Có hay không việc thủy điện Thượng Kon Tum tích nước làm chết hơn 25 ha rừng?

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum đang điều tra hơn 25 ha rừng chết khô ở lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Trước đó, tại Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ điểm hàng loạt sai phạm tại dự án thủy điện Thượng Kon Tum gây thất thu ngân sách Nhà nước số tiền gần 4,7 tỷ đồng.

Ngày 23/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận điều tra vụ 25,3 ha rừng bị chết tại lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum thuộc huyện Kon Plông.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum đang điều tra hơn 25 ha rừng chết khô ở lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum.

Được biết, Dự án thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư tại huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông. Dự án thực hiện từ năm 2010 đến năm 2014 sau 04 lần được điều chỉnh, thời hạn đầu tư đến tháng 12/2020 đã đưa vào hoạt động.

Theo kết quả điều tra ban đầu, năm 2020 thủy điện Thượng Kon Tum tích nước lòng hồ, ngăn dòng chảy làm nước dâng. Sau đó 25,3 ha rừng bị chết.

Diện tích rừng bị chết xảy ra tại các tiểu khu 401a, 406, 407, 411, 412, 413 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, tiểu khu 451 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy quản lý và tiểu khu 410 do UBND xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông quản lý.

Vụ việc trên được cơ quan chức năng báo cáo UBND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum cùng các cơ quan chức năng liên quan theo dõi, giám sát.

Trong quá trình thi công Thủy điện, Công ty đã tự ý đổ đất, đá thải (hàng triệu m3) ra môi trường.

Trước đó tại Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những sai phạm, bất cập tại dự án thủy điện Thượng Kon Tum. Kết quả thanh tra thấy UBND tỉnh Kon Tum đã không yêu cầu chủ đầu tư lập báo cáo tác động môi trường khi thay đổi địa điểm thực hiện dự án, tăng diện tích đất đã chiếm dụng trước đó 109,05 ha là trái quy định.

Đồng thời, không thực hiện thu hồi đất đã giao khi hết thời hạn giao đất (đất đường dây 35 KV, đất giao thông...) và không yêu cầu Công ty thực hiện nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp diện tích 48,225 ha là trái quy định. Từ những sai phạm này đã gây thất thu ngân sách Nhà nước số tiền gần 4,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty chưa được UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm là tuyến năng lượng và khu vực nhà máy nhưng đã thực hiện triển khai xây dựng từ năm 2015 là hành vi chiếm đất bị nghiêm cấm.

Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án với 2 khu vực làm bãi trữ và bãi thải có diện tích 60 ha. Tuy nhiên, UBND tỉnh chưa có quyết định cho Công ty thuê đất để làm bãi trữ và bãi thải, nhưng trong quá trình thực hiện thi công, công ty đã tự ý đổ hàng triệu khối đất, đá thải tại 2 vị trí nằm trong diện tích đất đã được cho thuê nhưng không phải là đất được bố trí để làm bãi thải và một vị trí đổ thải ngoài diện tích đất đã được cho thuê là trái quy định.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng sử dụng đất đúng mục đích như ban đầu. Trường hợp không khắc phục được hậu quả, Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-hay-khong-viec-thuy-dien-thuong-kon-tum-tich-nuoc-lam-chet-hon-25-ha-rung-post191254.html