Có hay không một nền văn hóa Mỹ? [Kỳ 2]
Nghĩ về văn hóa Mỹ, trước tiên ta nghĩ đến điện ảnh; có thể đó là một thứ gì đó lôi kéo, tập hợp tất cả những bộ môn nghệ thuật phụ thuộc vào kỹ thuật nhiếp ảnh.
Văn hóa Mỹ, nền văn hóa rất đa dạng và phức tạp
Mary Cowan - Dịch giả người Anh (từng tham gia dịch Tuyển tập văn hóa Việt Nam sang tiếng Anh)
Nghĩ về văn hóa Mỹ, trước tiên ta nghĩ đến điện ảnh; có thể đó là một thứ gì đó lôi kéo, tập hợp tất cả những bộ môn nghệ thuật phụ thuộc vào kỹ thuật nhiếp ảnh. Điện ảnh cùng vô tuyến là một nguồn của cải và ảnh hưởng chưa từng thấy do tính quan trọng trên phạm vi thế giới. Đó là một phương tiện hoàn toàn mới để mở rộng biên giới của mọi nền văn hóa quốc gia và mọi ảnh hưởng đối với một đối tượng nghe nhìn không có gì hạn chế.
Chính chúng ta, nhân dân thế giới, là những người phải đánh giá hiệu quả sự bùng nổ ấy của văn hóa từ Mỹ đến; do sự đánh giá ấy, chúng ta phải thực hiện điện ảnh của chúng ta theo tiêu chuẩn của bản thân văn hóa chúng ta, không cần phải căn cứ vào những đặc điểm ảnh hưởng Mỹ, ảnh hưởng này có thể tốt hay xấu.
Tính chất lập lờ ấy là kết quả không tránh được của một đất nước và một quốc gia có nguồn gốc quá mới và đa dạng. Chúng ta đừng quên xứ cờ hoa là một khối mênh mông, trong ba trăm năm đã hấp thụ những người nhập cư và tị nạn khắp thế giới.
Dường như chủng tộc Anglosakson làm bá chủ ở Mỹ bằng ngôn ngữ đặc biệt và khả năng trị vì. Tiếng Anh là một cơ sở tuyệt vời cho văn học. Ở Tân thế giới đã sản sinh những gương mặt như Mark Twain (1835-1910), Henri James (1843-1916), Ernest Hemingway (1899-1961) và ngày nay, có cả một trào lưu nhà văn da đen, nam và nữ.
Nhạc Mỹ chịu nhiều ảnh hưởng châu Phi qua những khối nô lệ được nhập khẩu để đặt nền móng cho sự thịnh vượng của Mỹ trong hai trăm năm nay. Nhạc Jazz và blues, những tiết tấu của châu Phi và của Tây Ban Nha đã được khắc sâu vào văn hóa Mỹ, đặc biệt ảnh hưởng đến một số nhà soạn nhạc như I.F. Stravinsky (1882-1971) người gốc Nga và Aron Copland (1900-1990).
Hội họa, điêu khắc cùng những lĩnh vực văn hóa khác không có gì đặc biệt mới, có lẽ do ảnh hưởng mạnh mẽ của trào lưu Văn nghệ Phục hưng châu Âu. Dĩ nhiên cũng có một ánh sáng và một tính chất vật lý ở Mỹ áp đặt quan niệm Mỹ lên nghệ thuật.
Như vậy ta thấy nổi lên từ Mỹ một nền văn hóa vô cùng đa dạng và phức tạp, không tài nào định nghĩa được. Đúng, nó suy thoái, tầm thường, trục lợi, mang tính đế quốc, nhưng dưới cái vỏ ấy, có một sức sống tạo ra bởi nhiều sắc tộc đã tìm thấy tự do trong cộng đồng “inh ỏi” này. Ở đó đã nổi nên một phản kháng sống động, tư tưởng mới, luôn luôn là một nguồn sáng tạo và hy vọng cho tương lai.
Xã hội chúng tôi có nhiều nền văn hóa với nhiều nhánh văn hóa
Christine White (Kristin Pelzer) - Giáo sư nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Hawaii, Mỹ
Rất tiếc là người Việt Nam đã thấy quá nhiều về cái “xấu” của văn minh Mỹ, nhưng bây giờ lại bị lôi cuốn bởi cái “hay” của nó. Điều đầu tiên tôi muốn người Việt Nam biết về văn hóa Mỹ là xã hội chúng tôi có nhiều nền văn hóa với nhiều nhánh văn hóa phụ. Trong số đó, tôi cho là bang Hawaii có quan hệ họ hàng nhất với Việt Nam.
Thứ nhất, có một số người cho rằng quê hương gốc gác của các dân tộc đa đảo, thổ dân Hawaii, là Việt Nam (nhà báo và nhà sử học Bob Krauss, người trao cho anh thư này, đã bắt đầu nghiên cứu về vấn đề ấy và đã phỏng vấn bạn đồng nghiệp của tôi là Wilhem Solheim, giáo sư ưu tú về khảo cổ học ở Đại học Hawaii).
Thứ hai, cùng lúc Gia Long được Pháp giúp đỡ qua Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), người lãnh tụ Hawaii là Kamehameha cũng được vũ khí phương Tây do đó thắng được các địch thủ và thống nhất các đảo Hawaii, lập nên một triều đại.
Khoảng cuối thế kỷ XIX, đất nước dưới triều Nguyễn và triều Kamehameha đều bị các cường quốc phương Tây đô hộ, cách nhau độ 10 năm từ 1884-1893.
Thứ ba, cả Hawaii và Việt Nam đều đấu tranh đòi lại gia tài văn hóa và đòi được sự tôn trọng và công nhận xứng đáng với những truyền thống văn hóa của mình. Cả hai đều phải đương đầu với sự thách thức để bảo tồn những giá trị trong dĩ vãng và sáp nhập nó vào những nguyện vọng của cuối thế kỷ XX.
Thứ tư, cả Hawaii và Việt Nam đều có những truyền thống tâm linh rất là sâu sắc (Bob Krauss đã viết một bài rất hay về tín ngưỡng Hawaii lâu đời về thần đá, tín ngưỡng về tính chất linh thiêng của thiên nhiên mà ở Việt Nam cũng có).
Thứ năm, cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng, là có hàng nghìn công dân Hawaii là con rể và con dâu đất Việt.
Cái xấu nhiều hơn hẳn cái tốt
Caterina Lasorsa, Làm việc tại Tổ chức nông lương Liên hợp quốc
Theo ý kiến tôi, cái xấu nhiều hơn hẳn cái tốt. Cái xấu có thể tóm tắt ở hai điểm: một là, thang giá trị văn hóa sai lạc, người Mỹ có “tham vọng” cho là những giá trị ấy là những giá trị duy nhất đáng giá; hai là, người Mỹ thông thường là sản phẩm của những mass media (phương tiện thông tin đại chúng); khiến họ thành cái máy kiếm tiền và tiêu thụ; cái mà người ta tiêu thụ dễ nhất là của cải của xã hội công nghiệp tư bản...
Tôi xin nhấn mạnh, tuy là người Italy, có thể tôi không đại diện cho ý kiến của tất cả. Sau 25 năm làm việc tại một cơ quan quốc tế, ý kiến tôi căn cứ nhiều hơn vào sự nghiên cứu so sánh giữa các nền văn hóa của nhiều nước khác nhau.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-hay-khong-mot-nen-van-hoa-my-ky-2-254710.html