong-san-xuat-nong-nghiep-con-han-che