Có hay không việc 'thổi giá' thiết bị y tế ở Đồng Nai?

Trong khi một số bệnh viện mua máy tán sỏi laser cùng chủng loại, xuất xứ có giá chỉ từ 2,6-3,3 tỷ đồng, liên danh trúng thầu thiết bị này vào Sở Y tế Đồng Nai với giá 4,2 tỷ đồng. Sở Y tế Đồng Nai nói gì về bất thường này?

Giá cao gần gấp đôi

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ngày 26/12/2020 bác sĩ Phan Huy Anh Vũ- giám đốc sở Y tế tỉnh này đã ký phê duyệt gói thầu số 3 mua sắm máy tán sỏi laser. Đây là gói thầu thuộc dự án mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cấp thiết.

Sau khi mở thầu, Liên danh Công ty Cổ phần Thiết bị Công nghệ Y tế Việt – Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Thăng Long Quốc tế tham gia và trúng thầu với giá 16,8 tỷ đồng. Trong gói thầu này có thiết bị Máy tán sỏi laser. Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là Model: SRM-H3B của Hãng sản xuất: Shanghai Raykeen Laser Technology Co., Ltd, và có xuất xứ từ Trung Quốc.Giá trúng thầu là 4,2 tỷ đồng.

Máy tán sỏi lazer được hàng loạt công ty thiết bị y tế báo giá mỗi nơi một kiểu

Máy tán sỏi lazer được hàng loạt công ty thiết bị y tế báo giá mỗi nơi một kiểu

Trước đó, trên cổng thông tin về trang thiết bị công khai của Bộ Y tế, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Thăng Long Quốc tế đang niêm giá máy này là 5,3 tỷ đồng. Đi kèm với máy này có 9 tính năng.

Trong khi đó, một số bệnh viện cũng tổ chức đầu thầu mua máy cùng chủng loại, công ty sản xuất và xuất xứ này, nhưng giá thấp hơn so với máy trúng thầu vào tỉnh Đồng Nai.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, máy tán sỏi lazer cùng chủng loại, cùng model và cùng hãng Shanghai Raykeen Laser Technology Co., Ltd trúng thầu vào bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có giá chưa tới 3 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày28/12/2020 Bệnh viện Việt Nam – Thủy Điển Uông Bí ở tỉnh Quảng Ninh cũng phê quyệt kết quả đấu thầu mua hệ thống tán sỏi laser với giá trúng thầu gần 2,7 tỷ đồng. Máy tán sỏi lazer của bệnh viện này trùng model, hãng sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, năm sản xuất với thiết bị mà Sở Y tế Đồng Nai trúng thầu.

Ngoài ra, vào ngày 30/12/2020, Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cũng có Quyết định 653/QĐ-BVTT mua Máy tán sỏi laser 80W, tương tự Model: SRM-H3B; Hãng: Shanghai Raykeen Laser Technology Co., Ltd; xuất xứ: Trung Quốc kèm phụ kiện có giá hơn 3,3 tỷ đồng.

Máy tán sỏi lazer được cho trúng thầu giá cao nhưng lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho rằng do đi kèm nhiều phụ kiện nên giá cao hơn so với các đơn vị khách là điều bình thường- ảnh L.N

Máy tán sỏi lazer được cho trúng thầu giá cao nhưng lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho rằng do đi kèm nhiều phụ kiện nên giá cao hơn so với các đơn vị khách là điều bình thường- ảnh L.N

Giá cao vì đi kèm nhiều phụ kiện?!

Trước những bất thường của gói thầu mua máy tán sỏi lazer có giá cao gấp nhiều lần so với các máy ở nhiều tỉnh thành khác, trao đổi với Tiền Phong ngày 2/3, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ- giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết,Sở Y tế Đồng Nai thực hiện việc mua sắm thiết bị là “đúng theo quy định của pháp luật”.

“Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Thăng Long Quốc tế cũng đang niêm giá là 5,3 tỷ đồng, bao gồm: 1/Máy chính; 2/ Sợi Truyền Quang; 3/ Dụng cụ bóc vỏ sợi truyền quang; 4/ Dụng cụ kiểm tra chất lượng sợi truyền quang; 5/ Kéo cắt sợi truyền quang; 6/ Kính bảo hộ mắt; 7/ Bàn Đạp; 8/ Chìa Khóa; 9/ Hướng dẫn sử dụng. Đây cũng là cơ sở mang tính pháp lý để Sở Y tế Đồng Nai tham khảo lập giá dự toán.

Tuy nhiên, đối với giá của thiết bị y tế cao hay thấp còn phụ thuộc nhiều vào thông số kỹ thuật của máy, số lượng linh kiện, phụ kiện đi kèm nhiều hay ít, chi phí triển khai đào tạo, vận chuyển, thời gian bảo hành, bảo trì, chi phí lắp đặt…”- bác sĩ Anh Vũ nói.

Người đứng đầu ngành y tế Đồng Nai còn cho rằng, máy tán sỏi laser theo cấu hình tiêu chuẩn được công bố còn cộng thêm số lượng linh kiện, phụ kiện kèm theo nhiều hơn cấu hình tiêu chuẩn. Do đó, giá thiết bị Máy tán soi laser của Sở Y tế Đồng Nai cao hơn các đơn vị khác là điều hiển nhiên và phù hợp với giá thị trường.

Liên danh trúng thầu gói thầu ở Sở Y tế Đồng Nai là Công ty Cổ phần Thiết bị Công nghệ Y tế Việt ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Chịu trách nhiệm pháp luật của doanh nghiệp hiện nay là ông Đặng Văn Cảnh. Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Thăng Long Quốc ở quận Tân Phú, TP.HCM do Lê Thị Anh Yến chịu trách nhiệm pháp luật của công ty này. Ngày 3/3, phóng viên liên lạc với lãnh đạo 2 đơn vị này để tìm hiểu rõ hơn về gói thầu tuy nhiên đều không liên lạc được.

Ngọc Lâm

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/co-hay-khong-viec-thoi-gia-thiet-bi-y-te-o-dong-nai-1801198.tpo