Có hại cho sức khỏe, vì sao thuốc lá điện tử vẫn hấp dẫn giới trẻ?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng tất cả các loại thuốc lá, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (thuốc lá mới) đều có hại.

Dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp

Thiết bị thuốc lá điện tử bao gồm bộ phận pin, sạc; bộ phận gia nhiệt, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử. Thuốc lá điện tử hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch lỏng hòa tan, tạo ra dạng khí dung cho người dùng hít vào.

 Thuốc lá điện tử có thể gây dị ứng, ngộ độc và tổn thương phổi cấp.

Thuốc lá điện tử có thể gây dị ứng, ngộ độc và tổn thương phổi cấp.

Thuốc lá điện tử có hai loại: (1) Loại ống chứa dung dịch nắp mở để người sử dụng có thể tự pha trộn, đổ, thêm dung dịch vào ống. (2) Loại ống chứa dung dịch đóng kín có kích thước vừa vặn để lắp vào thiết bị điện tử, ống này chỉ sử dụng một lần.

Một điếu thuốc lá điện tử bao gồm: Đầu ngậm, bộ phận phun khí dung, nguồn năng lượng như pin, hộp đựng chất lỏng điện tử (cartridge hay tank) để giữa ẩm và hương liệu. Có thể có hoặc không nicotine. Hiện tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng lên chủ yếu trong giới trẻ (từ 18 - 24 tuổi). Các thành phần có thể có trong thuốc tương tự như thuốc lá thông thường. Lượng nicotin vào phổi và máu phụ thuốc vào chất lỏng trong thuốc lá, cường độ dùng đặc biệt là thiết bị và kỹ thuật của dụng cụ dùng hút thuốc.

Một nghiên cứu về thanh thiếu niên tại các thành phố, thị trấn của 13 quốc gia Đông Âu cho thấy 2,6% thanh thiếu niên không hút thuốc đã từng thử thuốc lá điện tử ít nhất 3 lần. Một nghiên cứu của Hàn Quốc báo cáo rằng 9,5% thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng đã sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên (hơn 10 lần mỗi tháng) trong đó có 3,3% sử dụng mỗi ngày.

Ở Việt Nam, điều tra sức khỏe học đường do Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện năm 2019 cho thấy, ngoài tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh từ 13 - 17 tuổi là 2,6% (nam 3,6% và nữ 1,5%), tỷ lệ học sinh 15 - 17 tuổi hút thuốc lá điện tử khá cao là 3,1%. Tỷ lệ này ở nam sinh 15 - 17 tuổi là 4,8% và nữ sinh là 1,4%. Theo số liệu thống kê từ hàng nghìn thanh thiếu niên, lý do chính mà họ đưa ra để thử thuốc lá điện tử là do tò mò (66%) và vì bạn bè của họ đang sử dụng loại lá thuốc này (29%). Chỉ 3% nói rằng họ đã bỏ hút thuốc lá truyền thống.

Để có bằng chứng thực tiễn về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn số 557/KCB-VP ngày 11/4/2024 gửi các bệnh viện trung ương, sở y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành đề nghị báo cáo nhanh các trường hợp nhập viện điều trị liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử và nung nóng. Gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc đã gửi báo cáo số liệu của năm 2023 cho biết có tổng số 1.224 người bệnh phải nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các triệu chứng khi nhập viện: Dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.

Hóa chất gây ung thư và nhiều chất gây hại khác

Xét về nguyên liệu, thuốc lá điện tử có 2 loại: 1. Có chứa nicotine tổng hợp nhân tạo hoặc nicotine chiết xuất từ nguyên liệu lá thuốc lá (là chất gây nghiện) phối trộn với các thành phần khác như propylene glycol hoặc glycerin, nước và các hương liệu khác. 2. Không chứa nicotine, chủ yếu sử dụng các thành phần hương liệu không phải từ nguyên liệu thuốc lá (propylene glycol hoặc glycerin, nước, hương liệu khác).

Ngoài những tác hại đã được biết đến bao gồm: Gây nghiện do có chứa nicotine, ung thư, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, tâm thần, răng miệng, sinh sản, hô hấp và tim mạch, thuốc lá mới còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính nguy hiểm và nguy cơ phát sinh các vấn đề xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.

Hầu hết thuốc lá điện tử có chứa nicotine, chất đã được khoa học chứng minh ảnh hưởng tới sức khỏe. Nicotine là chất gây nghiện cao, độc hại cho sự phát triển của thai nhi; gây hại cho sự phát triển não bộ của người vị thành niên cho tới những người 25-26 tuổi. Nicotine ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi.

Chất lỏng dùng trong thuốc lá điện tử cũng được phát hiện có ethanol và caffein. Đôi khi gồm cocaine dạng bột, thuốc lắc, chất gây ảo giác, heroin, methamphetamine, thuốc giảm đau. Chất tạo hương trong chất lỏng điện tử có thể gây viêm tiểu phế quản tắc nghẽn diacetyl (butanedione hoặc butane-2,3-dione).

Các nghiên cứu cũng phát hiện các kim loại có thể có trong chất lỏng điện tử và bình xịt như nhôm, crom, sắt, chì, mangan, niken và thiếc. Một số nội độc tố nấm (1,3) -beta-D-glucans và vi khuẩn lipopolysaccharides có thể gặp.

Bên cạnh nicotine, trong thuốc lá điện tử có thể có các chất gây hại cho cơ thể. Bao gồm các hóa chất gây ung thư và các hạt siêu nhỏ có thể hít sâu vào phổi. Tuy nhiên, khí thuốc lá điện tử thường chứa ít hóa chất có hại hơn khói từ các sản phẩm thuốc lá bị đốt cháy.

Thuốc lá điện tử có thể gây ra những tai nạn ngoài ý muốn. Pin điện tử bị lỗi là nguyên nhân gây hỏa hoạn cháy nổ và có một số trường hợp đã dẫn đến thương tích nghiêm trọng. Hầu hết các vụ nổ xảy ra khi pin đang sạc. Ngoài ra, tiếp xúc trực tiếp với nicotine lỏng có thể gây độc. Trẻ em và người lớn sẽ bị ngộ độc khi nuốt, thở hoặc hấp thụ chất lỏng của thuốc lá điện tử qua da hoặc mắt. Thuốc lá điện tử cũng đem đến nguy cơ thiết lập sự phụ thuộc nicotine. Tiêu thụ nicotine nhiều hơn có thể xảy ra bởi người hút thuốc lá điện tử liên tục so với người hút thuốc lá thông thường không liên tục.

Mỹ Bình

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/co-hai-cho-suc-khoe-vi-sao-thuoc-la-dien-tu-van-hap-dan-gioi-tre-110306.bbg